Nói không với Microsoft, xây dựng nên doanh nghiệp tỷ đô từ tầng hầm

Nguồn ảnh: BBC Carl Rodrigues đã từng từ chối một lời đề nghị mua lại công ty Soti của ông từ Microsoft, và tự thân biến Soti thành công ty trị giá 1 tỷ USD.

Nguồn ảnh: BBC

Vào một ngày đẹp trời, Carl Rodrigues, một chuyên viên tư vấn thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã thức dậy và quyết định từ bỏ công việc ông đang làm.

Thay vì tiếp tục làm công cho người khác, Rodrigues đã quyết định khởi nghiệp từ tầng hầm nhà mình và bắt đầu theo đuổi những ý tưởng mới. Sau này, một trong những phát minh của Rodrigues sẽ trở nên thành công vang dội, và giúp ông tạo nên một công ty trị giá 1 tỷ USD.

Vấn đề quan trọng là lúc đó Rodrigues chưa có ý tưởng rõ ràng là mình nên làm gì. Ông kể lại rằng những người xung quanh ai cũng nghĩ ông đã bị mất trí. Bất chấp sự lo lắng của vợ, và sự dè bỉu của mẹ vợ, Rodrigues đã không hề nao núng.

Năm 2001, Rodrigues đã bắt đầu tự giam mình dưới tầng hầm ngôi nhà của ông ở thành phố Mississauga (Canada) và bắt tay vào thực hiện giấc mơ của mình.

Ông kể: "Mục tiêu của tôi là muốn biết mình có thể tạo ra điều gì nếu được làm điều mà mình thực sự thích. Tôi không biết tôi sẽ làm gì, nhưng tôi nghĩ rằng tôi sẽ cố gắng hết sức."

Con đường thành công

Sau một tháng làm việc cật lực, Rodrigues đã nghĩ ra ý tưởng hoàn chỉnh đầu tiên của ông: một hệ thống phần mềm cho phép người dùng có thể điều khiển điện thoại di động từ máy tính xách tay của họ.

Một sản phẩm phần mềm của Soti. Ảnh: BBC

Rodrigues đặt tên công ty mới của mình là Soti. Trong 12 tháng đầu tiên, doanh thu của Soti tăng trưởng khá chậm chạp, cho đến khi Rodrigues bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất nước Anh.

Rodrigues không muốn bán lại hệ thống mà ông đã phát triển. Thay vào đó, ông muốn tìm cách tích hợp nó vào hoạt động của khách hàng, giúp các nhân viên có thể giao tiếp và chuyển dữ liệu cũng như thông tin tốt hơn.

Rodrigues (55 tuổi) kể lại: "Khi đó, tôi đang ngồi trong tầng hầm, thì nhận được một cuộc gọi từ công ty đó, và họ nói rằng muốn đặt hàng sản phẩm của tôi. Tôi không nghĩ họ biết rằng công ty của tôi chỉ có 1 người làm việc trong hầm, vì vậy khi người đó yêu cầu nói chuyện với người phụ trách bán hàng, tôi đã giả bộ hạ máy xuống và đổi giọng".

Thủ thuật nho nhỏ đó đã phát huy tác dụng, và phía đối tác Anh quyết định đặt hàng 20.000 sản phẩm.

Kể từ đó trở đi, Soti bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Dù Soti không phải là một cái tên nổi tiếng với công chúng, vì nó chỉ chuyên bán các sản phẩm công nghệ dành cho doanh nghiệp thay vì người tiêu dùng, công ty đã đạt được mức doanh thu hàng năm là 80 triệu USD.

Hiện tại, Soti vẫn do 2 vợ chồng Rodrigues nắm quyền sở hữu 100%, chưa cần vốn đầu tư từ bên ngoài.

Rodrigues đã từng từ chối nhiều đề nghị mua lại, bao gồm cả một lời mời chào từ Microsoft vào năm 2006. Rodrigues nói rằng ông muốn Soti "phát triển hết mức có thể".

Khởi đầu khiêm tốn

Sinh ra ở Pakistan trong một gia đình theo Công giáo La Mã có 5 anh chị em, Rodrigues di cư sang Canada cùng gia đình khi ông lên 11 tuổi.

Carl Rodrigues (cậu bé đứng thứ hai tử phải qua) cùng gia đình lúc còn sống ở Pakistan. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mẹ của Rodrigues là người đưa ra quyết định rời Pakistan, vì lo lắng trước tình trạng bất ổn chính trị và xã hội tại nước này vào đầu những năm 1970.

Rodrigues kể: "Bố tôi rất thích cuộc sống tại Pakistan, nhưng mẹ muốn rằng chúng tôi phải có một nơi an toàn tốt để lớn lên và được học tập tốt".

Vì gia đình này chuyên giao tiếp bằng tiếng Anh ở nhà, Rodrigues nói ông không gặp khó khăn khi định cư ở Toronto. Ông thậm chí còn thích thời tiết lạnh giá ở đó.

Rodrigues đã tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học máy tính và toán học tại Đại học Toronto. Sau đó, ông đã hành nghề chuyên gia tư vấn, trước khi thành lập Soti vào năm 2001.

Bí quyết thành công

Ngày nay, Soti được định giá hơn 1 tỷ USD, có 700 nhân viên tại 22 quốc gia, và phục vụ 17.000 khách hàng doanh nghiệp trên khắp thế giới.

Từ tầng hầm khiêm tốn trong nhà Rodrigues, trụ sở chính của Soti giờ đây nằm tại hai tòa nhà ở Mississauga.

Một văn phòng của Soti. Ảnh: BBC

Nhà báo công nghệ Martin Veitch tại IDG Connect, người đã theo sát sự nghiệp của Rodrigues, nói: "Tôi nghĩ Soti là một ví dụ về một công ty đã thành công bằng cách tập trung vào một lĩnh vực ngách".

"Rất nhiều đối thủ của nó là những công ty khổng lồ có thể tham gia trên hầu hết các khía cạnh của ngành CNTT. Những công ty như vậy hướng đến những khách hàng thích dùng một bộ sản phẩm do cùng một công ty làm ra, nhưng cũng có những công ty khác lại thích những sản phẩm riêng biệt do một công ty chuyên về lĩnh vực đó làm ra".

Về phía Rodrigues, ông cho biết phong cách lãnh đạo của mình là đem lại sự tự chủ tối đa cho các nhà quản lý dưới quyền. Ông giải thích: "Tôi rất bận rộn với nhiều công việc khác nhau, họ cần phải là CEO của chính mình và có khả năng điều hành nhóm của họ".

Carl Rodrigues, nhà sáng lập kiêm chủ sở hữu của Soti. Ảnh: Soti

Một vấn đề mà Soti đang phải đối mặt là chưa thể tuyển dụng đủ các lập trình viên máy tính có đủ năng lực. Để giải quyết vấn đề này, Rodrigues đã thử một ý tưởng mới, đó là thử mở cửa đón nhận những người không có kinh nghiệm lập trình hoặc bằng cấp và đào tạo họ từ đầu. Hiện tại, chương trình này đã tuyển dụng được khoảng 16 người.

Soti cũng đã thuê 20 lập trình viên từ Ukraine, và hỗ trợ đưa những người này và gia đình của họ đến sống tại Canada.

Hiện tại, gia đình Rodrigues vẫn sống chung với mẹ vợ dưới cùng một mái nhà. Ông nói: "Mẹ vợ tôi không phải là một người nhút nhát, nhưng tôi nghĩ bà ấy rất hài lòng với những gì mà tôi đã đạt được ".

Bá Ước

Nguồn BBC

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/noi-khong-voi-microsoft-xay-dung-nen-doanh-nghiep-ty-do-tu-tang-ham-3319611/