Nơi 'hạt giống đỏ' nảy mầm

Bù Đăng có vai trò, vị trí quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng Bù Đăng - Phước Long ngày 14-12-1974 là chiến thắng đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam mà nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ trong phạm vi một tỉnh. Và chiến thắng này là thành quả của việc 'gieo mầm' thành công những 'hạt giống đỏ' cách mạng trong lòng địch trên địa bàn huyện Bù Đăng bằng việc kết nạp những đảng viên đầu tiên trên quê hương Bình Phước. Sau đó là thành lập Chi bộ Vĩnh Thiện trong Dinh điền Vĩnh Thiện - nay là Chi bộ thôn 3, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng.

Những hạt giống đỏ

Ngược dòng thời gian về những năm 1956-1958, vùng đất Vĩnh Thiện nay là thôn 3, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng đón rất nhiều người dân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi bị ép di dân vào để thành lập Dinh điền Vĩnh Thiện. Việc làm này nhằm thực hiện âm mưu tách người dân ra khỏi Đảng, dập tắt làn sóng cách mạng nhân dân ở vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi của chính quyền Mỹ - Diệm.

Trong số hàng loạt người dân bị ép di cư vào Bù Đăng có những đảng viên ưu tú của miền đất Quảng Nam, Quảng Ngãi đang hoạt động cách mạng ở quê hương. Vào vùng đất mới, không khuất phục trước âm mưu của kẻ thù, những đảng viên: Phan Công Có, Võ Tâm và Nguyễn Tửu đã tiếp tục ngọn lửa cách mạng, hoạt động trong lòng địch tại Dinh điền Vĩnh Thiện.

Với 60 năm tuổi đảng, hoạt động cách mạng trong lòng địch ông Nguyễn Lung từng bị bắt đưa đi tù đày hơn 10 năm sau khi trở về ông tiếp tục sự nghiệp hoạt động cách mạng và xây dựng quê hương Bù Đăng

Với 60 năm tuổi đảng, hoạt động cách mạng trong lòng địch ông Nguyễn Lung từng bị bắt đưa đi tù đày hơn 10 năm sau khi trở về ông tiếp tục sự nghiệp hoạt động cách mạng và xây dựng quê hương Bù Đăng

Trong khi đó, điều kiện và hoàn cảnh cách mạng ở xã Đoàn Kết thời điểm từ sau năm 1954 rất khó khăn, địch ra sức lùng sục cán bộ, chia tách nhân dân với cách mạng. Trước tình hình đó, vấn đề củng cố lực lượng, đặc biệt là tổ chức đảng đặt ra hết sức khẩn thiết để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng. Đến tháng 12-1956, các vùng lân cận khu vực Bù Đăng đã thành lập được 3 chi bộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cao su Thuận Lợi - Bù Ka. Tuy nhiên, 3 chi bộ này hoạt động chủ yếu vẫn ngoài địa bàn huyện Bù Đăng.

Ông Đinh Văn Thành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đoàn Kết cho biết: Để đáp ứng nhu cầu cách mạng và mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu năm 1958, đảng viên Võ Đức Hòa (hay còn gọi là Nguyễn Văn Tức) được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở trong Dinh điền Vĩnh Thiện. Được sự giúp đỡ của người dân, đồng chí Võ Đức Hòa đã kết nối được với đồng chí Võ Tâm. Sau đó, đồng chí Võ Tâm móc nối với các đồng chí khác cùng quê bị ép vào Dinh điền Vĩnh Thiện. Đến đầu tháng 7-1959 đã thành lập chi bộ gồm 3 đồng chí: Võ Tâm, Phan Công Có và Nguyễn Tửu. Trong đó, đồng chí Võ Tâm là Bí thư chi bộ; đồng chí Phan Công Có làm Phó Bí thư. Chi bộ hoạt động ngay trong lòng địch. Đây là chi bộ đầu tiên trên địa bàn huyện Bù Đăng. Chi bộ Vĩnh Thiện có vai trò quan trọng trong việc góp phần đưa cách mạng đi đến thành công năm 1975.

Sau thời gian hoạt động, chi bộ đã phát triển đảng viên là người địa phương, cụ thể là đồng chí Nguyễn Lung là người Bù Đăng đầu tiên được kết nạp vào Chi bộ Vĩnh Thiện. Những năm tiếp theo, chi bộ thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng cách mạng lớn mạnh cũng như mở rộng địa bàn hoạt động trong lòng dân, phục vụ cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chi bộ Vĩnh Thiện là chi bộ đảng đầu tiên của Bù Đăng, có sức lan tỏa, lãnh đạo phong trào quần chúng nhân dân móc nối với cơ sở bên ngoài để xây dựng lực lượng nòng cốt cho cách mạng của địa phương sau này. Từ cơ sở cách mạng này mà giai đoạn 1960-1965, chúng ta vận động lực lượng thanh niên địa phương vào vùng cách mạng, tạo lực lượng hùng mạnh. Cụ thể, chúng ta đã xây dựng lực lượng C90 chủ yếu là thanh niên của Vĩnh Thiện, Bù Na, Đức Bổn tham gia rất đông cho đến ngày giải phóng 14-12-1974.

Ông Lê A, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Đăng

“Chìa khóa” giải phóng Bù Đăng

Sau khi có tổ chức đảng, phong trào cách mạng ở Bù Đăng bước sang trang mới, lập được nhiều chiến công vang dội, góp phần vào chiến thắng chung của toàn tỉnh thời bấy giờ. Điển hình là đợt tấn công đêm 12 rạng ngày 13-12-1974 tại Bù Đăng là một phép thử đối với đế quốc Mỹ xem có đem quân cứu Phước Long hay không? Sự im lặng của Mỹ trước đòn tấn công này giúp Bộ Chính trị có cơ sở kết luận: Mỹ đã không còn đủ năng lực để điều quân trở lại hòng cứu chế độ ngụy quyền.

Ông Nguyễn Lung, đảng viên đầu tiên là người Bù Đăng được kết nạp vào chi bộ Vĩnh Thiện hiện đã có trên 60 năm tuổi đảng kể về những hồi ức thời hoạt động cách mạng

Ông Nguyễn Lung, đảng viên đầu tiên là người Bù Đăng được kết nạp vào chi bộ Vĩnh Thiện hiện đã có trên 60 năm tuổi đảng kể về những hồi ức thời hoạt động cách mạng

Cũng sau đợt tấn công này, mở ra hàng loạt cuộc tiến công của quân và dân Bù Đăng cũng như các đơn vị chủ lực cùng với lực lượng địa phương tiến công vào các điểm trọng yếu của địch ở Bù Đăng, đường 14, tiến tới giải phóng Chi khu quân sự Đức Phong, Bù Na (xã Nghĩa Trung ngày nay). Thừa thắng xông lên, lực lượng quân ta đã tiến công uy hiếp Đồng Xoài, giải phóng vùng Đông Nam Phước Long rộng lớn với hơn 14.000 dân, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam, tiến tới giải phóng Bù Đăng vào sáng 14-12-1974. Bù Đăng cũng là một trong những địa phương đầu tiên được giải phóng ở miền Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tiếp sau Bù Đăng, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh lần lượt được giải phóng.

Với những giá trị lịch sử to lớn đó, việc thành lập Chi bộ Vĩnh Thiện - tổ chức đảng đầu tiên ở Bù Đăng được xem là kim chỉ nam giúp cuộc đấu tranh giải phóng Bù Đăng thành công sớm nhất trong khu vực phía Nam. Đây được xem là “chìa khóa” để Bù Đăng được giải phóng.

Gieo "những hạt mầm cách mạng"

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Chi bộ Vĩnh Thiện ngày nào nay đã phát triển lớn mạnh, từ 3 đảng viên lúc mới thành lập đến nay là 13 đảng viên. Dù thời chiến hay thời bình, các đảng viên trong Chi bộ thôn 3 luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, đóng góp chung vào sự phát triển của quê hương Bù Đăng ngày nay. Ông Nguyễn Lung, đảng viên đầu tiên là người dân sinh sống trên địa bàn Bù Đăng được kết nạp vào Chi bộ Vĩnh Thiện - Chi bộ thôn 3, xã Đoàn Kết, chia sẻ: Bản thân tôi là đảng viên, luôn phải đi đầu trong các hoạt động ở khu dân cư, đóng góp xây dựng nông thôn mới và vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cũng là đảng viên lâu năm của Chi bộ thôn 3, ông Nguyễn Trọng Nghĩa có nhiều đóng góp cho chi bộ và địa phương. Ông Nghĩa cho biết: Sau ngày giải phóng, gia đình tôi rất khó khăn nhưng dưới sự định hướng của chi bộ, hiện thu nhập bình quân đạt khoảng 250 triệu đồng/năm. Đời sống ổn định, tôi tích cực tham gia đóng góp các hoạt động xã hội, thiện nguyện, hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới.

Ông Đinh Văn Thành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đoàn Kết cho biết thêm: Chi bộ thôn 3 có bề dày lịch sử, hoạt động xuyên suốt từ thời chiến đến thời bình nên mỗi đảng viên luôn phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng vào công cuộc xây dựng đất nước; làm giàu cho gia đình, có nhiều đóng góp xây dựng quê hương. Chi bộ thôn 3 luôn dẫn đầu trong thực hiện các phong trào, hoạt động của địa phương.

Những ngày đầu xuân năm 2023, học sinh, đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Bù Đăng đến chúc tết và được nghe ông Nguyễn Lung kể về những giai đoạn lịch sử cách mạng của địa phương mà một thời ông là nhân chứng sống

Những ngày đầu xuân năm 2023, học sinh, đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Bù Đăng đến chúc tết và được nghe ông Nguyễn Lung kể về những giai đoạn lịch sử cách mạng của địa phương mà một thời ông là nhân chứng sống

"Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương đối với thế hệ trẻ rất quan trọng. Vì vậy, tôi mong muốn Đảng bộ xã Đoàn Kết và Đảng bộ huyện Bù Đăng nghiên cứu xây dựng, thành lập địa chỉ đỏ để nhân dân biết đây là nơi thành lập chi bộ đầu tiên của huyện Bù Đăng" - ông Lê A, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Đăng mong muốn.

Những ngày đầu xuân, khi trời đất giao hòa, nhiều người nô nức đến những địa điểm du lịch nổi tiếng để du xuân thì gia đình ông Nguyễn Lung lại đón tiếp các học sinh, đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện đến chúc tết, nghe những câu chuyện lịch sử về vùng đất và người Bù Đăng qua lời kể của những đảng viên là nhân chứng lịch sử một thời. Từ đó giúp phát huy giá trị lịch sử của địa phương, gieo hạt mầm cách mạng thêm sinh sôi lớn mạnh trong các thế hệ trẻ huyện Bù Đăng nói riêng và của tỉnh nói chung.

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/141240/noi-hat-giong-do-nay-mam