Nơi lập nên những kỷ lục cứu sống bệnh nhân

Tiếp nối kỳ tích đón nhận 7 kỷ lục Việt Nam năm 2019, cuối tháng 5 vừa qua, Bệnh viện Nhân dân 115 lại vinh dự đón nhận thêm 3 kỷ lục Châu Á, trở thành bệnh viện đầu tiên của châu Á triển khai thành công phẫu thuật u não bằng hệ thống Robot Modus V Synaptive.

Bước tiến lịch sử trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật thần kinh

Ba kỷ lục châu Á về phát triển chuyên môn, kỹ thuật y tế được xác lập có 2 kỷ lục tập thể, gồm: bệnh viện đầu tiên của Việt Nam phẫu thuật u não cho bệnh nhân 67 tuổi bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive; bệnh viện đầu tiên đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của hội đột quỵ châu Âu về điều trị đột quỵ. Kỷ lục cá nhân được trao cho Ths, BS CK2 Chu Tấn Sĩ - trưởng khoa ngoại thần kinh. Ông là chuyên gia được mệnh danh là "bàn tay vàng phẫu thuật thần kinh", người đầu tiên phẫu thuật u não bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive, dưới sự hỗ trợ của GS Amin Kassam - phó chủ tịch Viện phát triển thần kinh Aurora (Mỹ). Kỷ lục này được đánh giá mở ra một bước tiến mới trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật thần kinh.

Năm 2019, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP.HCM) có 4 tập thể và 3 cá nhân lập kỷ lục Việt Nam về phát triển chuyên môn, kỹ thuật y tế. Trong đó, có 4 kỷ lục tập thể gồm: BV đầu tiên tại Việt Nam có trung tâm đột quỵ đạt "chứng nhận chuẩn chất lượng điều trị vàng" do Hội Đột quỵ châu Âu công nhận; BV đầu tiên tại Việt Nam và châu Á triển khai thành công phẫu thuật u não bằng hệ thống Robot Modus VSynaptive; BV đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công đặt thể hang nhân tạo trong điều trị rối loạn cương dương ở nam giới.

Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp tục đón 3 kỷ lục Châu Á

Bệnh viện Nhân dân 115 cùng BV Gia An 115 là hai đơn vị đầu tiên phối hợp lắp đặt, triển khai toàn bộ phần mềm Rapid trong chẩn đoán, đưa ra chỉ định lấy huyết khối cơ học điều trị nhồi máu não cho bệnh nhân đến sau 6 giờ tại Việt Nam.

Ba kỷ lục cá nhân liên quan đến các công trình tập thể nêu trên được trao cho các bác sĩ gồm: ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ - trưởng khoa ngoại thần kinh; BS Trương Hoàng Minh - trưởng khoa ngoại niệu - Ghép thận và BS Nguyễn Đức Khang - trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh.

Thạc sĩ, BSCK2 Trần Văn Sóng – Phó giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết, TS A.Kassam - tác giả của hệ thống Robot đã từng phát biểu rằng: “Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Thụy Sỹ ứng dụng hệ thống Robot Modus V Synaptive vào trong phẫu thuật. Đây là bước đi lịch sử của Bệnh viện Nhân dân 115 nói riêng và ngành Y tế Việt Nam nói chung, vì ca phẫu thuật u não cho bệnh nhân 67 tuổi bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive là trường hợp đầu tiên thực hiện thành công tại Châu Á".

“Tính đến nay, Bệnh viện Nhân dân 115 đã phẫu thuật thành công cho 20 ca bằng hệ thống Robot Modus V Synaptive, trong đó có 4 ca xuất huyết não được mổ tỉnh. Trung tâm đột quỵ của Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị tiên phong điều trị đột quỵ đầu tiên trên cả nước, áp dụng nhiều kĩ thuật mới, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật. Đến nay, bệnh viện đã chuyển giao kỹ thuật điều trị đột quỵ cho 89 đơn vị điều trị đột quỵ trên toàn quốc” – Ths, BSCK2 Trần Văn Sóng cho biết thêm.

ThS.BSCK2 Chu Tấn Sĩ cùng ekip phẫu thuật thành công bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Văn Báu - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ: "Để đạt được sự ghi nhận mang tính lịch sử này, bệnh viện đã ấp ủ nhiều năm, ứng dụng công nghệ, thường xuyên cử chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật thần kinh đến các trung tâm thần kinh lớn của thế giới tập huấn, học hỏi kinh nghiệm. Thành công và sự ghi nhận này hết sức vinh dự. Nhưng điều vui hơn cả là chúng tôi đã thực hiện được mục tiêu tối thượng là cứu sống bệnh nhân. Trải qua một quá trình vượt khó, đến nay bệnh viện có một thế hệ vàng y bác sĩ có tâm, có tầm; đội ngũ các nhà khoa học của đơn vị đã được các nước trong châu lục, thế giới biết đến thông qua nhiều công trình nghiên cứu khoa học; hàng trăm kỹ thuật tiên tiến được áp dụng thành công trong khám chữa bệnh”.

Nhiều lợi điểm vượt trội khi phẫu thuật bằng hệ thống Robot

“Kỷ lục gia” - Ths, BS CK2 Chu Tấn Sĩ cho biết: "Khi ứng dụng hệ thống robot phẫu thuật thần kinh sẽ làm thay đổi thói quen của các phẫu thuật viên, mang lại nhiều lợi điểm. Đặc biệt nhất là, tất cả ê-kíp tham gia ca mổ đều có thể quan sát phẫu trường, tương tác với nhau trong suốt quá trình mổ. Hệ thống robot xử lý theo công nghệ 4.0, tất cả các kế hoạch mổ đều được chuẩn bị trước trên máy. Sau đó, hệ thống máy sử dụng trí tuệ nhân tạo cho phép chọn lựa các bó dẫn truyền thần kinh, và trong quá trình mổ có thể tránh các bó đó để hạn chế tối đa các di chứng thần kinh để lại".

TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (thứ 4 bên trái qua) tặng hoa cho GS Amin Bardai Kassam (thứ 5 bên trái qua) và ThS.BSCK2 Chu Tấn Sĩ (thứ 3 bên trái qua) cùng ekip mổ thành công

“Điểm nổi bật nhất của phương pháp phẫu thuật bằng robot là độ chính xác rất cao trong vị trí phẫu thuật, hạn chế tổn thương phần mềm xung quanh, đường mổ nhỏ, phù hợp với các ca can thiệp về thần kinh sọ não đòi hỏi sự chuẩn xác đến từng milimet. Ngoài ra, hệ thống còn có thể điều hướng và tự động hóa cánh tay robot, cung cấp cho phẫu thuật viên những tiến bộ công nghệ mới nhất để thực hiện cuộc phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, phù hợp với thông số riêng của từng bệnh nhân. Từ đó giúp bác sĩ lựa chọn cách tiếp cận tối ưu, giảm thiểu các biến chứng, nguy cơ gây tổn thương các vùng chức năng quan trọng như ngôn ngữ, thị giác và vận động, giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống sau mổ tốt hơn nhiều so với phẫu thuật truyền thống” - BS Chu Tấn Sĩ nhấn mạnh.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM từng khẳng định, đây là một trong những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, góp phần đặt nền móng vững chắc để xây dựng "Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á" theo định hướng của UBND TP. HCM. Công trình nói trên cũng được bình chọn là Giải thưởng Y tế thông minh của TP vừa qua.

Thành công bước đầu này cho thấy quyết tâm đầu tư nguồn lực để triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo đỉnh cao trong phẫu thuật ngoại thần kinh bằng hệ thống robot Modus V Synaptive là hướng đi đúng theo định hướng tiếp cận công nghệ 4.0, mà đỉnh cao là sử dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Hệ thống Robot Modus V Synaptive được phát triển bởi Giáo sư giải phẫu thần kinh Dr. Amin Kassan ở Milwaukee - Wisconsin, Phó Chủ tịch Viện phát triển Khoa học thần kinh Aurora, Trưởng ban khoa học, Trung tâm y tế Advocate Aurora.

Hệ thống Robot Modus V Synaptive được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Nhân dân 115 là hệ thống robot tiên tiến, hiện đại nhất trong giới phẫu thuật thần kinh và sử dụng thường xuyên tại các trung tâm phẫu thuật lớn tại Mỹ, Canada, Úc. Hệ thống robot này được tích hợp đa chức năng tối ưu hình ảnh, lập kế hoạch phẫu thuật, định hướng... cung cấp cho các phẫu thuật viên những tiến bộ công nghệ mới nhất để thực hiện các cuộc phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, phù hợp với thông số riêng của từng bệnh nhân.

Hệ thống Robot Modus V Synaptive mang đến sự khác biệt lớn là trực tiếp chụp ảnh MRI từng phần trên cơ thể của người bệnh, sau đó hướng dẫn phẫu thuật viên thực hiện.

Robot Modus V Synaptive mà Bệnh viện Nhân Dân 115 trang bị có giá trị 54 tỉ đồng do Canada sản xuất. Hệ thống này tập trung phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến sọ não và cột sống, chi phí khi sử dụng kỹ thuật này được xây dựng để người bệnh có thể chấp nhận được cho quá trình điều trị của mình, khoảng 100 triệu đồng.

Lê Tú

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/noi-lap-nen-nhung-ky-luc-cuu-song-benh-nhan-48085.html