Nỗi lo lãi suất tăng

Trước việc hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động và chứng chỉ tiền gửi, nhiều DN lại lo lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Điều này dễ khiến cho nhu cầu vốn của DN khó lại càng thêm khó.

Lãi suất có ổn?

Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã có sự nhích nhẹ tại khá nhiều ngân hàng thương mại, nhưng chủ yếu tập trung ở nhóm ngân hàng TMCP có quy mô vừa và nhỏ. Không những thế, thời gian gần đây, không ít ngân hàng TMCP “đua” phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao lên tới 8-8,8%/năm.

Trước thực trạng trên, theo nhận định của các chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các ngân hàng thuộc tốp trung nếu vẫn muốn phát triển mạnh tín dụng thì vẫn phải lựa chọn một trong hai cách: Một là tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn; hai là điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn ngắn để tăng giá trị tuyệt đối cho tổng nguồn vốn ngắn hạn. Cả hai cách này đều gây ra áp lực tăng lãi suất huy động, hoặc ở kỳ hạn ngắn hoặc ở kỳ hạn dài.

Nói về nguyên nhân của “cuộc đua” lãi suất tiền gửi, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, lãi suất tăng do tín dụng tăng trưởng tốt từ đầu năm, áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất hồi giữa tháng 3. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là việc các ngân hàng thương mại phải điều chỉnh lãi suất, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn theo quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giới hạn, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó có yêu cầu các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% kể từ đầu năm 2017.

“Lãi suất huy động tăng cao chắc chắn sẽ kéo theo lãi suất cho vay, vấn đề là mức độ tăng như thế nào còn phụ thuộc vào việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và quy mô của đợt tăng lãi suất lần này tại các ngân hàng thương mại”, TS. Độ nhận định.

Trên thực tế, lãi suất cho vay đã và đang có dấu hiệu nhích lên, một chuyên gia kinh tế cho hay, nhiều hợp đồng vay vốn của cá nhân đã bị áp dụng lãi suất lên tới 12,5-13%/năm, tăng từ 0,5-1% so với trước đây. Điều này khiến các DN lo ngại về sự “đổ vỡ” của mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong năm 2017 của các ngân hàng thương mại và NHNN.

Tuy vậy, để trấn an tình hình, ngày 27/3, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho rằng, thị trường cũng xuất hiện không ít ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND từ 0,1-0,3%/năm. Theo NHNN, việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng/giảm lãi suất trong thời gian gần đây theo chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường là hết sức bình thường. Thực tế thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất. Do đó, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng TMCP vẫn giữ ổn định.

Lo ngại

Trong hoạt động của các DN, nguồn vốn vay càng rẻ càng giúp DN có thêm cơ hội mở rộng đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, mặc dù nỗ lực giảm lãi suất cho vay đã được quyết liệt thực hiện nhưng theo nhiều DN, chi phí vay vốn vẫn chiếm phần lớn trong báo cáo tài chính DN, khiến năng lực cạnh tranh của DN bị giảm sút, đặc biệt là với những DN nguồn vốn mỏng, phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, thành viên Nhóm hỗ trợ DN nhỏ và vừa, JETRO TP.HCM, lãi suất cho vay cao làm yếu nền tảng cạnh tranh của DN trong nước, khiến chi phí đầu tư, chi phí nguyên vật liệu, nhân công… đều bị đội lên. Đặc biệt, lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện vẫn cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, ví dụ như lãi suất vay vốn của DN tại Thái Lan trung bình chỉ khoảng 7,1%, trong khi lãi suất tại Việt Nam phải trên 9%.

Hơn nữa, đại diện Công ty TNHH Đông Hưng (DN chuyên về xây dựng, cung ứng vật liệu xây dựng) tỏ ra lo ngại khi cho rằng, lãi suất cho vay tăng trong thời gian này sẽ ảnh hưởng tới những khoản vay mới và cả những khoản vay cũ khi tái tục, bởi đây là thời gian DN đẩy mạnh đi vay, khiến chi phí cho vốn vay của DN càng tăng thêm. Đặc biệt, theo các chuyên gia, nếu lãi suất cho vay tiếp tục có chiều hướng tăng mạnh thì các DN bất động sản và người mua nhà mới là những người phải “ngồi trên đống lửa”, thanh khoản các dự án bất động sản sẽ bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho thị trường hoạt động chủ yếu vào nguồn vốn vay của ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN Tuyên Quang chia sẻ, các DN không chỉ lo ngại vấn đề lãi suất cho vay cao hay thấp, mà lo ngại hơn cả về khả năng tiếp cận vốn, bởi các DN và ngân hàng thường vướng mắc trong khâu định giá tài sản đảm bảo, thậm chí, nhiều DN do mới hoạt động hoặc có quy mô nhỏ nên khó được ngân hàng chấp thuận cho vay. Do đó, ông Thập đề nghị các ngân hàng nên đưa ra cơ chế để cải thiện việc vay vốn, đây mới là điều các DN cần hơn so với việc tăng hay giảm lãi suất cho vay.

Nhìn chung, việc vay vốn đến nay với các DN vẫn luôn thường trực nhiều nỗi lo, những biến động liên quan đến nguồn vốn đều khiến DN “đứng ngồi không yên”. Vì vậy, sự chủ động với nguồn vốn cùng những hỗ trợ tích cực từ phía ngân hàng sẽ khiến các DN yên tâm hơn trong sản xuất kinh doanh, giúp giảm áp lực khi thị trường tài chính tiền tệ có biến động.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/noi-lo-lai-suat-tang.aspx