Nỗi lo những ổ HIV 'ẩn mình' trong cộng đồng

Đại diện Bộ Y tế thừa nhận, ngoài xã Kim Thượng, không loại trừ nguy cơ tiềm ẩn ở các địa phương khác trên cả nước, những ổ dịch HIV chưa được phát hiện.

Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS thăm hỏi bệnh nhân nhiễm HIV tại Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ

Hàng loạt câu hỏi từ Kim Thượng

Sau hơn một tháng phát hiện 42 ca nhiễm HIV tại xã Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ, tới nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định chính xác nguồn lây nhiễm. Theo lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trong số 42 người nhiễm HIV có người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, nhưng mới đi khám bệnh lần đầu tại y sỹ tư nhân trên địa bàn 6 tháng trước đây. Như vậy, không thể kết luận việc lây nhiễm HIV do y sỹ trong vùng dùng chung bơm kim tiêm.

Thông tin nhiều bệnh nhân tại Kim Thượng dù mới được phát hiện nhưng đã chuyển sang giai đoạn AIDS, cũng có nghĩa họ đã chung sống nhiều năm với căn bệnh nguy hiểm mà không hay biết, không hề có biện pháp bảo vệ nào tới cộng đồng… Chia sẻ với PV, một chuyên gia trong đoàn công tác của Bộ Y tế về xã Kim Thượng phải thốt lên: Đường lây nhiễm HIV ở đây rất lạ. Bản thân ông cũng rất bất ngờ khi bé gái 18 tháng H.N.Q. bị HIV dù bố mẹ và anh trai của bé không nhiễm.

Theo Bộ Tài chính, kinh phí dự án Phòng, chống HIV/AIDS trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hơn 2.400 tỷ đồng. Trong đó, gồm, ngân sách Nhà nước 877 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương và xổ số kiến thiết 400 tỷ đồng; vốn ODA và viện trợ 1.178 tỷ đồng.

Ngay trong buổi tiếp cận người dân xã Kim Thượng chiều 15/8, một yếu tố khiến các chuyên gia của Bộ Y tế rất lưu ý, đó là người dân vùng này có tập quán nhai mớm cơm cho trẻ em. Ngoài ra, thông tin từ địa phương cho biết, cháu Q. thường xuyên sang nhà hàng xóm chơi. Cả hai vợ chồng này nhiễm HIV nhưng vì không biết, khi cơ thể tróc lở, họ tưởng mình bị vảy nến nên vẫn thoải mái tiếp xúc với những người xung quanh.

Từ đây, dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi: Một xã có số người nhiễm HIV lớn như vậy tại sao bây giờ mới được phát hiện? Lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS khẳng định, Kim Thượng nằm trong hệ thống giám sát thường xuyên nhưng từ năm 2017 trở về trước, mỗi năm chỉ phát hiện một vài ca bệnh. Vậy phải chăng, công tác sàng lọc, giám sát của địa phương có vấn đề?

Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt nghi vấn về số liệu thống kê người nhiễm HIV tại Việt Nam, liệu còn bao nhiêu người mắc căn bệnh thế kỷ này vẫn còn đang ngoài vòng giám sát?

Thiếu kinh phí giám sát ổ dịch HIV

Hiện, cả nước có 90.882 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Từ đầu năm đến nay, số trường hợp dương tính HIV mới phát hiện khoảng 3.546 ca, số tử vong khoảng 641 ca. Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện tình cờ từ bệnh viện khi xét nghiệm các bệnh khác hoặc trong quá trình xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai. Do vậy, số liệu thống kê chưa phản ánh chính xác tình hình HIV trong cộng đồng. Cũng theo vị cục phó, hệ thống giám sát bệnh nhân nhiễm HIV ở Việt Nam hiện nay mới dừng ở mức thụ động. “Khi có bệnh nhân, cơ sở khám chữa bệnh mới báo cáo, sau đó tiến hành điều tra chuyên biệt nên không chủ động phát hiện sớm, bao vây dập nguồn lây… Do đó, ngoài xã Kim Thượng, không loại trừ nguy cơ tiềm ẩn ở các địa phương khác trên cả nước, những ổ HIV chưa được phát hiện”, ông Cảnh nói.

Lý giải về cách làm trên, ông Cảnh cho rằng, một phần liên quan tới kinh phí: “Hiện nay, vấn đề giám sát thường xuyên dừng lại ở mức độ miễn phí trên hệ thống sẵn có. Với những nghiên cứu chuyên biệt phải có tiền mới thực hiện được. Bởi, mỗi nghiên cứu đòi hỏi có bộ công cụ điều tra, phỏng vấn, lấy máu xét nghiệm, phân tích số liệu, báo cáo… Trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp không thể giám sát chủ động nhiều, đành phải chấp nhận những hậu quả như vậy”, ông Cảnh nói.

Ngoài lý do trên, đi sâu phân tích, TS. Nguyễn Văn Hanh, Trung tâm Giám định y khoa TP Hà Nội nhận định: Mặc dù đã thành lập hơn 20 năm, nhưng hệ thống tổ chức bộ máy phòng, chống đại dịch HIV/AIDS vẫn tồn tại sự chồng chéo, thiếu sự ổn định trong quản lý điều hành. Sự phối hợp hoạt động điều phối hệ thống tổ chức giữa 3 bộ thường trực là: Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ LĐ, TB&XH còn nặng tính hình thức từ cấp bộ đến cấp sở. “Hệ thống tổ chức về phòng, chống HIV/AIDS từ T.Ư xuống cơ sở chưa hoàn thiện, chưa đủ mạnh, chưa thực sự gắn kết tốt với hệ thống tổ chức y tế như các chương trình chăm sóc sức khỏe khác; chưa nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền đúng với mức độ bùng phát dịch. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn thiếu tính chuẩn xác, chưa kịp thời. Việc triển khai thực hiện thiếu đồng bộ dẫn đến mô hình tổ chức tại mỗi tỉnh, thành phố cũng không giống nhau”, ông Hanh nhận định.

Cũng theo ông Hanh, đội ngũ nhân lực của hệ thống phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu, có nhiều kiêm nhiệm và chưa thật sự phù hợp cả về trình độ chuyên môn lẫn quản lý. “Nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là các yêu cầu về điều phối liên ngành, lập kế hoạch và giám sát, quản lý”.

Duy Đăng

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/noi-lo-nhung-o-hiv-an-minh-trong-cong-dong-d268552.html