Nỗi lo cầu treo xuống cấp mùa mưa lũ

Đã bước vào mùa mưa lũ, thế nhưng trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa, nhiều cây cầu treo 'già cỗi' được xây dựng cách đây hàng chục năm, cấu kiện cầu hư hỏng, hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng... song, vẫn đang từng ngày phải 'gồng mình' duy trì lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn trong mùa mưa lũ.

Tai nạn rình rập mỗi khi lưu thông qua cầu treo Na Tảng, xã Ban Công (Bá Thước).

Huyện miền núi Bá Thước có nhiều cầu treo bắc qua các con sông, suối. Trong đó, đa phần các cây cầu treo đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Cầu Na Tảng, thôn Chiềng Lau, xã Ban Công được xây dựng từ năm 2005, tuy nhiên từ đó đến nay cây cầu này vẫn đang phải “gồng mình” phục vụ giao thông qua lại thường xuyên cho bà con Nhân dân Chiềng Lau mà chưa một lần được đại tu, sửa chữa.

Cầu Na Tảng có chiều dài 48m, rộng 2m, kết cấu dầm thép, mặt cầu bằng tre luồng, lan can dây thép và cáp. Đây là cây cầu có vai trò hết sức quan trọng. Là con đường độc đạo duy nhất của 50 hộ dân thôn Chiềng Lau đi trung tâm xã, các cháu học sinh đến trường.

Có mặt tại đây chỉ mươi phút quan sát cây cầu, chúng tôi không khỏi rùng mình mỗi khi có phương tiện lưu thông qua. Cây cầu chao đảo, rung lắc dữ dội. Mặt cầu được làm bằng tre, luồng gia cố, các mố gia cố đã lỏng lẻo. Tre luồng mặt cầu bị dồn cục bộ tại một số vị trí, tạo nên những lỗ hổng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi qua cầu. Trong khi đó, hai bên lan can cầu được cấu kết bằng những dây thép đã hoen gỉ, các điểm nối, buộc tạm sơ sài...

Anh Hà Văn Thân, thôn Chiềng Lau còn chưa hết hãi hùng mỗi khi nhắc lại cơn lũ năm 2017, cây cầu Na Tảng bị cuốn trôi, hàng chục hộ dân, hàng trăm nhân khẩu bị cô lập. Lũ ống, lũ quét từ thượng nguồn đổ về ầm ầm không chỉ cuốn phăng cây cầu mà toàn bộ đồ đạc, nhà cửa người dân bị chìm trong biển nước. Người dân bấy giờ chỉ biết cầu mong cơn lũ nhanh chóng qua đi mà không thể di dân đến vị trí an toàn, hoặc ra trung tâm xã.

Ông Lương Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Ban Công không giấu được nỗi lo lắng khi nhắc về vai trò của cây cầu Na Tảng. Nhiều năm qua, để duy trì hoạt động, trước mỗi mùa mưa lũ, UBND xã lại vận động bà con đóng góp tre luồng, ngày công để cùng nhau gia cố cây cầu. “Không có vốn, không có kỹ thuật nên việc tu sửa chỉ mang tính chất tạm thời, giải quyết mang tính thời điểm” - ông Tư thở dài.

Tương tự, tại huyện Quan Hóa có tới 11 cây cầu treo dân sinh, do xây dựng thủ công cùng với quá trình sử dụng đã lâu, trải qua các đợt thiên tai, một số cầu treo đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cầu treo Hiền Chung (xã Hiền Chung) một trong những cây cầu được Tổ chức Tầm nhìn thế giới đầu tư xây dựng từ năm 2007. Hiện tại cây cầu bắc qua con suối Khiết nối trung tâm xã Hiền Chung với bà con bản Yên, bản Pheo, bản Hán. Qua quan sát, cây cầu sau nhiều năm sử dụng, các hạng mục đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng. Nhiều cấu kiện, mấu nối hoen gỉ, mặt cầu được lát bằng ván đã bị mục nát...

Tuy cầu xuống cấp, nguy hiểm thường trực rình rập nhưng gần 300 hộ dân thuộc 3 bản Yên, Pheo, Hán hàng ngày vẫn phải lưu thông, di chuyển qua lại trên cây cầu này. Niềm mong mỏi lớn nhất của bà con nơi đây chính là các ngành chức năng sớm rà soát, xây dựng phương án nâng cấp, hoặc xây dựng cầu cứng cho bà con. Có cầu mới, sẽ giúp cho 300 hộ dân có nhiều điều kiện hơn để phát triển kinh tế, giao thông, giao thương hàng hóa. Đặc biệt là đảm bảo an toàn về tính mạng con người qua mỗi mùa mưa lũ.

Trước thực trạng mang tính cấp bách trên, mới đây, thực hiện Văn bản số 8527/UBND-CN ngày 15-6-2022 của UBND tỉnh về việc giao rà soát, báo cáo phương án khai thác cầu treo đảm bảo an toàn giao thông, đoàn kiểm tra của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cùng lãnh đạo phòng, ban các huyện đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng. Qua số liệu thống kê, rà soát cho thấy, hiện trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh đang tồn tại khoảng 45 cầu treo dân sinh tại các huyện: Mường Lát (5 cầu), Quan Hóa (11 cầu), Quan Sơn (5 cầu), Lang Chánh (6 cầu), Bá Thước (10 cầu), Thường Xuân (1 cầu), Cẩm Thủy (2 cầu), Thạch Thành (3 cầu), Ngọc Lặc (2 cầu). Trong đó, có 40 cầu treo đang sử dụng khai thác, phục vụ người và phương tiện giao thông nhưng có tới 12 cầu treo dù đang vận hành hoạt động nhưng đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; 5 cầu treo không sử dụng, hoạt động do đã xây dựng cầu cứng, hoặc đường tràn chỉ sử dụng mùa lũ...

Trên cơ sở rà soát, Sở GTVT đã có Văn bản số 4179/SGTVT-QLGT ngày 10-8-2022 báo cáo kết quả rà soát, đánh giá khai thác cầu treo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ UBND các huyện kinh phí sửa chữa 12 cầu treo bị hư hỏng xuống cấp. Bố trí kinh phí khi có điều kiện để xây dựng trước 8 cầu treo bê tông cốt thép thay thế cho các cầu treo đang bị xuống cấp.

Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, Sở GTVT yêu cầu UBND các huyện, xã có cầu treo nâng cao trách nhiệm quản lý, thực hiện ngay việc sửa chữa các hư hỏng của các cầu treo. Nguồn lấy từ kế hoạch ngân sách hàng năm, tuân thủ quy định tại Thông tư số 12/2014/TT-BGTVT ngày 29-4-2014 của Bộ GTVT hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn.

Bên cạnh đó, bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo, bảng hướng dẫn khai thác... Riêng đối với các cầu treo không còn sử dụng do đã xây dựng cầu cứng, đường tràn thay thế (5 cầu) phải khẩn trương có biện pháp tháo dỡ. Trường hợp chưa có điều kiện để tháo dỡ các cầu treo, đề nghị UBND các huyện có biện pháp rào chắn, lắp biển cảnh báo nguy hiểm không cho phép người và phương tiện qua cầu.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/noi-lo-cau-treo-xuong-cap-mua-mua-lu/167015.htm