Nỗi lo biển 'nuốt' làng

Trong vòng 8 năm qua, cả một dải rừng phòng hộ ven biển và ruộng vườn có chiều dài 2km, rộng đến vài trăm mét của người dân tại các thôn Tân, Tiến, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã bị biển 'nuốt' trọn, khiến hơn 300 hộ dân phải sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi mỗi khi mùa mưa bão về.

Bờ biển thôn Tân bị sạt lở nghiêm trọng.

Biển ngay sau tường nhà

Như thường lệ, sáng sáng ông Bùi Văn Kiều, trú tại thôn Tân, xã Quảng Nham lại ra phía sau nhà, bất lực đứng nhìn về phía những con sóng đục ngầu đang đuổi nhau vào bờ. Cứ mỗi đợt sóng xô là cả mét cát dưới chân ông bị lôi tuột vào lòng biển. Không giấu được vẻ lo âu của mình, ông Kiều kể: Chỉ cách đây khoảng hơn 8 năm về trước, phía sau nhà ông là cả cánh rừng phi lao chắn sóng trải hút tầm mắt về phía biển. Bà con ngư dân phải đi bộ, vượt qua vài trăm mét rừng phòng hộ mới đến mép sóng thì nay biển đã ở ngay sau tường nhà. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, một trảng rừng phòng hộ dài hơn 2km, rộng hơn 300m biến mất như chưa hề tồn tại.

“Đêm đêm nằm nghe sóng vỗ ì ọp vào lưng nhà, kèm theo đó là tiếng từng vạt cát, ruộng vườn đổ ụp xuống lòng biển… Xót lắm chú ạ! Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, cả thôn Tân và thôn Tiến sẽ bị biển cuốn hết!”– ông Kiều buồn bã nói.

Trưởng thôn Tân-Vũ Hoàng Anh cũng không giấu được sự lo lắng, cho biết: Toàn thôn có 182 hộ thì đã có đến hơn 100 hộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng biển xâm thực. Hầu hết số hộ nêu trên đều đã mất toàn bộ ruộng vườn ven biển chỉ trong gần 10 năm trở lại đây. Tình trạng biển “nuốt làng” bắt đầu từ khoảng năm 2010, nhưng nghiêm trọng nhất là vào khoảng các năm 2012 – 2015, cứ sau mỗi cơn bão đổ bộ vào bờ là hàng chục ha rừng phòng hộ lại biến mất. Cá biệt như trong năm 2017, sau khi cơn bão số 10 đổ bộ vào bờ biển Thanh Hóa, thôn Tân đã bị biển “nuốt” mất gần 50m đất ven biển.

“Hầu hết các hộ dân sinh sống trong vùng bị sạt lở, đêm nghe gió nổi không dám ngủ để canh sóng. Cứ mỗi khi nghe dự báo thời tiết có bão hay áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ đổ bộ là người dân đã chuẩn bị đồ đạc và tinh thần, chỉ chờ có lệnh di dời là lên đường trốn bão! Nhiều hộ muốn chuyển đi nơi khác sinh sống cho an toàn, nhưng không thể vì không có tiền. Hơn nữa, chúng tôi biết đi đâu khi không có nghề gì khác để mưu sinh ngoài nghề biển”– ông Anh thở dài nói.

Tình trạng biển xâm thực khiến đời sống của người dân nhiều khó khăn. Ông Lê Huy Hiệp – cán bộ địa chính xã Quảng Nham kể: Năm 2015, UBND xã Quảng Nham bắt tay vào Dự án quy hoạch mặt bằng 2 khu dân cư ven biển tại thôn Tân và thôn Tiến. Ông Hiệp đã tốn khá nhiều công sức cho Dự án này, tuy nhiên khi tờ trình còn chưa kịp gửi lên trên để chờ phê duyệt thì biển đã “ăn” mất 2/3 số diện tích đất nằm trong dự định sẽ quy hoạch. Vậy là xã đành ngậm ngùi bỏ luôn Dự án. Trước tình trạng biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng, năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn, tạm dừng tất cả các dự án liên quan đến xây dựng tại khu vực xã Quảng Nham, trong đó có cả những dự án xây dựng khu du lịch trọng điểm mà UBND tỉnh Thanh Hóa trước đó đã tiến hành ký kết với Tập đoàn ORG.

“Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài nguyên nhân do nước biển dâng cao, một tác nhân khác nữa cũng đang góp phần đẩy nhanh quá trình xâm thực tại Quảng Nham là do quá trình nạo vét, hút cát tại khu vực cửa lạch ghép giáp với xã Hải Ninh huyện Tĩnh Gia gây ra” - ông Hiệp nói.

Cần có đê chắn sóng

Theo quan sát của phóng viên, tình trạng biển xâm thực tại thôn Tân và thôn Tiến, xã Quảng Nham đã ở mức báo động. Nhiều đoạn, biển chỉ còn cách sông Yên đúng một con đê mỏng manh. Nếu tỉnh Thanh Hóa không kịp thời có biện pháp khả thi để xử lý, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, 1/3 diện tích của xã Quảng Nham sẽ biến mất vĩnh viễn là điều không thể tránh khỏi.

Ông Bùi Văn Kiều, trú tại thôn Tân, xã Quảng Nham bày tỏ: Hầu như trong tất cả các cuộc họp HĐND, tiếp xúc cử tri, người dân đều đề cập đến vấn đề biển xâm thực và mong muốn biện pháp xử lý kịp thời của Nhà nước. Tuy nhiên, mọi kiến nghị của bà con đều chỉ được hồi đáp ở dạng… “ghi nhận”. “Điều mà người dân tại Quảng Nham mong mỏi, khát khao nhất hiện nay là được Nhà nước đầu tư làm một con đê chắn sóng quy mô, kiên cố. “An cư mới lạc nghiệp”, chỉ khi nào bà con không còn phải mang tâm lý nơm nớp lo mất đất mất nhà thì mới có thể yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng quê hương!”- ông Kiều chia sẻ.

Nói về vấn đề này, ông Hà Thế Anh – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Nham cũng cho biết: “Trước tình trạng cấp bách do biển xâm thực, xã đã nhiều lần làm tờ trình gửi UBND huyện Quảng Xương cũng như các cơ quan hữu quan của tỉnh Thanh Hóa, đề nghị sớm có biện pháp khắc phục tình hình. Thực tế cũng đã có nhiều đoàn công tác từ trung ương, tỉnh về để khảo sát, lập dự án đê chắn sóng. Nhưng có thể là do kinh phí cho hơn 2km đê chắn sóng kiên cố này là quá lớn nên chúng tôi chưa nhận được hồi âm!”.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/noi-lo-bien-nuot-lang-tintuc412384