'Nói không' với vi phạm

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị: 'Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy, kỷ luật phải nghiêm minh'.

Thấm nhuần lời dạy của Người, thời gian qua, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn đã được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc; phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng trong tiến hành công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện kỷ luật.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp về quản lý, giáo dục, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn chưa được quan tâm đúng mức. Một số cán bộ, chiến sĩ thiếu ý thức tự giác, ngại tu dưỡng, rèn luyện, vướng vào tệ nạn xã hội; chưa có ý thức tốt trong bảo đảm an toàn toàn trong huấn luyện, xây dựng công trình, thực hiện nhiệm vụ và tham gia giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân quân nhân, gia đình và đơn vị.

Nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế trên là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, internet, mạng xã hội, làm nảy sinh tư tưởng, lối sống thực dụng, buông thả. Bên cạnh đó, kinh nghiệm, bản lĩnh, kỹ năng sống của một số quân nhân còn yếu, còn thiếu, dẫn đến vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị. Nguyên nhân chủ quan là một số cấp ủy, cán bộ chủ trì, cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp phân đội chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn trong quản lý bộ đội. Công tác giáo dục chính trị, tuy đã có đổi mới, song chưa toàn diện; tính định hướng chính trị tư tưởng, tính chiến đấu và khả năng thuyết phục chưa cao. Nội dung, hình thức, phương pháp quản lý, giáo dục, rèn luyện kỷ luật còn chung chung, nặng về hình thức, chưa sát với đối tượng cụ thể. Công tác quản lý các mối quan hệ, quản lý quân nhân trong giờ nghỉ, ngày nghỉ chưa chặt chẽ, còn biểu hiện mệnh lệnh hành chính, thiếu tính giáo dục, thuyết phục. Việc nắm, đánh giá, dự báo tình hình tư tưởng ở một số đơn vị còn bộc lộ yếu kém; nắm không chắc, dự báo chưa sát tình hình, đánh giá không sát thực tế, dẫn đến còn có vụ việc bị động, bất ngờ.

Trong công tác kiểm tra, giám sát, một số cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp chưa tích cực, chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm để phòng ngừa, ngăn chặn. Một số cán bộ, chiến sĩ nhận thức về pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội còn hạn chế; ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện chưa thường xuyên...

Để khắc phục những tồn tại trên, “nói không” với vi phạm, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, quân nhân, nhất là đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ cần tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác; tự học tập, rèn luyện, khép mình vào khuôn khổ, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều biện pháp, hình thức phong phú; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm, hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến công tác quản lý tư tưởng bộ đội. Cùng với đó, cán bộ các cấp phát huy vai trò nêu gương, mẫu mực, nói đi đôi với làm, là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền học tập, noi theo.

VĂN HOÀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/noi-khong-voi-vi-pham-553019