Nỗi khổ của người dân ở các điểm du lịch nổi tiếng: Quá tải, tệ nạn, ô nhiễm môi trường

Lượng du khách quá tải cũng như ô nhiễm môi trường và tệ nạn xã hội là thực tế đáng buồn của người dân bản địa ở các điểm du lịch nổi tiếng.

Những hệ lụy của ngành du lịch thường rất khó giải quyết. Việc làm ổn định cho hàng trăm triệu người, đầu ra cho hầu hết các ngành công nghiệp cũng đồng nghĩa với sự ô nhiễm môi trường sống, thiệt hại không thể cứu vãn cho nền văn hóa và di sản địa phương. Các cuộc biểu tình trên khắp châu Âu đã buộc chính quyền phải nói về "du lịch có trách nhiệm" và các yếu tố “du lịch bền vững”.

Tình trạng quá tải khách du lịch

Tình trạng quá tải khách du lịch đã trở thành điều quen thuộc với người dân ở các thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng như Barcelona, theo SCMP. Trong khi đó, những vùng lân cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Người dân Barcelona thường xuyên phải chịu đựng tình trạng quá tải khách du lịch - Ảnh: Alamy

Người dân Barcelona thường xuyên phải chịu đựng tình trạng quá tải khách du lịch - Ảnh: Alamy

Nhiều thành phố tìm cách giải quyết vấn đề này bằng giới hạn số lượng và phạm vi quảng cáo. Lượng khách du lịch có thể được phân tán bằng cách đẩy mạnh quảng cáo cho các điểm tham quan ít phổ biến hơn và phát triển những điểm du lịch mới.

Từ năm 2017, Reuters đưa tin một số thành phố khác khuyến khích khách tới vào những thời điểm khác trong năm, tránh xa mùa cao điểm bằng cách điều chỉnh giá,...

Những khách quay lại địa phương nhiều lần cũng là một vấn đề khác bởi sau khi quen thuộc với địa hình và văn hóa, họ thường thích làm những điều mạo hiểm hơn. Laura Aalto, giám đốc điều hành của Helsinki Marketing, cho biết: “Không ai muốn là khách du lịch mãi mãi. Nhiều người quay trở lại để khám phá, thám hiểm và đôi khi, kiếm việc làm bán thời gian”.

Những địa điểm du lịch đặc biệt như Barcelona với phong tục tiệc rượu không giới hạn hay Peru cho phép hút cần sa luôn hấp dẫn các vị khách trở lại nhiều lần, bao gồm cả những kẻ buôn lậu thuốc kích thích.

Các tệ nạn xã hội tràn lan…

Các thành phố luôn phải thay đổi và cạnh tranh với nhau, đặc biệt là cuộc sống về đêm hoặc giá cả của đồ uống có cồn. Amsterdam đã đầu tư rất nhiều vào việc quảng bá nghệ thuật và văn hóa địa phương song song với một khu đèn đỏ nổi tiếng khắp thế giới.

Amsterdam nổi tiếng thế giới về văn hóa, nghệ thuật và khu phố đèn đỏ với dịch vụ mại dâm - Ảnh: Alamy

Aalto cho biết đối tượng mang đến nhiều lợi nhuận nhất cho du lịch Hà Lan chính là những người tới tìm kiếm dịch vụ mại dâm. Bởi vậy, thật khó để kìm chế sự phát triển của ngành công nghiệp còn gây tranh cãi này. Kéo theo đó là hàng loạt các tệ nạn liên quan như buôn người, bắt cóc, ma túy… Thành phố Pattaya của Thái Lan cũng là một mô hình tương tự. Các quan chức địa phương từng lên tiếng lo lắng về thế hệ trẻ tại các điểm du lịch này. Họ có thể dễ dàng sa ngã bởi các cám dỗ xung quanh trên các phương tiện truyền thông Thái.

Không chỉ người dân địa phương, lượng lớn khách du lịch đổ về một địa điểm cũng hấp dẫn vô số tội phạm tràn về đây như móc túi, trộm cướp, buôn lậu… Vấn đề an ninh từ một nền du lịch phát triển vượt tầm kiểm soát thực sự đáng lo ngại.

Ô nhiễm môi trường sống

Vấn đề về rác thải và các thiệt hại về môi trường do khách du lịch gây ra đã là một câu chuyện cũ. Đầu tháng 6/2018, thông tin vịnh biển Maya Thái Lan đã phải đóng cửa một thời gian để hồi phục sau tình trạng quá tải khách du lịch xuất hiện trên nhiều trang báo. Một quốc gia giàu kinh nghiệm làm du lịch như xứ chùa vàng cũng chưa thể tìm được giải pháp thực sự phù hợp cho vấn nạn này.

Một tờ rơi với nội dung "Du lịch giết thành phố này" được dán sau một cuộc biểu tình tại châu Âu - Ảnh: Alamy.

Không chỉ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cũng gặp một số đảo lộn. Nhiều thành phố ở châu Âu phải vật lộn với số lượng khách du lịch đặt phòng khách sạn và nhà trọ trước nửa năm đến 1 năm, dẫn đến tình trạng chính người địa phương thiếu nơi ở, theo khảo sát của công ty tư vấn du lịch McKinsey&Company.

London, New York, Reykjavik, Amsterdam, Paris và một số thành phố khác đã đưa ra giới hạn trong suốt ba tháng đầu năm 2018 để ngăn chặn tình trạng thiếu nhà ở và tiền thuê nhà tăng vọt. Tuy nhiên, giải pháp này cũng kéo theo lợi nhuận du lịch giảm mạnh. Alex Dichter, một đối tác cấp cao của công ty tư vấn du lịch McKinsey&Company cho biết: “Giữa lợi nhuận và môi trường xã hội thực sự không thể cân bằng”.

Hiện nay, các chính phủ châu Âu đã thống nhất rằng cư dân địa phương phải được ưu tiên hơn khách du lịch về nhà ở, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ bởi họ mới là nhân tố quyết định và quan trọng nhất trong sự phát triển của thành phố.

Xavier Font, giáo sư về tiếp thị bền vững tại Đại học Surrey, Anh Quốc kết luận: “Người dân muốn họ tới để cuộc sống thêm dễ dàng và phát triển kinh tế. Ngược lại, chính quyền địa phương nên hành động để bảo vệ người dân của mình”.

Thu Phương

ếu

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/noi-kho-cua-nguoi-dan-o-cac-diem-du-lich-noi-tieng-qua-tai-te-nan-o-nhiem-moi-truong-a237290.html