Nơi gửi gắm tâm tư, tháo gỡ vướng mắc

Hai năm trước, Binh nhất Trần Anh Kiệt (Đại đội 17, Trung đoàn 143, Sư đoàn 315, Quân khu 5) phát hiện bị bệnh ung thư tuyến giáp, nên có biểu hiện chán nản, muốn bỏ đơn vị về nhà.

QĐND - Hai năm trước, Binh nhất Trần Anh Kiệt (Đại đội 17, Trung đoàn 143, Sư đoàn 315, Quân khu 5) phát hiện bị bệnh ung thư tuyến giáp, nên có biểu hiện chán nản, muốn bỏ đơn vị về nhà. Nhờ được tư vấn của Tổ tư vấn tâm lý-pháp lý quân nhân về kỷ luật quân đội, những quy định của đơn vị cũng như chính sách khi quân nhân bị bệnh được hưởng, những tấm gương giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống, kết hợp với gia đình quân nhân cùng phối hợp động viên, đã giúp Kiệt lấy lại tinh thần lạc quan, chấp hành nghiêm kỷ luật, hoàn thành khá tốt nhiệm vụ được giao, an tâm điều trị bệnh.

 Thành viên Tổ tư vấn tâm lý-pháp lý quân nhân Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) trao đổi với các chiến sĩ trong đơn vị.

Thành viên Tổ tư vấn tâm lý-pháp lý quân nhân Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) trao đổi với các chiến sĩ trong đơn vị.

Ở Trung đoàn 143, các đồng chí trong Tổ tư vấn tâm lý-pháp lý quân nhân từ lâu đã là chỗ dựa, là nơi tin cậy để cán bộ, chiến sĩ giãi bày tâm tư, tình cảm và giải đáp những thắc mắc. Đây cũng là nơi để tư vấn pháp lý, giải quyết những vấn đề mang tính pháp luật, kỷ luật cho các quân nhân có hoàn cảnh như chiến sĩ Trần Anh Kiệt. Các thành viên của tổ được tuyển chọn từ cán bộ, chiến sĩ có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm, hiểu biết về pháp luật, có năng khiếu về tâm lý. Các đồng chí cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, học tập và công tác với chiến sĩ trong cùng đơn vị, nên rất gần gũi, thân thiết, gắn bó như người anh, người chị, người bạn tâm giao. Tuy đều là kiêm nhiệm, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, tình cảm chân thành với đồng đội, các thành viên tổ tư vấn luôn năng nổ, tích cực nghiên cứu về pháp luật, điều lệnh, điều lệ, nội quy, quy định của quân đội, đơn vị để áp dụng vào việc tư vấn.

Nếu không có sự chủ động tìm hiểu, chia sẻ tâm tư, động viên và tư vấn kịp thời của tổ tư vấn thì có lẽ cuộc sống của chiến sĩ Thái Văn Huy (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 143) đã rẽ sang lối khác. Huy đã từng có ý định bỏ ngũ về nhà. Huy làm cha khi mới 18 tuổi, đi bộ đội khi con chưa thôi nôi, vợ không có việc làm, phải ở nhờ bên ngoại. Gia đình bên vợ liên tục viết thư thúc giục Huy gửi tiền về nuôi con, mẹ ruột thì bị bố phụ bạc. Nhờ sự động viên, chia sẻ kịp thời của anh em trong tổ tư vấn, đặc biệt là Đại úy Trần Sông Trà, Chính trị viên tiểu đoàn, đã phân tích, định hướng tháo gỡ những khó khăn, đồng thời làm rõ hơn về Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ Luật hình sự, điều lệnh, điều lệ của quân đội. Từ đó giúp Huy dần ổn định tư tưởng. Huy trải lòng: “Em rất cảm ơn các anh trong tổ tư vấn, đặc biệt là anh Trà, đã yêu thương, giúp đỡ, kịp thời giúp em tháo gỡ vướng mắc. Đây là bài học giúp ích cho em cũng như các đồng chí khác trong đơn vị tự tin hơn trong cuộc sống, biết cách vượt qua khó khăn”.

Phía sau niềm vui của Trần Anh Kiệt, Thái Văn Huy và nhiều cán bộ, chiến sĩ khác khi gỡ bỏ được khó khăn, vướng mắc là nhiều đêm đồng chí Trà và anh em tổ tư vấn đã thao thức nghiên cứu về pháp luật, chế độ, quy định và tâm lý; thường xuyên đọc sách, báo, tra cứu thông tin, nhiều khi còn gửi các câu hỏi đến cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ. Các đồng chí cũng thường xuyên bàn bạc, trao đổi trong Đảng ủy, ban chỉ huy về tình hình, tâm tư của cán bộ, chiến sĩ, từ đó có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Trung tá Phạm Hải Minh, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 315, nhận định: Từ khi mô hình Tổ tư vấn tâm lý-pháp lý quân nhân ra đời đến nay, công tác chính trị tư tưởng, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quân nhân ở Trung đoàn 143 nói riêng, Sư đoàn 315 nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ, cấp trên với cấp dưới càng thêm gần gũi, thân thiết, tình đồng đội thêm gắn bó, chân thành.

Bài và ảnh: THANH HOÀNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/noi-gui-gam-tam-tu-thao-go-vuong-mac-553020