Nỗi lo ngân hàng thành 'con tin' của doanh nghiệp

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy ngân hàng đang có nguy cơ thành 'con tin' của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn.

Những ngày qua có hai thông tin gây chú ý trong giới tài chính-ngân hàng: Thứ nhất, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) xin Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm bớt lãi vay từ 18-20%/năm còn 9-10%/năm.

Thứ hai, BIDV Phú Tài thông báo bán đấu giá lần thứ 11 khối tài sản thế chấp gồm các bất động sản của Công ty CP Thuận Thảo với tổng giá trị tài sản lên tới hơn 310 tỷ đồng. So với 1 năm trước, khi bắt đầu rao bán khối tài sản trên thì BIDV đã giảm giá xuống chỉ còn một nửa sau 10 lần đấu giá không thành công.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), hai sự việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm cho thấy mối quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng là các doanh nghiệp, mà ở đó có nhiều dấu hiệu cho thấy ngân hàng có nguy cơ thành "con tin" của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Ông chỉ rõ, câu chuyện doanh nghiệp thua lỗ gây áp lực lên ngân hàng từ trước đến nay luôn là vấn đề đau đầu và khó xử của các ngân hàng thương mại.

Đối với các doanh nghiệp vay nợ, đương nhiên ban đầu phải đáp ứng các điều kiện vay của ngân hàng, trong đó có các điều kiện về tài sản thế chấp, thì mới được ngân hàng cho vay. Còn về phía ngân hàng, phải làm đầy đủ các thủ tục về mặt pháp lý, tuân thủ chuẩn cho vay để không gặp rắc rối với cơ quan quản lý và trong trường hợp có khiếu kiện ra tòa. Chẳng hạn, theo quy định, mỗi chi nhánh ngân hàng chỉ được phép cho một doanh nghiệp vay một tỷ lệ nhất định trong tổng dư nợ của chi nhánh đó nhằm tránh rủi ro.

"Thế nhưng, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan mà đôi khi ngân hàng cho vay không đúng tỷ lệ quy định, xem xét đánh giá các tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp của doanh nghiệp thiếu chuẩn xác.

Ví dụ, về khách quan, ở thời điểm đi vay, giá trị tài sản thế chấp là bất động sản rất cao vì thị trường đang lên, nhưng sau này thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng, giá bất động sản đi xuống là điều khó lường trước được.

Về chủ quan, cán bộ ngân hàng đi thẩm định tài sản thiếu cẩn trọng, thậm chí có cán bộ vì được "mồi chài" nên định giá thiếu chính xác. Chưa kể, ở Việt Nam, cơ chế thị trường chưa đầy đủ nên đôi khi có sự can thiệp của một vài cán bộ, cơ quan công quyền buộc các ngân hàng phải cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, vay vượt giới hạn cho phép.

Khi đó, ngân hàng trở nên "sợ" doanh nghiệp, thậm chí trở thành "con tin" của doanh nghiệp bởi doanh nghiệp đó nắm giữ một lượng vốn lớn của ngân hàng, nếu doanh nghiệp dây dưa không trả thì nợ đó trở thành nợ xấu, ảnh hưởng đến chỉ tiêu của ngân hàng, thậm chí sự tồn vong của ngân hàng đó. Do đó, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, gây áp lực cho ngân hàng sẽ đẩy ngân hàng vào thế vô cùng khó xử", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Khách sạn 5 sao Cendeluxe có địa chỉ tại số 2 đường Hải Dương, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên của Công ty CP Thuận Thảo đã được ngân hàng rao bán nhiều lần nhưng không có ai mua.

Trở lại với trường hợp cụ thể của QCG và BIDV, vị chuyên gia cho rằng ngân hàng đang bị đẩy vào thế bí. Mức lãi vay 18-20% là của giai đoạn trước, theo mức lãi thị trường ở thời điểm khoản vay được xác lập. QCG và BIDV có thể đàm phán để xem xét lại mức lãi vay, nhưng điều này không bắt buộc. Về nguyên tắc, hợp đồng vay mượn giữa hai bên đã được ký kết, QCG phải chịu nghĩa vụ trả nợ này sau khi CTCP Đầu tư và Phát triển địa ốc Sài Gòn Xanh (SGX) - đơn vị có món vay trên, sáp nhập vào QCG.

Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được và QCG không trả lãi vay theo hợp đồng thì ngân hàng có quyền kiện ra tòa, yêu cầu QCG thực hiện trả nợ theo hợp đồng đã ký kết.

Một biểu hiện khác cho thấy ngân hàng có nguy cơ thành "con tin" của doanh nghiệp được PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra qua sự việc rao bán tài sản thế chấp là các bất động sản.

Trong trường hợp của Công ty CP Thuận Thảo, đây từng là thương hiệu lớn của Phú Yên và từng có tiếng tăm trên cả nước trong lĩnh vực vận tải. Đây cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên từng sở hữu khách sạn 5 sao, siêu thị... tại Phú Yên và là doanh nghiệp đầu tiên sở hữu bến xe khách của cả nước. Tuy nhiên, bởi tham vọng đa ngành mà cuối cùng doanh nghiệp này thành con nợ nghìn tỷ.

Theo ông Thịnh, ở thời điểm các tài sản của Thuận Thảo được thế chấp để vay tiền ngân hàng, giá bất động sản đang rất cao, nhưng trong quá trình doanh nghiệp kinh doanh thất bát, thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, bong bóng xẹp xuống khiến giá các bất động sản này lao dốc.

Hệ quả là ngân hàng bị đẩy vào rủi ro khi những năm sau này, các bất động sản được rao bán nhiều lần nhưng không có ai mua.

"Thường thì khi cho vay, ngân hàng chỉ cho vay ở mức 60-70% giá trị tài sản đảm bảo, nhưng với giá bất động sản lao dốc khi trải qua khủng hoảng thì ngân hàng vẫn không tránh được rủi ro.

Dù vậy, ngân hàng vẫn phải giảm giá nhanh, mạnh các tài sản đảm bảo này để thu hồi được vốn càng nhanh càng tốt, đảm bảo vốn được quay vòng, còn hơn nằm chết ở đó không biết đến bao giờ, càng để lâu càng khó xử lý.

Thế nhưng, việc xử lý các tài sản đảm bảo là bất động sản không hề dễ dàng cho dù nó có nằm ở vị trí "vàng" đi chăng nữa, bởi nó phụ thuộc vào tính thời điểm thị trường, bản thân nhà đầu tư cũng phải xem bất động sản đó có phù hợp với phương án kinh doanh và khả năng của họ hay không. Nếu mua lại mà không tận dụng được cơ sở hạ tầng đã xây dựng trên đó, lại phải mất tiền giải phóng mặt bằng thì đương nhiên doanh nghiệp không mặn mà mua lại", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Để tránh bị đẩy vào thế khó, làm "con tin" của doanh nghiệp, vị chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất nằm ở cách quản trị rủi ro của ngân hàng. Bản thân các ngân hàng khi cho vay phải tuân thủ đúng các điều kiện cho vay, kể cả khách hàng có là doanh nghiệp lớn cũng phải cẩn trọng.

Bên cạnh đó, việc thẩm định các tài sản thế chấp cần nâng cao lên một bước, vì đó là cơ sở đảm bảo cho ngân hàng có thể thu hồi được nợ vay của mình khi có tình huống xấu xảy ra. Rất cần có cơ quan định giá độc lập để định giá chuẩn xác, trung thực tài sản thế chấp theo giá thị trường, để ngân hàng có thể dựa vào đó để đánh giá.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/noi-lo-ngan-hang-thanh-con-tin-cua-doanh-nghiep-3409301/