Nỗi lo nhân viên y tế bị hành hung

Theo đại biểu Quốc hội Vũ Thị Nguyệt, nhân viên y tế bị hành hung là vấn nạn không mới, nhưng đây là nỗi lo thường trực của cán bộ y tế và cũng là nỗi trăn trở của những người làm công tác quản lý ngành. Đồng thời, đây cũng là sự băn khoăn của rất nhiều người dân khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường ngày 30/10. Ảnh: quochoi.vn

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường ngày 30/10. Ảnh: quochoi.vn

Nỗi lo thường trực của cán bộ y tế

Ngày 30/10, trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) nêu lên thực trạng thiếu an toàn của môi trường Y tế trong thời gian gần đây. Theo đại biểu Vũ Thị Nguyệt: "Có thể nói đây là một vấn đề không mới, trong các kỳ họp gần đây đã có nhiều đại biểu Quốc hội, cả trong và ngoài ngành phản ánh trên diễn đàn của Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống. Qua thực tế công tác và tiếp xúc với cán bộ của ngành Y tế, tôi thấy rằng, đây là nỗi lo thường trực của cán bộ y tế đang hành nghề, là nỗi trăn trở của những người làm công tác quản lý ngành và là sự băn khoăn của rất nhiều người dân khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế".

Theo đại biểu Vũ Thị Nguyệt, người làm việc trong ngành y tế đang đối mặt với nguy cơ thiếu an toàn. Theo một báo cáo thống kê, từ năm 2010 đến năm 2017 có 22 vụ hành hung y, bác sĩ; trong năm 2018 có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê nhưng ở nhiều nơi chúng ta vẫn thấy việc cán bộ y tế bị hành hung.

Số liệu từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ lên tới 70%, điều dưỡng chiếm khoảng 15%. 90% các vụ việc xảy ra ở trong khuôn viên bệnh viện, 60% xảy ra trong khi thầy thuốc đang tiến hành cấp cứu, chăm sóc người bệnh và khoảng 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh. Các đối tượng gây mất an ninh, bạo hành nhân viên y tế thì tương đối phức tạp.

"Có tình trạng một số người bệnh và người nhà người bệnh muốn điều khiển bác sĩ theo ý muốn chủ quan của mình, không hợp tác điều trị, hoặc có những đòi hỏi không hợp lý, đe dọa tinh thần, tính mạng của các y, bác sĩ. Từ đó, cán bộ y tế lại phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn từ chính người bệnh và người nhà người bệnh, những người mà mình đang trực tiếp chăm sóc và điều trị. Thật không quá khi nhiều cán bộ y tế nhận định rằng, đây thực sự là một nghề nguy hiểm. Hậu quả của các vụ hành hung là gây hư hại tài sản của cơ sở y tế, gây tổn hại tới sức khỏe, tâm lý của nhân viên y tế. Sau mỗi vụ bị hành hung, bạo hành, ngoài nỗi đau về thể xác, cán bộ y tế còn phải mang theo một nỗi đau vô cùng to lớn về mặt tinh thần. Hiện tượng trầm cảm ảnh hưởng tới công tác chuyên môn do vấn đề bạo hành y tế khá phổ biến", đại biểu Vũ Thị Nguyệt nói.

Làm gì để tự chủ bệnh viện công hiệu quả?

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt – đoàn Hưng Yên.

Đại biểu Bùi Thu Hằng (đoàn Hòa Bình) nêu trước Quốc hội, về chủ trương xã hội hóa Y tế (trong đó có cơ chế tự chủ bệnh viện công đã được triển khai từ đầu những năm 2000 đến năm 2018), đã có 100% bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức độ khác nhau, trong đó 0,4% bệnh viện tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 27% bệnh viện tự bảo đảm chi thường xuyên; 68% bệnh viện tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; chỉ còn 4,6% bệnh viện thuộc nhóm nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Đại biểu Bùi Thu Hằng chia sẻ: "Năm 2019, Chính phủ thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện đối với việc bốn bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập đã đạt được nhiều kết quả. Số lượng các bệnh viện tự chủ tăng dần qua các năm, kinh phí ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên giảm dần, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho Y tế thông qua hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế và đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Thực hiện cơ chế tự chủ giúp các bệnh viện chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp, tổ chức bộ máy sử dụng nguồn nhân lực và tài chính một cách có hiệu quả, huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Cơ chế tự chủ khuyến khích bệnh viện sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ, trích lập các quỹ và tăng sự hài lòng của người bệnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Thu Hằng cũng chỉ ra một số vướng mắc trong khi triển khai cơ chế tự chủ bệnh viện công lập như: Trong công tác quản lý biên chế, sử dụng cơ chế tiền lương, thi đua khen thưởng, kỷ luật đang thực hiện và điều chỉnh bởi các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ Luật Lao động, Luật Thi đua khen thưởng; Việc thực hiện tự chủ đối với bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn, do người dân có mức sống chưa cao và khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế; Quy định về tỷ lệ nhân viên y tế trên số giường bệnh tại thông tư liên tịch số 08 năm 2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ còn bất cập, không phù hợp, chưa được chỉnh sửa, thay đổi kịp thời.

Đại biểu Bùi Thu Hằng cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị tại nghị trường như: Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về xã hội hóa, trong đó có nội dung về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập; Đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình chuyển từ cấp ngân sách cho bệnh viện sang cấp ngân sách để hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe. Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước, đảm bảo chi thường xuyên đối với các bệnh viện tuyến huyện ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Có chính sách đủ mạnh để khuyến khích thu hút người có trình độ chuyên môn giỏi làm việc tại các bệnh viện ở những vùng này.

Đối với Bộ Y tế, đại biểu Bùi Thu Hằng có đề xuất bao gồm: Tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo bệnh viện. Nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý; Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc; Sửa đổi thông tư liên tịch số 08 về hướng dẫn định mức biên chế trong các cơ sở y tế nhà nước, vì đến nay không còn phù hợp; Nghiên cứu cơ chế chi trả tiền lương đối với các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí hoạt động. Đề xuất theo hướng giao quyền tự chủ cho các giám đốc bệnh viện trong việc chi trả tiền lương, thu nhập để có thể khuyến khích và giữ được các bác sĩ giỏi và các cán bộ có năng lực.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Dương Xuân Hòa (đoàn Lạng Sơn) đã nói về công tác Y tế ở tuyến cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, so với yêu cầu nhiệm vụ thì hoạt động của tuyến y tế cơ sở vẫn còn khó khăn, như báo cáo thẩm tra số 1646 ngày 18/10/2019 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nêu, có sự chênh lệch lớn về chất lượng khám chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng. Mạng lưới y tế cơ sở tuy rộng khắp nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Tình trạng quá tải tuyến trên vẫn là vướng mắc lớn của ngành Y tế trong nhiều năm qua.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/noi-lo-nhan-vien-y-te-bi-hanh-hung-20191030202812486.htm