Nỗi khổ của ngành xuất khẩu tôm

(ĐTCK) Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra Quyết định cuối cùng vụ kiện chống trợ cấp (CVD) tôm nước ấm từ Việt Nam.

Theo đó, Công ty Chế biến thủy sản Minh Quí - công ty con của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), một trong hai bị đơn bắt buộc bị áp thuế mức chống trợ cấp cao nhất là 7,88% khi xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ, tăng so với mức thuế sơ bộ 5,08%. Bị đơn bắt buộc thứ hai là Công ty Thủy sản Nha Trang bị áp thu 1,15%, giảm so với mức sơ bộ 7,05%. Mức thuế suất chống trợ cấp toàn quốc cho các công ty khác là 4,52%. Các công ty xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ phải nộp khoản tiền đặt cọc tương ứng với mức thuế theo phán quyết của DOC.

Đáng chú ý, MPC là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước và Mỹ là thị trường lớn nhất của công ty này, do đó mức độ ảnh hưởng của quyết định trên tới ngành tôm Việt Nam là rất lớn.

Ngay sau đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ra thông cáo báo chí, phản đối kết quả vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm đông lạnh Việt Nam tại thị trường Mỹ. VASEP cho rằng, quyết định áp thuế chống trợ cấp của DOC là một sự áp đặt bất công với các DN chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam, trong lúc các DN đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của Nhà nước trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và cũng không nhận bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua. Quyết định này, cùng với việc đánh thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ là một quyết định không công bằng, đánh hai loại thuế lên cùng một sản phẩm.

Với quyết định này, DN tôm của Việt Nam đang chồng chất khó khăn. Bên ngoài, các DN phải cạnh tranh với hai đối thủ lớn nhất là Indonesia và Thái Lan, khi hai nước này được DOC công bố không phải nộp thuế. Trong nước, dịch bệnh tôm chết sớm do hội chứng gan tụy cấp vẫn chưa được khống chế, khiến nguồn nguyên liệu trở nên khan hiếm và chi phí nuôi tôm tăng cao.

Hiện vụ kiện CVD đang được Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) xem xét độc lập và ngày 26/9, Ủy ban này sẽ ra quyết định cuối cùng. Nếu ITC kết luận rằng, DN Mỹ bị thiệt hại, DOC sẽ chính thức ban hành lệnh áp thuế CVD vào ngày 3/10 và DN sẽ mất toàn bộ tiền đặt cọc. Diễn biến phiên điều trần của ITC về vụ việc ngay sau khi DOC ra quyết định cuối cùng vụ kiện chống trợ cấp cho thấy, không dễ để phía bị đơn lật ngược vấn đề, dù luận điểm của các luật sư bảo vệ DN Việt Nam có tính thuyết phục.

Trong vụ việc này, DOC đã đứng về phía các DN Mỹ và bảo vệ quyền lợi cho họ. Còn Việt Nam, ngay từ cuối năm 2012, các DN đã nhấn mạnh, vai trò của Chính phủ và các cơ quan chính quyền trong vụ kiện là rất quan trọng. Nếu DN không được trợ cấp thì các cơ quan phải lên tiếng để chứng minh thực tế đó, song những tiếng nói như vậy lại rất ít xuất hiện. Việc áp dụng các rào cản kỹ thuật nhằm gây khó khăn cho các ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và DN Việt Nam đang rất cần được bảo vệ nhiều hơn trong hành trình vươn ra các thị trường quốc tế.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJHBCH/noi-kho-cua-nganh-xuat-khau-tom.html