'Nói không' với rượu không rõ nguồn gốc

Bắc Giang có hàng nghìn cơ sở và hộ gia đình nấu rượu thủ công, với sản lượng hơn 13,5 triệu lít/năm. Tuy nhiên, việc sản xuất rượu hiện nay vẫn tự phát, khâu quản lý sản xuất, chất lượng của sản phẩm chưa được quan tâm, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và ngộ độc cao.

Lạm dụng rượu

Những năm gần đây, thu nhập của người dân tăng cao nên cả khu vực thành thị và nông thôn nhu cầu tụ tập ăn uống, sử dụng rượu, bia ngày một gia tăng. Điều này không khó nhận ra khi quan sát tại các hàng quán cũng như bữa tiệc: Cưới hỏi, gặp mặt, họp lớp…

Hợp tác xã Vân Hương, xã Vân Hà là cơ sở nấu rượu thủ công duy nhất trên địa bàn tỉnh đầu tư lắp đặt hệ thống máy lọc rượu hiện đại để loại bỏ các độc tố trong rượu.

Hợp tác xã Vân Hương, xã Vân Hà là cơ sở nấu rượu thủ công duy nhất trên địa bàn tỉnh đầu tư lắp đặt hệ thống máy lọc rượu hiện đại để loại bỏ các độc tố trong rượu.

Ghi nhận tại đám cưới con ông Nguyễn Văn V, thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn (Yên Thế), mới đến cổng đã thấy tiếng “1, 2, 3 dô” từ trong rạp cưới vọng ra. Vào trong, thấy cánh đàn ông ai cũng mặt đỏ tưng bừng vì rượu. Trên các mâm cỗ ở đây rượu không được rót ra các chai nhựa hoặc be (nậm),… thay vào đó là những ca trắng nhỏ, khoảng 1 lít/ca.

Ông V chia sẻ, cưới con đầu nên ông bà làm hơn 100 mâm cỗ. Dự tính toàn bộ đám cưới tiêu thụ tầm 150 lít rượu. “Quê mình cỗ bàn có thể vơi nhưng rượu dứt khoát không thể thiếu. Rượu đây tôi đặt toàn người nhà nấu cả, uống không đau đầu đâu mà sợ”, ông V khẳng định.

Trong cuộc “nhậu” hay bữa tiệc nào cũng bắt gặp hình ảnh rượu được rót ra bát lớn, với đủ loại, từ rượu trắng, rượu ngâm động, thực vật đến rượu “tây”. Lý do để uống cũng muôn hình, vạn trạng: Vui uống, buồn uống, chơi thể thao xong uống, hết giờ làm cũng uống,… Không ít người còn luôn “thủ” sẵn rượu trên xe ô tô để tiếp khách hoặc đơn giản là để uống cùng bạn bè.

Việc lạm dụng rượu ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng con người. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do TNGT có liên quan đến rượu, bia. Tại Bắc Giang, 10 tháng năm 2022 đã xảy ra 193 vụ TNGT, làm chết 102 người và 137 người bị thương, trong đó có hàng chục vụ liên quan đến rượu.

Gần đây, trên địa bàn tỉnh và cả nước xảy ra một số vụ ngộ độc rượu. Có thể dẫn chứng: Vụ 3 người tử vong do ngộ độc rượu khi cùng ăn cỗ tại một đám tang ở xã Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) vừa qua. Đầu tháng 9/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận và cấp cứu ông T.V.M, 56 tuổi, ở xã Song Mai (TP Bắc Giang) bị ngộ độc do rượu. Rất may ông M đã được cứu sống.

Nguyên nhân các vụ ngộ độc rượu đều do uống rượu không rõ nguồn gốc, chứa hàm lượng Methanol (cồn công nghiệp) vượt ngưỡng cho phép. Đây là loại hóa chất được sử dụng phổ biến trong công nghiệp hoặc có sẵn trong rượu nấu thủ công, rất độc hại với sức khỏe. Mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng tình trạng lạm dụng rượu không rõ nguồn gốc dẫn đến ngộ độc vẫn xảy ra.

Nguy cơ mất an toàn

Thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 2.654 hợp tác xã (HTX), hộ gia đình sản xuất rượu theo phương pháp thủ công. Trong đó, cấp huyện quản lý 83 cơ sở, còn lại thuộc cấp xã quản lý. Tổng sản lượng rượu đạt hơn 13,52 triệu lít/năm. Hiện tỉnh có 18 sản phẩm rượu (thuộc 14 cơ sở sản xuất) được công nhận sản phẩm OCOP (có tem nhãn, xuất xứ nguồn gốc và kiểm định ATTP).

Sản xuất men nấu rượu tại Hợp tác xã Rượu men lá Kiên Thành, xã Kiên Thành (Lục Ngạn).

Các sản phẩm rượu của các cơ sở, hộ gia đình còn lại cơ bản đều không được kiểm định ATTP, tự sản xuất theo kinh nghiệm, để uống hoặc bán trôi nổi trên thị trường. Theo quy định về vệ sinh ATTP trong sản xuất rượu, muốn các chỉ số đạt tiêu chuẩn thì rượu sau khi chưng cất phải qua hệ thống lọc khử để loại bỏ các độc tố như: Methanol, Aldehyde, Ethanol.

Tuy nhiên, rượu sản xuất thủ công tại các hộ sau khi chưng cất đã bán ngay ra thị trường, không qua kiểm định chất lượng vệ sinh ATTP. Dù rượu có nguồn gốc, xuất xứ nhưng nếu chưa qua kiểm định, khử độc tố, sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc ngộ độc ngay sau khi uống. Hiện tại, trong tỉnh chỉ có vài chục cơ sở (chủ yếu là các HTX) mua sắm, hoặc được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ máy lọc rượu).

Toàn tỉnh hiện có 2.654 hợp tác xã (HTX), hộ gia đình sản xuất rượu theo phương pháp thủ công. Trong đó, cấp huyện quản lý 83 cơ sở, còn lại thuộc cấp xã quản lý. Tổng sản lượng rượu đạt hơn 13,52 triệu lít/năm. Rượu của các cơ sở, hộ gia đình cơ bản không được kiểm định ATTP.

Nguyên nhân là do vốn đầu tư mua máy cao, trong khi đó, hầu hết là các hộ nấu rượu nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư. Đơn cử như trường hợp hộ ông Diêm Đăng Hùng (69 tuổi), thôn Yên Viên, xã Vân Hà (Việt Yên), mỗi ngày sản xuất khoảng 50 lít rượu, tiền lãi đủ để chi phí sinh hoạt cho 2 vợ chồng già nên không có vốn đầu tư máy lọc rượu.

Nghị định 105/2017/NĐ-CP, ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép.

Tuy vậy, các cơ sở sản xuất rượu tại Bắc Giang được cấp phép chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ có 83/2.654 cơ sở do cấp huyện quản lý được cấp phép (sản lượng tương ứng hơn 2,7 triệu lít). Ông Thân Văn Trung, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường (Sở Công Thương) cho biết, tỉnh đã phân rõ cho cấp huyện quản lý về rượu thủ công còn rượu sản xuất công nghiệp do Sở Công Thương chịu trách nhiệm quản lý, cấp phép.

Qua nắm tình hình cho thấy, việc quản lý, thống kê, kiểm tra chất lượng các cơ sở sản xuất rượu cũng khá lỏng lẻo. Các số liệu liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ rượu không được cập nhật thường xuyên. Đến nay, huyện Lục Ngạn vẫn sử dụng số liệu từ năm 2018. Theo số liệu của Sở Công Thương, hiện Việt Yên chỉ có 101 cơ sở sản xuất rượu. Nhưng thực tế, chỉ tính riêng thôn Yên Viên, xã Vân Hà đã có gần 200 hộ, trong đó có hơn 100 hộ nấu rượu thường xuyên.

Lục Ngạn là huyện có số cơ sở nấu rượu đứng thứ 2 toàn tỉnh (hơn 480 hộ) nhưng sản lượng cao nhất tỉnh với hơn 3,46 triệu lít/năm. Do đó, để quản chặt hoạt động sản xuất, bảo đảm vệ sinh ATTP rượu thủ công, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện khuyến khích các hộ nấu rượu thủ công thành lập HTX để hỗ trợ máy lọc khử độc tố, bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh rượu; ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về sản xuất, buôn bán rượu. Yêu cầu lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, người dân cũng cần “nói không” với sản xuất, kinh doanh rượu không bảo đảm vệ sinh ATTP.

Bài, ảnh: An Khánh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/394642/noi-khong-voi-ruou-khong-ro-nguon-goc.html