Nỗi lo chết đói vì dịch Covid-19 của hàng triệu dân nghèo Ấn Độ

Các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn Covid-19 ở Ấn Độ đã ảnh hưởng không nhỏ tới những người nghèo ở quốc gia châu Á này.

Theo thông báo từ đầu tuần này, lệnh phong tỏa toàn quốc ở Ấn Độ nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 tiếp tục được kéo dài đến ngày 3/5. Điều này khiến những người nghèo ở Ấn Độ trở thành nhóm người bị tác động nhiều nhất.

Từ khi được ban bố cuối tháng 2/2020, lệnh phong tỏa đã khiến hàng triệu lao động phụ thuộc vào lương ngày mất việc làm, hàng trăm ngàn người phải cuốc bộ suốt nhiều ngày để trở về quê nhà. Còn những người kẹt lại ở các thành phố lớn thì phải sống trong những điều kiện chật chội, mất vệ sinh. Đối với họ, lệnh phong tỏa đồng nghĩa phải chịu cảnh đói nghèo.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài đến ngày 3/5. Ảnh: Tân Hoa xã

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài đến ngày 3/5. Ảnh: Tân Hoa xã

Ở bang Jharkhand, Nirel Lakda đã không thể đi làm hơn 1 tháng nay. Thậm chí từ trước khi có lệnh phong tỏa, anh vẫn phải chật vật mới có thể tìm được một công việc nào đó được trả 300 rupee (3,91 USD) một ngày. Giờ đây, ông bố đơn thân của 2 cô con gái nhỏ đã cạn kiệt mọi khoản tiền và phải nương nhờ vào những người chị gái của mình.

“Với số tiền ít ỏi kiếm được, ngoài việc phải chi tiền ăn và tiền học của các con, tôi gần như không dành dụm được gì cho những lúc như thế này”, Lakda nói.

Theo dữ liệu của chính phủ, gần 67% dân số Ấn Độ đủ tiêu chuẩn nhận lương thực trợ cấp theo Đạo luật về an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, các nhà quan sát nói rằng có hàng triệu dân nghèo không được ghi nhận vào dữ liệu của hệ thống này. Lakda cũng nằm trong số đó.

Hơn 1 năm nay, Lakda vẫn chưa được nhận trợ cấp lương thực của chính phủ vì đã chuyển khỏi nơi ở - một thôn nhỏ ở ngoại ô Ranchi - tới thị trấn nhỏ Lohardaga, cách đó 2 giờ lái xe, để làm việc.

“Tôi không được phép nhận lương thực trợ cấp ở thị trấn Lohardaga và khi tôi quay về quê, họ nói rằng tôi nằm ngoài cơ chế hỗ trợ”, Lakda nói, đồng thời cho biết, điều này khiến anh phải chi tới một nửa số tiền kiếm được hàng tháng cho việc mua đồ ăn.

Thủ tướng Modi ngày 26/3 đã công bố gói hỗ trợ tài chính 22,6 tỷ USD nhằm giúp người nghèo ở Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Theo đó, 813 triệu người sẽ được phát lương thực miễn phí trong 3 tháng, chi phí gas sinh hoạt được miễn phí ở các khu vực nông thôn, trong khi nông dân, công nhân xây dựng và những người già sẽ được nhận tiền hỗ trợ trực tiếp.

Dù vậy, trường hợp của Lakda cho thấy, có nhiều người dân nghèo ở Ấn Độ nằm ngoài cơ chế hỗ trợ của chính phủ.

Ở Mumbai (bang Maharashtra), thủ đô tài chính của Ấn Độ, Sugriv Rajmunshi, 23 tuổi, vẫn đang phải sống tạm bợ ở một công trường xây dựng suốt 3 tuần qua và không thể trở về quê nhà ở quận Murshidabad, bang Tây Bengal, cách đó 35 giờ đi tàu.

Rajmunshi cùng 5 người khác đang làm công nhân xây dựng cho một trường học tư ở phía Đông thành phố Mumbai thì mọi công việc bị dừng lại do các lệnh phong tỏa được áp dụng chỉ vài giờ ngay sau khi Thủ tướng Modi thông báo về điều này hôm 24/3.

Rajmunshi gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải ở lại Mumbai chờ lệnh phong tỏa kết thúc, sống qua ngày với số tiền ít ỏi mà anh đã kiếm được từ trước. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ giúp anh cầm cự được qua 3 tuần đầu của lệnh phong tỏa.

“Số tiền còn lại chỉ còn đủ cho 1 mình tôi thêm 1 ngày nữa. Sau đó, tôi sẽ chẳng còn tiền để mua thức ăn”, anh nói.

Ấn Độ đã công bố gói hỗ trợ tài chính 22,6 tỷ USD nhằm giúp người nghèo bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Ảnh: Tân hoa xã

Rajmunshi cho biết, anh sẽ vẫn sẵn lòng ở lại thành phố nếu điều đó là cần thiết để ngăn chặn dịch Covid-19, nhưng anh và những người có hoàn cảnh tương tự cần có sự hỗ trợ, nếu không họ sẽ sớm rơi vào cảnh chết đói.

Tuy nhiên, Rajmunshi cho biết anh vẫn chưa được nhận hỗ trợ và anh cũng không phải là trường hợp duy nhất.

Điều này đã khiến hàng nghìn người lao động di cư biểu tình ở bên ngoài một nhà ga chiều 14/4, đề nghị được hỗ trợ hoặc để họ được trở về nhà.

Giới chức bang Maharashtra, đã phải cam kết rằng tất cả những người lao động như Rajmunshi sẽ có đủ thực phẩm để trải qua lệnh phong tỏa. Lãnh đạo bang Maharashtra, ông Uddhav Thackeray nói rằng, chính quyền bang đã cũng cấp các suất ăn 3 bữa trong ngày cho gần 600.000 công nhân di cư.

Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết, lương thực trợ cấp đã được phân phối cho 52 triệu gia đình kể từ khi các lệnh phong tỏa được thực hiện và 320 triệu gia đình khác đã được nhận hỗ trợ tiền mặt.

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 14/4, Thủ tướng Modi khẳng định các biện pháp phong tỏa toàn quốc, giãn cách xã hội là bắt buộc với Ấn Độ, cho dù chúng gây ra hệ quả lớn cho xã hội.

“Từ góc độ kinh tế, chúng ta đang phải trả giá đắt, nhưng sinh mạng của người dân Ấn Độ quan trọng hơn nhiều”, Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh.

Dù vậy, Thủ tướng Ấn Độ cũng cho rằng một số hạn chế ở những khu vực xa “điểm nóng” sẽ được dỡ bỏ vào ngày 20/4 để giúp đỡ những người nghèo vốn sống nhờ vào lương ngày.

Những người làm việc trong lĩnh vực nông ngiệp và các lĩnh vực liên quan, bao gồm cả các khu chợ nông sản, dịch vụ hậu cần, các cửa hàng sửa chữa hay các lò gạch có thể mở cửa trở với điều kiện phải đảm bảo vệ sinh và các đồ bảo hộ cần thiết. Một số nhà máy sẽ được mở cửa trở lại nhưng các nhân viên sẽ bị hạn chế và phải làm việc luân phiên./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo SCMP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/noi-lo-chet-doi-vi-dich-covid19-cua-hang-trieu-dan-ngheo-an-do-1038400.vov