Nói 'không' với tiêu dùng sản phẩm động vật hoang dã

Chỉ khi nguồn cầu giảm xuống thì tình trạng săn bắn động vật hoang dã trong tự nhiên mới được cải thiện.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, ông Bùi Đăng Phong, Phó giám đốc Văn phòng Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp - Tổ chức WWF, cho biết theo thời gian, số lượng động vật hoang dã trong tự nhiên giảm đi đáng kể.

Trong quá khứ, những chuyến hàng săn bắt động vật hoang dã trái pháp như rùa, tê tê… có thể lên tới hàng nghìn cá thể, nhưng về sau, số lượng giảm xuống chỉ còn vài chục cá thể.

Ông Bùi Đăng Phong, Phó giám đốc Văn phòng Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp - Tổ chức WWF.

“Người giàu dùng ngà voi để cho thấy địa vị cao hơn, dùng sừng tê giác, mai rùa vàng… như một vị thuốc chữa bệnh ung thư, nhưng thực tế không có tác dụng”, vị chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phóng viên, nhà báo trong phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”, tổ chức ngày 13/6/2023.

Số liệu của các chuyên gia cho thấy, Việt Nam được biết đến như là quốc gia có nhiều loài đông vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng cao. Cụ thể, có 407 loài động vật vào sách đỏ Việt Nam năm 2007 với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng; 7 loài động vật của Việt Nam nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới

Nếu trước đây, việc săn bắn động vật hoang dã chỉ để phục vụ nhu cầu thực phẩm địa phương, thì hiện nay, hoạt động này đã hướng tới mục đích thương mại, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Phong lý giải rủi ro thấp, lợi nhuận cao là một trong những lý do đẩy các loại động vật hoang dã vào tình trạng tuyệt chủng. Ví dụ, một cá thể rùa vàng đường kính chưa đầy 3cm, vì được tin rằng có khả năng chữa bệnh ưng thư, có thể bán ra thị trường với giá 5.000 - 6.000 USD/con. Trong khi đó, nếu so với hành vi buôn bán ma túy, vũ khí, buôn bán người, quy định xử phạt về buôn bán động vật hoang dã lại không chặt chẽ bằng.

Cần giảm nguồn cầu về động vật hoang dã

Việc tiêu dùng các sản phẩm động vật hoang dã không chỉ trái pháp luật, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Từ quan sát của một người chuyên làm bảo tồn, ông Bùi Đăng Phong tiết lộ trước đây, các thợ săn sử dụng muối để ướp thịt động vật sau mỗi chuyến săn bắn. Tuy nhiên, sau này, họ chuyển sang sử dụng chất Formaldehyde để bảo quản, bởi chất này vừa rẻ, vừa giữ miếng thịt tươi lâu, đảm bảo chuyển đi săn có thể kéo dài nhiều ngày.

“Trước đây, họ dùng muối ướp vì có khi đi 2 ngày đã thu được 10 kg, thì nay phải đi cả tuần hoặc hơn. Khi đem vào nhà hàng chế biến, không ai biết thịt động vật hoang dã đã bị tẩm hóa chất và khách hàng ăn phải sản phẩm này sẽ cực kỳ độc hại”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng tiểu hợp phần Giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã (thuộc Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học, Tổ chức WWF - Việt Nam) cho biết động vật hoang dã ẩn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Ví dụ, các nhà khoa học phát hiện ra nguồn gốc virus HIV là từ loài tinh tinh hay nguồn gốc dịch tả lợn châu Phi là từ loài lợn rừng lây sang lợn nhà.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng tiểu hợp phần Giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã -Tổ chức WWF.

“Giả sử cúm gia cầm lây từ chim hoang sang gia cầm tại nhà, sau đó lây sang người sẽ gây nguy cơ bùng phát đại dịch. Đó là sẽ là cái đích cuối cùng nguy hiểm nhất”, bà Hẳng khẳng định.

“Chúng tôi vẫn hay nói nếu chúng ta ở nhà chúng ta, động vật hoang dã ở nhà của động vật hoang dã, thì sự giao tiếp càng ít, nguy cơ mầm bệnh chuyển biến và truyền sang con người càng ít hơn”.

Bà Hằng cũng dẫn số liệu từ nghiên cứu do WWF thực hiện 2 năm trước đây cho thấy chỉ 10% động vật hoang dã được các thợ săn giữ lại tiêu thụ tại nhà; trong khi phần còn lại sẽ bán ra ngoài thị trường. Từ đó, bà đặt ra vấn đề làm sao phải giảm được nguồn cầu tiêu thụ động vật hoang dã để mọi chuyện mới được giải quyết triệt để.

“Có cầu mới có cung. Cầu giảm, giá giảm, cung sẽ giảm. Chừng nào nguồn cầu vẫn còn thì tình trạng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã còn tiếp diễn”, vị chuyên gia khẳng định.

Tại hội thảo, Mạng lưới nhà báo, phóng viên điều tra chống buôn bán động vật hoang dã với 12 thành viên đầu tiên đã chính thức được ra mắt.
Đại diện đơn vị điều phối mạng lưới, ông Lê Trọng Đảm, Phó tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ mục đích của mạng lưới là nhằm lên án các hành vi trái pháp luật trong săn bắn, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các phẩm động vật hoang dã. Bên cạnh đó, mạng lưới giúp hình thành và lan tỏa tinh thần đấu tranh, bảo vệ động vật hoang dã trong cơ quan báo chí nói riêng và các cộng đồng nói chung, góp phần chung tay thực hiện sứ mệnh bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng dinh học tại Việt Nam.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/noi-khong-voi-tieu-dung-san-pham-dong-vat-hoang-da-d191837.html