Nỗi lo không hề nhỏ

Gần đây, cư dân khu vực hồ Hoàng Cầu chứng kiến việc 6 chiếc xe đạp lọc nước bên hồ vốn bị hư hỏng, không thể sử dụng được bị dỡ bỏ. Đây có vẻ như là một cái kết được báo trước.

Từ đầu năm 2018, một số tờ báo đã có bài viết về tình trạng đáng buồn của những chiếc xe này. Ngay khi ấy, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa Phạm Văn Viên khẳng định xe đạp lọc nước bên hồ Hoàng Cầu hư hỏng do quá trình người dân sử dụng chứ không phải bị phá hoại.

Trước đó, cuối tháng 12/2017, 6 chiếc xe đạp lọc nước đã được lắp đặt ven hồ Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội), với mục đích vừa làm phương tiện tập luyện nâng cao sức khỏe cho người dân, vừa góp phần lọc sạch nước hồ. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng hơn 2 tháng, những chiếc xe này đã xuống cấp trầm trọng, trong 6 xe, chỉ còn ba chiếc có thể sử dụng. Và cuối cùng thì cả 6 xe đều vô dụng vì sau khi mất bàn đạp, xe đạp lọc nước ở hồ Hoàng Cầu mất thêm ghi - đông, có chiếc chỉ còn là những khung xe trơ trọi. Đường ống dẫn nước để đạp xe lọc nước cũng bị hư hỏng, bể lọc nước thành nơi xả rác…
Việc một công trình rất có ý nghĩa như vậy bị hủy hoại, rồi phải dỡ bỏ là rất đáng buồn. Những người thiếu ý thức gây ra hành động nói trên rất đáng bị lên án, xử lý là chuyện rõ ràng. Nhưng cả một cộng đồng, rồi cơ quan có trách nhiệm quản lý… để xảy ra sự việc cũng không phải vô can.
Ở một góc độ khác, có thể thấy rằng việc xấu, hành vi vi phạm đã không được ngăn chặn kịp thời nên nó được đà phát triển. Đành rằng chính quyền phường sở tại đã có ý thức trong việc tích cực tuyên truyền để người dân giữ gìn tài sản công cộng, tạo sân chơi cho mọi người cùng tập luyện, như lời ông Chủ tịch phường Ô Chợ Dừa Phạm Văn Viên từng nói với báo chí. Song tuyên truyền giáo dục phải đi đôi các biện pháp xử lý, răn đe. Chính vì thiếu việc xử lý răn đe đúng mức nên sự việc cứ trượt dài, từ chỗ mất pê-đan một chiếc xe đến mất ghi-đông, mất yên xe… cho đến khi chiếc xe chỉ còn cái khung trơ trọi. Đó phải chăng là hậu quả của một quá trình cộng đồng quen dần, thậm chí sống chung với cái xấu mà không có phản ứng quyết liệt?
Một điều đáng suy nghĩ hơn là thông tin về những chiếc xe bị hỏng phải dỡ bỏ sau một thời gian làm xấu hình ảnh một đô thị văn minh mà chúng ta đang dầy công xây dựng lại xuất hiện đúng một thời điểm quan trọng. Đó là lúc Hà Nội đang hướng một cách mạnh mẽ, tích cực tới việc xây dựng Thủ đô thành một đô thị thông minh trong tương lai với mục tiêu cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Còn nhớ, trong một lần bàn thảo về việc xây dựng đô thị thông minh, một chuyên gia có uy tín đã bác bỏ quan niệm cho rằng để có thể sinh sống trong một đô thị thông minh phải là những con người thông minh. Ông khẳng định, một đô thị thông minh phải làm sao để những người bình thường nhất vẫn có thể sinh sống thoải mái, dễ dàng hưởng lợi từ những tiện ích của nó. Điều đó hoàn toàn đúng. Song cũng cần phải nói thêm rằng, để sống trong đô thị thông minh, cần những con người có văn hóa, có ý thức bảo vệ những trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, rộng hơn là cảnh quan, môi trường nơi mình sinh sống, học tập, làm việc, điều mà ai cũng biết rằng không phải bao giờ cũng đồng nhất với trình độ học thức…
Như vậy, có thể nói từ một sự việc tưởng như không lớn, đặt trước chúng ta một nỗi lo không hề nhỏ. Làm sao để kịp xây dựng một nền tảng văn hóa, ý thức cộng đồng của người dân TP theo kịp với nhịp phát triển về điều kiện cơ sở hạ tầng của một đô thị thông minh trong tương lai?
Công bằng mà nói, việc xây dựng nếp sống văn hóa nói chung và của người Hà Nội nói riêng đã được quan tâm từ nhiều năm nay, với việc xây dựng những bộ quy tắc ứng xử, việc biểu dương những việc làm tốt, con người tốt và tập thể tốt, xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa… và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chỉ qua sự việc 6 chiếc xe đạp lọc nước đặt bên hồ Hoàng Cầu bị hủy hoại không chỉ một lần (đơn vị tài trợ cũng đã từng cho sửa chữa), đến mức phải dỡ bỏ cho thấy công việc trên vẫn còn những lỗ hổng cần lấp. Điều đó cũng cho thấy chỉ xây dựng những văn bản, quy ước hay phát động các phong trào rầm rộ… là không đủ. Việc xây dựng một nếp sống văn hóa, với những con người ứng xử có văn hóa… còn cần sự bền bỉ, bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Xây dựng một nếp sống văn hóa của cư dân một đô thị văn minh, trước khi là cư dân của một đô thị thông minh, là một việc làm vô cùng cần thiết. Và để thành công, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, từ các cơ quan chức năng, đến mỗi gia đình, người dân.

Lê Quân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/noi-lo-khong-he-nho-328424.html