Nỗi lo của mọi nhà, mọi người

Thực phẩm bẩn đang đe dọa sức khỏe mọi người, mọi nhà hàng ngày là một thực tế buồn hiện nay. Nông sản, thực phẩm không an toàn ngay từ điểm đầu - khâu sản xuất và diễn ra trong cả quy trình thu hái, bảo quản, chế biến.

Hệ lụy thực phẩm không sạch, không an toàn tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội cả về kinh tế và niềm tin. Trước hết, nó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, có thể chết người do ngộ độc; là nguyên nhân cơ bản dẫn tới ung thư do các chất bảo vệ thực vật, các chất độc còn tồn dư trong quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến; ảnh hưởng tới chất lượng nòi giống. Thứ hai, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khiến chi phí khám - chữa bệnh tăng lên trong khi thu nhập của đa số người dân còn thấp nên đây được coi là một nguyên nhân của nghèo khó. Thứ ba, thực phẩm không an toàn còn khiến cho việc xuất khẩu nông sản của chúng ta (quốc gia có tiềm năng nông nghiệp lớn) gặp khó, thiệt hại lớn về kinh tế. Và thêm nữa, do mất niềm tin nên việc mời gọi đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân khiến thực phẩm không an toàn xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ có nhiều nhưng cơ bản là do con người. Chỉ vì lợi ích trước mắt mà làm hại mọi người. Đầu tiên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn lạc hậu, nhỏ lẻ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kháng sinh tùy tiện; thậm chí dùng các chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, các chất cấm bừa bãi. Thứ hai là vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm còn lỏng lẻo ở nhiều khâu trong chuỗi từ cung cấp vật tư đầu vào sản xuất đến chế biến, vận chuyển, bao gói, tiêu thụ... Thứ ba là do nhận thức và ý thức, trách nhiệm về an toàn của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, quản lý còn nhiều hạn chế. Thứ tư là công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Thứ năm là sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương chưa nhịp nhàng, chưa gắn kết thành chuỗi liên tục. Thứ sáu là thiếu trang thiết bị phân tích nhanh chất lượng thực phẩm.

Để có thực phẩm an toàn, việc đầu tiên là phải tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức, ý thức của người dân, giúp người sản xuất, kinh doanh hiểu được hậu quả do thực phẩm không an toàn mang lại cho xã hội. Với người tiêu dùng, hướng dẫn để họ biết cách chọn lọc trong mua sắm, tiêu dùng, nhất là với thực phẩm, ví dụ như: chỉ nên mua thực phẩm ở những địa chỉ có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những nơi cung cấp thực phẩm rõ nguồn gốc...

Tiếp theo đó, các bộ chức năng cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm một cách đồng bộ trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể và thống nhất, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh và bảo đảm an toàn thực phẩm. Thứ ba, xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông sản gắn với hệ thống quản lý chất lượng. Thứ tư, tăng cường truyền thông về các chế tài nếu vi phạm để người sản xuất - kinh doanh không dám vi phạm.

Nông nghiệp Việt Nam ta có nhiều lợi thế so sánh nhưng để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường cho nông sản Việt và hội nhập thành công, đồng thời với nâng cao năng suất để hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, chúng ta phải đặc biệt lưu ý tới chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiền Anh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/noi-lo-cua-moi-nha-moi-nguoi-post21013.html