Nỗi lo lạm phát khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Theo CNN, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau gần 3 năm chống dịch nghiêm ngặt tuy là động lực cần thiết cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng đem lại nguy cơ lạm phát ngay khi giá cả chỉ mới có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - cũng là nước tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất thế giới - hồi sinh có thể đẩy giá nhiên liệu, kim loại công nghiệp cùng thực phẩm toàn cầu tăng cao trong năm nay.

Dữ liệu từ Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn cho thấy, kể từ đầu tháng 1, giá đồng, nhôm, kẽm tăng trung bình 13% - khởi đầu năm mới tốt nhất trong 11 năm. Giá thiếc (kim loại dùng sản xuất hàng điện tử) tăng đến 30% - mức cao nhất trong 32 năm.

Chuyên gia Nicky Shiels, Công ty giao dịch kim loại MKS Pamp, cho biết: “Nhu cầu lớn bị dồn nén sắp quay lại thị trường, đặc biệt sau Tết Nguyên đán. Thị trường đã phục hồi như dự đoán”.

Thời gian qua xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc dần khỏe mạnh trở lại. Giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ hàng xa xỉ LVMH Bernard Arnault ngày 26.1 cho biết lượng khách đến các cửa hàng của họ ở Macau rất ấn tượng.

Kim loại như đồng hay nhôm không đóng vai trò quan trọng trong rổ hàng hóa tính toán lạm phát, nhưng nếu lương thực cùng năng lượng toàn cầu tăng giá lần nữa thì chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng.

Cảnh kẹt xe tại thành phố Hoài An (tỉnh Giang Tô) dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: CNN

Cảnh kẹt xe tại thành phố Hoài An (tỉnh Giang Tô) dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: CNN

Lương thực, năng lượng sắp tăng giá lần nữa

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể làm tăng nhu cầu nông sản giữa lúc thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất lịch sử thời hiện đại. Giá lúa mì hợp đồng tương lai vẫn cao hơn 58% so với giữa năm 2020.

Chuyên gia Bill Weatherburn thuộc Công ty tư vấn Capital Economics cho biết, nhập khẩu đậu tương (thường dùng làm thức ăn chăn nuôi) của Trung Quốc trong tháng 12.2022 tăng 18% so với năm trước, có thể vì người mua dự báo nhu cầu ăn uống tại nhà hàng sắp phục hồi.

Nhu cầu năng lượng cũng sắp tăng. Một báo cáo tuần trước của Cơ quan Năng lượng quốc tế dự báo nhu cầu toàn cầu trong năm nay có thể tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 101,7 triệu thùng dầu/ngày, với Trung Quốc chiếm gần một nửa mức tăng.

Chuyên gia Caroline Bain của Công ty tư vấn Capital Economics nhận định, giá dầu sẽ tăng vào cuối năm khi hoạt động đi lại và tiêu dùng phục hồi.

Capital Economics dự báo giá dầu thô Brent đến cuối năm lên tới 95 USD/thùng. Giá dầu tăng có thể đẩy lạm phát lên cao hoặc ít nhất cũng giữ lạm phát ở mức cao vào thời điểm giá tiêu dùng có dấu hiệu chững lại, khiến doanh nghiệp và giới đầu tư giảm kỳ vọng các ngân hàng trung ương chấm dứt chính sách tăng lãi suất.

Các thị trường mong Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tuần tới chỉ tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm thay vì 50 điểm phần trăm như lần tăng cuối cùng của năm 2022.

Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc có thể gây khó khăn lớn cho châu Âu - lục địa đang cố gắng bổ sung khí đốt cho mùa đông tới sau khi từ bỏ nguồn cung từ Nga.

Giá khí đốt tại châu Âu hiện đã giảm 84% so với mức đỉnh 343 euro/megawatt giờ vào tháng 8.2022. Xu hướng này có thể đảo chiều nếu Trung Quốc giành khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar.

Giám đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tuần trước: “Lượng LNG mà Trung Quốc sẽ mua từ phần còn lại của thế giới sẽ cao hơn những gì chúng ta từng thấy. Áp lực lạm phát sẽ cao hơn do nhu cầu hàng hóa - đặc biệt là năng lượng - gia tăng”.

ECB dự định giữ vững lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, theo bà Lagarde.

Thành phố Quế Lâm (Quảng Tây) đông đúc dịp Tết - Ảnh: CNN

Không tăng giá mạnh

Dự báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại gây ra đợt tăng giá mạnh trên diện rộng dường như là thổi phồng.

Chuyên gia Bain nhận định nhu cầu thép sẽ không tăng cho đến nửa sau năm 2023 do ngành bất động sản Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn.

Nhà phân tích Michael Hewsom của Công ty CMC Markets không tin nhu cầu của Trung Quốc sẽ đẩy giá cả lên cao như mọi người nghĩ. Ông chỉ ra Trung Quốc, Ấn Độ hoàn toàn có thể nhập khẩu khí đốt giảm giá từ Nga thay vì tranh giành nguồn cung Mỹ với châu Âu.

Capital Economics cũng cho rằng nhu cầu năng lượng, kim loại, thực phẩm của Trung Quốc bị kiềm chế một phần bởi nhu cầu hàng Trung Quốc xuất khẩu yếu ở một số nền kinh tế phát triển.

Nhà phân tích Daniel Major (Ngân hàng UBS) nhận định động lực phục hồi kinh tế Trung Quốc là giải trí và tiêu dùng trong nước, do đó kim loại dùng cho công nghiệp nặng như thép và sắt ít có khả năng tăng giá mạnh như kim loại dùng cho sản xuất hàng tiêu dùng như đồng và nhôm.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/noi-lo-lam-phat-khi-trung-quoc-mo-cua-tro-lai-192521.html