Nỗi lo hơn cả xăng hay khí đốt tăng giá ở châu Âu

Trong khi sự khan hiếm nhiên liệu có thể chưa tác động rõ rệt tới túi tiền của người dân ở châu Âu trong ngắn hạn, điều đáng ngại hơn nhiều là khả năng tăng thuế vào 5 năm tới.

Nhẩm tính chi phí năng lượng trong vòng mấy tháng gần đây, chị Phương Hồng - làm việc tại công ty luật ở Madrid, Tây Ban Nha - bất ngờ trước mức tăng quá nhanh chóng.

“Sau chiến sự ở Ukraine và tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng, giá điện nhà tôi lần đầu tiên tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 trong 2-3 tháng liên tiếp”, chị Hồng chia sẻ với Zing.

Chị Hồng cho biết gia đình chị 3 người - gồm 2 người lớn và một em bé - sống trong căn hộ nhỏ khoảng 60 m2. Thông thường, tháng mùa đông gia đình chị dùng khoảng 100-120 euro, còn mùa hè ít hơn, chỉ tốn khoảng 60-80 euro.

“Đợt vừa rồi, tiền điện nhà tôi là 250 euro trong tháng 6, tháng trước đó là 170 euro”, chị nói. “Nói chuyện với hàng xóm hay đồng nghiệp, họ đều cho rằng là do chính phủ làm chưa tốt, kèm theo lắc đầu ngao ngán vì không thể làm gì khác trước tình cảnh giá tăng bất ngờ”, chị Hồng kể thêm.

Đây cũng là tình cảnh mà chị Thu Hà - người Việt sống tại Kassel (Đức) đang đối mặt. Theo chia sẻ của chị Hà, giá xăng dầu đang tăng gần gấp đôi so với trước. Còn về điện nước, chị Hà nói chính quyền thông báo giá sẽ bắt đầu tăng vào mùa đông năm nay.

Thông tin này được đưa ra giữa lúc giá thực phẩm ở Đức tăng mạnh, chị cho biết.

“Chẳng hạn, một hộp thịt bò tôi yêu thích trước đây có giá khoảng 5 euro, nhưng hiện giá lên tới 7-8 euro. Theo tôi thấy, đây là một mức tăng rất cao tại Đức, khi thực phẩm thường chỉ tăng khoảng 20-30 cent”, chị nói.

Theo nhà báo Võ Trung Dung ở Paris, Pháp, "nạn nhân" trước tiên của tình trạng này chính là môi trường.

Nhà báo Võ Trung Dung ở Paris, Pháp. Ảnh: NVCC.

"Nhờ nguồn dự trữ năng lượng, các nước châu Âu có thể chưa chứng kiến sự thâm hụt rõ rệt trong túi tiền người dân chi cho năng lượng trong 6 tháng tới một năm trước mắt. Tuy nhiên, việc nhiều nước rục rịch mở lại các nhà máy điện than để phần nào bù đắp nguồn năng lượng thiếu hụt sẽ khiến vấn đề biến đổi khí hậu thêm nghiêm trọng".

Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ba Lan, và thực tế là hầu hết Liên minh châu Âu (EU) thời gian gần đây đã phần nào nếm trải hậu quả của cái gọi là biến đổi khí hậu khi hứng chịu đợt nắng nóng bất thường.

Lan Anh - sinh viên Việt sống tại thủ đô Paris hơn 4 năm - chia sẻ nhiều nơi ở đây không dùng điều hòa và quạt nên không ít người chỉ còn cách “chịu đựng” khi nhiệt độ tăng cao.

“Tôi làm việc cho một quán mì ramen ở Paris. Chủ quán muốn tiết kiệm nên nhất quyết không mua quạt hay điều hòa, nên mấy hôm thời tiết nóng thì quán rất vắng khách”, Lan Anh nói. “Vào trung tâm thương mại thì đông hơn, bởi họ có hệ thống làm mát”, cô cho biết thêm.

Nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận khắp nhiều thành phố ở châu Âu. Ảnh: AP.

“Tiết kiệm”

Mùa hè nắng nóng kỷ lục tại nhiều nước châu Âu đang khiến lượng tiêu thụ nhiên liệu tăng cao.

“Năm nay thì nóng từ đầu hè tới giờ, nóng hơn hẳn mọi năm. Bình thường mùa hè chỉ tầm 34 độ C, cao điểm mới 39-40 độ C, vậy mà năm nay cứ đều đều 38-40 độ C”, chị Hồng cho hay. Chị cho biết nắng nóng cũng khiến sinh hoạt gặp đôi chút bất tiện.

Theo chị, nhiều trẻ em ở thủ đô Tây Ban Nha thường chọn buổi tối để chơi ở công viên, vào thời điểm nắng đã tắt. Nhu cầu sử dụng đá lạnh trong mùa hè nắng nóng ở Tây Ban Nha cũng tăng cao, khi những kệ tủ đá lạnh ở các siêu thị quanh nhà chị Hồng rất nhanh hết hàng.

Lan Anh cũng đang phải trải qua một mùa hè nắng nóng hơn bình thường tại Pháp.

“Thời tiết gần đây ở Pháp tương đối nóng. Nhiệt độ bây giờ đã dịu hơn, rơi vào khoảng 23 độ C, nhưng những ngày trước đó, mức nhiệt có khi lên đến 39 độ C. Điều đó làm tôi nhớ về những ngày hè ở Việt Nam”, Lan Anh nói.

Lan Anh đến thăm sân vận động Parc des Princes trong một ngày nắng nóng. Ảnh: NVCC.

Chị cho biết người dân Paris hạn chế ra đường vào những hôm thời tiết nắng nóng. Bản thân chị cũng sẽ chỉ nằm ở nhà và bật quạt cả ngày để tránh nóng.

Trước tình hình đó, Guardian đưa tin nhiều nước châu Âu đang phải áp dụng những biện pháp chưa từng có tiền lệ trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng lên trong nắng nóng, nhưng lại lo ngại thiếu hụt năng lượng.

Tại Pháp, các cửa hàng được yêu cầu phải giữ cửa đóng để tối đa hiệu quả hoạt động của máy điều hòa, trong khi ở Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sánchez hôm 29/7 xuất hiện trong buổi họp báo với bộ trang phục không cà vạt. Ông yêu cầu người đứng đầu các cơ quan nên làm theo mình để hạn chế sử dụng máy điều hòa.

Chị Hà cho biết chính phủ Đức đã tuyên truyền tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế sử dụng nước nóng và bật lò sưởi.

“Bên cạnh đó, theo tôi được biết, nhiều thành phố khác của Đức cũng tắt đài phun nước để tiết kiệm năng lượng”, chị nói. Theo chia sẻ của chị Hà, vì giá điện ở Đức thường khá cao, nên người dân nước này rất có ý thức tiết kiệm, chẳng hạn luôn tắt điện khi ra khỏi phòng hay hạn chế thời gian tắm gội.

Tại Tây Ban Nha, chị Hồng chia sẻ trong suốt 4 năm sinh sống ở đây, chị nhận thấy một vài thời điểm tăng giá điện nhất định. Chị chỉ ra vào mùa đông, khi nhu cầu sưởi tăng, họ sẽ tăng giá để một phần đảm bảo nguồn cung, một phần để người dân tiết kiệm điện.

“Tuy nhiên, những lần tăng như vậy thường không đáng kể. Họ thường dùng cách phân bổ thời gian sử dụng điện. Nếu dùng vào khung giờ cao điểm thì giá điện sẽ cao hơn so với dùng vào khung giờ thấp điểm”, chị chia sẻ, nói thêm nhờ thế mà chị có thói quen như sáng sớm hoặc tối khuya mới giặt đồ, hoặc nấu những đồ hầm cần dùng bếp lâu.

Ngoài ra, chính quyền cũng chia sẻ những thiết bị điện tiêu hao nhiều năng lượng nhất để người dân có hiểu biết nhất định. “Những thông báo đó được thả vào hòm thư của các gia đình, hoặc dán ở thông báo tại mỗi chung cư”, chị Hồng nói.

Chị Hồng nhận thấy người dân Tây Ban Nha có thói quen tiết kiệm năng lượng rất tốt. Chị chứng kiến điều này khi từng thuê trọ thời sinh viên với nhiều gia đình, cách chủ nhà hướng dẫn người thuê sử dụng điện, và thông báo từ chính quyền thành phố.

“Những nếp sống này đã thành thói quen. Việc chính phủ đề xuất tiết kiệm năng lượng chỉ nhắc thêm hoặc cố gắng cải thiện, chứ thói quen thì vốn đã có từ lâu”, chị nói.

Hoàng hôn sau một ngày nắng nóng ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, không chỉ vì đây là thói quen, người dân Tây Ban Nha cũng đang phải tiết kiệm khi giá năng lượng tăng cao.

“Không cần bảo dân tiết kiệm thì giá tăng cũng đã làm họ phải tự dùng ít lại. Họ ra ngoài trời nhiều hơn, thường xuyên ghé quán cafe hay trung tâm thương mại”, chị Hồng nói. “Nhiều gia đình dù có điều hòa cũng không sử dụng. Thay vào đó, họ để mở cửa lúc sáng sớm và tối khuya, ra các tụ điểm công cộng, sử dụng quạt máy, quạt tay”.

Tuy nhiên, chị Hồng nhận thấy combo giá nhiên liệu tăng, cùng với nắng nóng kéo dài đẩy những gia đình có người già và trẻ nhỏ vào tình thế khó. “Thời tiết nóng hơn mọi năm, nhưng cũng lại phải tiết kiệm hơn. Dẫu vậy, với người đi làm như tôi thì không quá ảnh hưởng, bởi các công ty vẫn dùng điều hòa. Cuối tuần ở nhà là cảm nhận rõ nhất”, chị nói.

Khó khăn lớn hơn ở phía trước

Dẫu vậy, lo lắng lớn nhất của người Việt ở châu Âu vẫn chờ phía trước. Nỗi lo lắng về mùa đông sắp tới, với nguồn cung năng lượng suy giảm, dường như đang lấn át hóa đơn tiền điện tăng cao trong mùa hè.

Theo chị Hồng, việc giá năng lượng tăng cao là một vấn đề rất lớn đối với gia đình có con nhỏ như chị, khi họ bắt buộc phải sử dụng lò sưởi để giữ ấm cho em bé.

Trước viễn cảnh về một mùa đông thiếu năng lượng bao trùm châu Âu, nhiều người Việt tại đây cũng bắt đầu rục rịch lên kế hoạch chuẩn bị.

“Gia đình tôi đã có kế hoạch nhất định cho mùa đông năm nay, cũng vẫn sử dụng các thiết bị sưởi, nhưng chỉ dùng trong phòng sinh hoạt chung chứ không dùng cho cả nhà", chị Hồng nói.

"Ngoài ra, tôi sẽ sắm các loại quần áo mỏng nhưng giữ nhiệt tốt cho gia đình, hoặc thay vì đi chân trần có thể chuyển sang đi dép trong nhà để tự giữ ấm cơ thể,...”, chị Hồng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, chị cũng hy vọng giá điện có thể xuống mức bình ổn vào mùa đông năm nay, “thay vì biến thiên như hiện tại”.

Còn đối với Lan Anh, chị cũng bày tỏ lo ngại khi có thông tin cho rằng thủ đô của nước Pháp sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn cung cấp điện trong mùa đông năm nay.

“Tôi mong Paris sẽ tìm được hướng đi phù hợp. Mùa đông ở Paris rất lạnh, tôi khó có thể tưởng tượng được viễn cảnh không có điện để duy trì hệ thống sưởi ấm”, chị nói.

Theo chị Thu Hà, nhiều người dân ở Đức đang phản đối vì mùa đông ở đây rất lạnh, nếu không tắm nước nóng thì không thể chịu được.

Chị Thu Hà, người Việt sống tại Kassel (Đức). Ảnh: NVCC.

“Mặc dù không theo dõi thời sự nhiều, tôi cũng được nghe nhiều đồng nghiệp người Đức kể về việc Nga sẽ hạn chế cung cấp dầu khí cho châu Âu và Đức trong thời gian tới. Do vậy, giá xăng, điện nước và gas sẽ tăng rất cao”, chị Hà chia sẻ.

Bên cạnh đó, chị cũng lo ngại nếu chi phí điện nước tiếp tục tăng cao, chị sẽ phải gánh thêm rất nhiều chi phí.

“Chẳng hạn, tôi thường thuê nhà với chi phí điện nước cố định, rơi vào khoảng 100 euro/tháng. Chủ nhà sẽ tính lại vào cuối năm, nếu tôi dùng nhiều thì họ sẽ thu thêm, còn nếu dùng ít thì họ sẽ trả lại tiền”, chị nói. Vì vậy, chị lo sợ rằng khi tổng kết lượng điện nước tiêu thụ vào cuối năm nay, chị sẽ mất thêm nhiều chi phí, nếu giá điện nước tiếp tục tăng mạnh trong mùa đông này.

Thực tế người Việt ở châu Âu đã chứng minh được sự chống chịu tốt hơn qua các cuộc khủng hoảng, ví dụ gần đây nhất là khủng hoảng Covid-19.

Nhà báo Võ Trung Dung

Tuy nhiên, chị Hà cho biết bản thân thấy may mắn vì công ty hỗ trợ thêm chi phí đi lại cho nhân viên khi giá nhiên liệu tăng cao. Điều đó giúp chị giảm bớt nhiều gánh nặng, giữa lúc lạm phát leo thang và giá trị đồng euro giảm mạnh.

“Khi giá xăng dầu tăng, công ty tôi đang làm việc cũng hỗ trợ thêm chi phí đi lại cho nhân viên, khoảng 300-400 euro và trả theo đợt. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ tăng lương cho nhân viên, bắt đầu từ tháng 9 này. Điều đó giúp tôi giảm bớt phần nào gánh nặng”, chị cho hay.

Nhà báo Võ Trung Dung nhận định tác động ban đầu của tình trạng khan hiếm năng lượng sẽ dừng lại ở mức người dân phải sử dụng tiết kiệm hơn, chứ túi tiền chưa bị ảnh hưởng.

"Vào những mùa đông dư dả năng lượng trước đó, lò sưởi được mở ở mức 24-25 độ C thì năm nay có thể phải giữ ở mức 21 độ C, người ở trong nhà cần thêm một lớp áo len mới đủ ấm", anh Võ Trung Dung nêu ra một viễn cảnh.

Tuy nhiên, anh cho rằng nếu tình trạng khan hiếm năng lượng tiếp diễn thì sự ảnh hưởng tới túi tiền sẽ trở nên rõ rệt sau một năm.

Và điều đáng ngại hơn nhiều là viễn cảnh tăng thuế trong khoảng 5 năm tới sẽ không thể tránh khỏi, nhất là khi trước tình trạng khan hiếm năng lượng này, các quốc gia châu Âu vừa trải qua hơn 2 năm vật lộn về kinh tế do Covid-19.

Theo phân tích của anh Võ Trung Dung, để san sẻ gánh nặng với người dân và doanh nghiệp trong thời điểm khan hiếm năng lượng, các chính phủ châu Âu nhiều khả năng sẽ tiếp tục các chính sách giảm nhẹ thuế, điều cũng được áp dụng trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 diễn ra. Tuy nhiên, một khi tình hình tích cực hơn, các chính phủ chắc chắn sẽ phải tăng thuế để bù đắp, và đây sẽ là vấn đề thực sự đáng lưu tâm.

Nhà báo Võ Trung Dung cho rằng người Việt ở châu Âu hay chính cư dân ở đây cũng đều chịu những tác động tương tự nhưng thực tế người Việt đã chứng minh được sự chống chịu tốt hơn qua các cuộc khủng hoảng, ví dụ gần đây nhất là khủng hoảng Covid-19.

"Nếu nói về khía cạnh tiết kiệm, người Việt cũng làm điều này tốt hơn người dân châu Âu. Do đó, khi có khủng hoảng xảy ra, người Việt thường có sự chuẩn bị tốt hơn", anh Võ Trung Dung khẳng định.

Phương Linh - Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-lo-hon-ca-xang-hay-khi-dot-tang-gia-o-chau-au-post1344263.html