Nói không với thịt chó?: Cần luật hóa giết mổ, tiêu thụ chó, mèo

Để điều chỉnh hành vi xã hội của con người cần luật hóa để ràng buộc và phải chứng minh được hành vi này ảnh hưởng đến lợi ích công

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM):

Phải có lộ trình

Có rất nhiều luồng quan điểm về việc từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo và kinh doanh lợi nhuận từ chúng. Vấn đề là liệu có khả thi để thực hiện xóa bỏ hoàn toàn việc ăn và kinh doanh thịt chó, mèo ở Việt Nam?

Thay đổi một thói quen ẩm thực không phải là chuyện đơn giản, phải bắt nguồn từ ý thức của người dân. Cần phải chia sẻ những lợi ích rõ ràng của việc từ bỏ việc ăn và kinh doanh thịt chó, mèo cho cộng đồng, nhất là những vùng sâu, vùng xa với trình độ dân trí thấp.

Trong thời đại toàn cầu hóa, sự hội nhập sâu rộng của các nền văn hóa, giới trẻ đã biết tiếp thu những giá trị văn hóa mới, tốt đẹp, đồng thời loại bỏ đi những thói quen, hủ tục lạc hậu, không phù hợp. Các nước trên thế giới đa phần đều có chính sách cấm ăn, kinh doanh thịt chó, mèo. Ngay cả Hàn Quốc, quốc gia tiêu thụ lượng thịt chó, mèo lớn nhất thế giới hiện nay cũng đang dần từ bỏ món ăn này. Vừa qua, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật cấm ăn thịt chó, mèo đồng thời kêu gọi các nước trong đó có Việt Nam không ăn và kinh doanh thịt chó, mèo. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng làm được điều này nhưng cần một lộ trình với những lý lẽ thiết thực và hành động cụ thể tác động đến toàn thể người dân thì mới đạt được kết quả.

Bé gái Hàn Quốc cầm tấm bảng hối thúc chính phủ thiết lập luật cấm bán thịt chó Ảnh: HIỆP HỘI BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HÀN QUỐC

Bé gái Hàn Quốc cầm tấm bảng hối thúc chính phủ thiết lập luật cấm bán thịt chó Ảnh: HIỆP HỘI BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HÀN QUỐC

Thạc sĩ Phan Trần Công (giảng viên Khoa Việt Nam học Trường Đại học KHXH&NV TP HCM):

Khuyến cáo không ăn thua

Trong quan niệm của nhiều người Việt, chó, mèo là một loại thực phẩm, một món ăn quen thuộc, món ngon mang đậm nét đặc trưng khu vực. Vì nó thuộc về tập quán, văn hóa, thói quen nên không thể nói ăn thịt chó, mèo là văn minh hay không văn minh.

Đặt vấn đề chó, mèo không trở thành thú cưng thì chúng vẫn là gia súc, vẫn được giết mổ và ăn thịt bình thường. Nhiều người phản đối ăn thịt chó, mèo bởi tình trạng trộm chó, mèo diễn ra nhan nhản, gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt nguồn thịt chó, mèo ở Việt Nam không được kiểm soát về nguồn gốc, kiểm dịch chất lượng.

Để người dân từ bỏ một thói quen không dễ, đặc biệt là với những người sống dựa vào nguồn thu nhập chính là giết mổ, chế biến thịt chó, mèo thương phẩm. Vì vậy, trước hết phải tuyên truyền, kêu gọi người dân tự ý thức, từ bỏ thói quen. Bên cạnh đó, để điều chỉnh hành vi xã hội của con người cần phải có những thiết chế, pháp lý cụ thể để ràng buộc và phải chứng minh được hành vi này ảnh hưởng đến lợi ích công. Không phải là "khuyến cáo" để nâng cao ý thức mà phải là luật hóa hoàn toàn.

Thạc sĩ Bùi Việt Thành (giảng viên Trường Đại học KHXH&NV TP HCM):

Có biện pháp phù hợp thực tế

Thay đổi thói quen ăn uống của con người không thể bằng lệnh cấm. Người dân sẽ tự lựa chọn việc ăn hay không ăn. Nếu thấy nguy hiểm do nhiễm bệnh, hay vì tính nhân văn, các cá nhân sẽ không ăn thịt chó, mèo nữa, không đợi đến lệnh cấm. Do vậy, cần chú ý đến sự lựa chọn này mà có những biện pháp cụ thể phù hợp với tính thực tế.

Với vai trò quản lý, nhà nước cần tuyên truyền, khuyến khích người dân không nên ăn thịt chó, mèo bởi có thể bị lây lan virus bệnh dại, hay các bệnh khác; vì tính nhân văn… Tuyên truyền trên nhiều kênh và có thời gian dài cần thiết để đánh vào thói quen của người sử dụng thịt chó, mèo.

Dưới mắt người nước ngoài

- Ông Jean-Marc Potlet (họa sĩ người Pháp): "Khi tôi về nhà ở Provence, miền Đông Nam nước Pháp sau chuyến đi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 2015, nhiều người bạn thân thiết của tôi đều hỏi: "Có đúng là ở Việt Nam người ta ăn thịt chó không?". Có rất nhiều điều tuyệt vời tôi được trải nghiệm ở đất nước Việt Nam xinh đẹp và muốn chia sẻ với bạn bè mình nhưng rất tiếc, mối quan tâm lớn của nhiều người ở những vùng đất coi chó là bạn như chúng tôi lại nằm ở câu chuyện "ăn thịt chó" này bởi thật sự họ không thể hiểu nổi việc này".

- Ông Jakan (Pháp): "Chó, mèo là những động vật rất thông minh, trung thành; là bạn của con người. Ở đất nước chúng tôi, không ai ăn thịt chó, mèo và cũng không ai muốn thử điều đó. Tôi hy vọng nhà nước Việt Nam nên ban hành luật cấm ngược đãi, giết hại cũng như kinh doanh chó, mèo và người Việt Nam cũng sẽ từ bỏ thói quen này".

- Ông Arthur Lê (người Canada gốc Việt): "Tôi hoàn toàn có thể hiểu được người phương Tây sửng sốt tới mức nào khi chứng kiến chuyện ăn thịt chó ở Việt Nam. Họ rất yêu quý chó. Nhiều người bạn của tôi ở Canada nuôi chó, coi chó như con, người thân, người bạn nhỏ trong nhà. Họ hay nói đùa rằng con cái lớn lên bỏ cha mẹ mà đi, còn con chó thì không bao giờ. Có những người bạn nước ngoài sau khi thăm Việt Nam về nói với tôi rằng họ thấy việc ăn thịt chó là ác lắm. Bản thân tôi cũng cho rằng không nên ăn".

- Cô Hyun-woo (du học sinh Hàn Quốc): "Một số người lớn tuổi ở Hàn Quốc vẫn còn ăn thịt chó nhưng giới trẻ Hàn Quốc thì không ăn. Tôi rất yêu chó và ủng hộ việc không dùng chúng làm thực phẩm. Tôi không chịu được mỗi khi đọc thông tin có người dùng súng điện bắt chó một cách dã man. Tôi và những người yêu chó hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ ban hành luật để chó, mèo được bảo vệ, đối xử và chăm sóc tốt hơn".

Thu Hằng - Ý Linh

Ý Linh - Thu Trang - Phạm Dũng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/noi-khong-voi-thit-cho-can-luat-hoa-giet-mo-tieu-thu-cho-meo-20180917213348297.htm