Nỗi lo cái ăn nước uống sau trận lũ kinh hoàng nhất 11 năm nay

Có lẽ chưa bao giờ sông Mã dữ dằn đến vậy. Chỉ vài ba ngày, dòng sông vốn hiền hòa này đã cuốn trôi hàng chục ngôi nhà khiến hàng trăm nhân khẩu rơi vào cảnh 'ăn nhờ, ở đậu'. Cái đói, cái khát đã hiện hữu.

Tính đến ngày 5/9, hàng trăm hộ dân xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) vẫn “phải ăn nhờ ở đậu nhà người thân” hoặc chui rúc trong khu nhà bỏ hoang của một đơn vị xây dựng đóng trên địa bàn. Có tới 2 - 3, thậm chí 4 - 5 gia đình cùng sống trong một căn phòng chừng 20m2. Họ phải sống qua ngày bằng mì tôm, gạo cứu trợ, khi nhà cửa, lương thực đã trôi theo dòng sông Mã.

Mưa lũ khiến nhiều điểm trên tuyến QL 15 vào Quan Hóa bị sạt trượt, hư hỏng nặng

Những ngôi nhà xây dựng kiên cố là thế nay cũng chỉ còn lại gạch đá ngổn ngang, nhiều nhà sàn đã bị nước “móc” tận chân, những rặng tre, luồng tưởng chừng kiên gan trước sóng to, gió lớn cũng nghiêng mình chào thua hà bá.

Bản làng xơ xác, chỉ còn lại rác, gỗ mục, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. QL 15 từ thị trấn Quan Hóa vào tận các bản làng cứ độ 100m lại xuất hiện những bãi đất sụt từ trên núi cao xuống. Dọc sông Mã, nhiều biển báo nguy hiểm sạt lở, xuất hiện. Nhiều đoạn đường đã bị sạt lở xuống sông tạo thành những chiếc bẫy chết người.

Phải đến ngày 5/9, QL 15 mới được thông tuyến nhưng đi lại vẫn còn hết sức khó khăn. Nguồn nhu yếu phẩm, hàng tạp hóa tại các cửa hàng gần như cạn kiệt. Những người còn tiền, muốn mua lương thực về sử dụng cũng đành bó tay. Họ không dám về nhà, không còn nhà để về.

Những ngôi nhà đổ nát sau mưa lũ tại Trung Sơn

Với ông Lương Văn Cường ở bản Co Me, xã Trung Sơn, trận lũ dữ đêm 1/9 thực sự là một ký ức kinh hoàng: “Lũ lên nhanh lắm! Tiếng chuông báo động vang lên từ chiều nhưng không ai nghĩ nó lại lên nhanh đến thế. Những hộ sát sông, phía dưới bản chạy cả lên giữa bản. Nhưng nước vẫn tiếp tục lên. Những ngôi nhà ven sông bắt đầu nứt gãy rồi đổ ào ào theo dòng nước.

Một phòng học của trường tiểu học ngay chân núi đổ ập xuống trong sự bất lực của người dân và thầy cô giáo. Các hộ dân của bản tay bồng, tay bế, trong đêm tối chạy thục mạng về phía khu nhà công nhân bỏ hoang bấy lâu nay ở lưng chừng núi. Chỉ trong 1 đêm, 25 ngôi nhà đã bị hà bá nuốt gọn”.

Phòng học trường Tiểu học Trung Sơn đổ sập

Theo ông Cường, đây là trận lũ kinh hoàng nhất từ 11 năm nay và cũng là lần đầu tiên nước lũ tràn vào đến con đường chạy giữa bản Co Me. Bản Pảo thấp nhất xã, nước mênh mông không còn nhìn thấy nóc nhà. Những hộ có con nhỏ, người già neo đơn bỏ chạy toán loạn trong đêm. Không có thiệt hại về người nhưng toàn bộ của nả người dân bản Pảo, Co Me trôi sạch.

“Con cái tôi đi làm ăn xa, chỉ còn 2 bà cháu ở trong ngôi nhà cạnh sông Mã. Tôi chỉ kịp hét lên rồi ôm đứa cháu nhỏ, bỏ lại toàn bộ tài sản, đến cả quần áo cũng không kịp mang theo, chân thấp chân cao chạy lên đồi trước khi ngôi nhà đổ rầm xuống dòng sông. Tôi muốn quay về nhưng không còn nhà nữa. Những hộ còn nhà, họ cũng không dám quay về vì chính quyền cảnh báo nguy cơ lũ ống, lũ quét. Giờ nhiều hộ ở chung trong khu nhà của công nhân này, gạo, mỳ tôm thì vẫn được cứu trợ nhưng rồi cũng đến lúc hết, không biết lấy gì để ăn. Khổ nhất là bây giờ không có nước sạch để ăn uống, sinh hoạt, nước từ trên núi về thì đục ngầu", bà Lương Thị Bứng ở bản Co Me rầu rĩ.

Người dân Trung Sơn đối diện với cái đói...

Không chỉ mất nhà cửa, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Mã cũng rơi vào cảnh trắng tay. “Vợ chồng tôi và 2 con nhỏ đang ở trên bè nuôi cá lồng thì nước bắt đầu dâng lên đột ngột. Rác, gỗ mục tứ phía vây vào, kéo đứt dây neo lồng bè, đẩy cả gia đình tôi xuôi xuống giữa dòng sông Mã và làm hỏng hết lồng bè. Vợ con tôi hét toáng lên đầy sợ hãi. May nhờ lúc đó có một số người có thuyền máy ra cứu. Lúa gạo trôi hết rồi, toàn bộ lồng cá cũng đi theo dòng sông. Tài sản của gia đình tôi bây giờ là mỗi người một bộ quần áo mang trên người”, anh Lương Văn Liều, bản Co Me, xã Trung Sơn, nói với giọng chua xót.

Ông Phạm Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, để chuẩn bị đón mưa bão, UBND xã cũng đã thành lập ban bệ đàng hoàng. Nhưng đến 11 giờ trưa ngày 30/8 thì mưa như trút nước, đoàn kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ của huyện Quan Hóa cũng may mắn thoát nạn khi đất đá trên núi đổ ập xuống. Giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Không còn ai dám đi ra đường vì sợ đất đá tràn xuống. Hai cán bộ xã đi kiểm tra tình hình cũng may mắn thoát chết nhưng hai cái xe máy thì bị vùi lấp, hư hỏng hết. Mọi kế hoạch ứng phó dường như trở nên vô nghĩa.

...Họ không còn nhà để trở về

Trung Sơn có 778 hộ (3.054 nhân khẩu). Diện tích ruộng nước chỉ 13,3ha, mới chỉ trồng và thu hoạch 1 vụ với năng suất 4,2 tấn/ha. Với việc vụ sản xuất thứ 2 trong năm cộng với một ít nương rẫy cũng thiệt hại hoàn toàn thì gần như người dân Trung Sơn sẽ đói. Hơn 200ha luồng vốn dĩ có thể đem về nguồn thu đáng kể thì cũng đã có không ít diện tích bị sạt trượt, đổ gãy. Giao thông đi lại khó khăn sẽ khiến những cánh rừng luồng bị giảm đi phần nào giá trị.

“Lúc đó, Nhà máy thủy điện Trung Sơn đã có kế hoạch, thông báo xả và đã xả với lưu lượng 3.200 m3/s. Tôi bảo, xả thế thì có mà giết chết dân à? Nhưng đúng là không xả cũng không được rồi, lượng nước đổ về hồ thủy điện quá lớn, họ đã phải nâng lưu lượng xả lên 3.800 m3/s.

Lúc này, còi báo động rú khắp nơi, nhiều điểm bị cô lập hoàn toàn, điện lưới và sóng điện thoại đều mất. Không có phương tiện cứu hộ, nhà nào lo nhà nấy, bỏ của chạy lấy người.

Đến chiều 3/9 mới có sóng điện thoại, ngày 4/9 có điện lưới. Hiện tại chúng tôi cảnh báo người dân cần ở lại nơi sơ tán, nước rút hết, đảm bảo an toàn mới quay lại dọn dẹp, dựng lại nhà cửa. Gay nhất bây giờ là nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng chưa có cách khắc phục”, ông Diễn cho biết.

Theo thống kê của UBND xã Trung Sơn, xã đã vận động sơ tán 179 hộ dân. Đến nay nhiều hộ vẫn chưa dám quay về vì sợ lũ. Do giao thông hoàn toàn bị tê liệt, sự ứng cứu của lực lượng bên ngoài chủ yếu đến sau ngày 3/9. Cơ bản địa phương vận dụng phương châm 4 tại chỗ nhưng cơn đại hồng thủy khiến nhiều điểm bị cô lập. Trong đêm tối mịt mùng, sự ứng cứu lẫn nhau gần như không thể.

Đến nay, tại Trung Sơn chưa ghi nhận xuất hiện các dịch bệnh. Nhưng với việc người dân có thói quen sử dụng nước từ trên núi trong điều kiện như hiện nay thì nguồn nước không còn đảm bảo.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trận mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua đã “cướp” đi của người dân huyện Cẩm Thủy gần 160 tỷ đồng, huyện Quan Hóa thiệt hại 137 tỷ đồng. Nhiều địa phương chưa có con số thống kê cụ thể nhưng mức độ thiệt hại của các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc… nhất là Mường Lát cũng rất lớn.

VÕ VĂN DŨNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/noi-lo-cai-an-nuoc-uong-sau-tran-lu-kinh-hoang-nhat-11-nam-nay-post226185.html