Nỗi lo ở Trung Quốc khi thế giới cán mốc 8 tỷ dân

Giữa lúc dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11, Trung Quốc đang phải chật vật cải thiện tỷ lệ sinh thấp do nhiều người dân nước này từ chối sinh thêm con.

Tang Huajun, một chuyên gia phát triển phần mềm Trung Quốc, thích chơi với đứa con hai tuổi của mình trong căn hộ của gia đình ở ngoại ô Bắc Kinh. Tuy nhiên, anh khẳng định họ dường như sẽ không sinh thêm con nữa, theo Reuters.

Và đó cũng là quyết định của rất nhiều người Trung Quốc khác. Những quyết định đó sẽ không chỉ ảnh hưởng tới dân số Trung Quốc mà còn của thế giới. Giữa lúc đó, Liên Hợp Quốc dự đoán rằng dân số thế giới sẽ chạm mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11.

Anh Tang, 39 tuổi, cho biết nhiều người bạn đã kết hôn của anh chỉ có một đứa con và giống như anh, họ không có kế hoạch sinh thêm nữa. Những người trẻ tuổi thậm chí không quan tâm đến việc kết hôn chứ đừng nói đến việc sinh con, anh khẳng định.

Vì sao người Trung Quốc không muốn sinh thêm con?

Chi phí chăm sóc trẻ cao là yếu tố cản trở việc sinh con ở Trung Quốc. Nhiều gia đình ở nước này hiện cũng không thể nhờ đến sự giúp đỡ của ông bà trong việc chăm sóc con cái do họ đang sống xa quê.

"Một lý do khác là nhiều người kết hôn rất muộn và khó có thai", anh Tang nói. “Tôi nghĩ kết hôn muộn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc sinh nở”.

Nhiều thập kỷ trước, Trung Quốc đã lo ngại trước viễn cảnh dân số tăng chóng mặt và áp đặt chính sách một con nghiêm ngặt từ năm 1980.

Nước này thực hiện chính sách một con vào năm 1980 để giảm bớt dân số, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chính sách này đã được điều chỉnh trong thập kỷ qua.

 Chính sách một con của Trung Quốc được áp dụng từ năm 1980 và được thay thế bằng chính sách 2 con vào năm 2015. Ảnh: Alamy.

Chính sách một con của Trung Quốc được áp dụng từ năm 1980 và được thay thế bằng chính sách 2 con vào năm 2015. Ảnh: Alamy.

Trung Quốc vào tháng 7/2021 cũng đưa ra quyết định cho phép một cặp vợ chồng có ba con và thực hiện một loạt biện pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển dân số cân bằng và lâu dài, Tân Hoa xã đưa tin.

Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc dự đoán dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm từ năm tới, khi Ấn Độ có thể sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tỷ lệ sinh 1,16 của Trung Quốc vào năm 2021 thấp hơn mức 2,1 - con số tiêu chuẩn của OECD đối với một dân số ổn định. Con số này cũng thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.

Các nhà nhân khẩu học cho biết những khó khăn gây ra bởi đại dịch Covid-19, cũng như các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt cũng có thể tác động sâu sắc đến mong muốn có con của nhiều người.

Các nhà nhân khẩu học cho biết số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay. Con số đó sẽ giảm xuống dưới 10 triệu so với 10,6 triệu của năm ngoái - vốn đã thấp hơn 11,5% so với năm 2020.

Ning Jizhe, người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, khẳng định việc tỷ lệ sinh sụt giảm xuất phát từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ “số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, những thay đổi trong quan điểm đối với việc sinh con hay việc người trẻ kết hôn muộn”, CNN đưa tin.

Các nhà nhân khẩu học dự đoán quy mô dân số quốc gia đông nhất thế giới sẽ bắt đầu thu hẹp trong năm nay. Đây được đánh giá là bước ngoặt với những ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai của quốc gia này, theo Financial Times.

Một loạt vấn đề mới

Năm ngoái, Bắc Kinh đã bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng sinh tối đa 3 con và chính phủ cho biết họ đang nỗ lực để đạt được tỷ lệ sinh "phù hợp".

“Việc thực hiện chính sách ba con và các biện pháp hỗ trợ ở Trung Quốc là rất quan trọng nhằm thích ứng hơn nữa với những đổi mới trong cơ cấu dân số và các yêu cầu phát triển chất lượng cao”, quyết định được Trung Quốc đưa ra vào tháng 7/2021 tuyên bố.

Đối với các nhà quy hoạch, dân số ngày càng giảm đặt ra một loạt vấn đề hoàn toàn mới.

"Chúng tôi dự đoán dân số già sẽ tăng rất nhanh. Đây là một tình hình rất lớn mà Trung Quốc phải đối mặt, khác với 20 năm trước", Shen Jianfa, giáo sư tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho biết.

Một người vừa đẩy xe lăn vừa cầm cờ Trung Quốc tại một nhà dưỡng lão ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Tỷ lệ dân số trên 65 tuổi hiện là khoảng 13% nhưng được dự báo sẽ tăng mạnh. Lực lượng lao động, vốn đang giảm dần, phải đối mặt với gánh nặng ngày càng lớn trong việc chăm sóc những người già.

"Con số đó sẽ rất cao trong nhiều năm", giáo sư Shen nói về tỷ lệ người cao tuổi trong dân số. "Đó là lý do đất nước này phải chuẩn bị cho sự già hóa sắp tới”.

Được cảnh báo trước viễn cảnh xã hội già hóa, Trung Quốc đã cố gắng khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con bằng cách giảm thuế và trao tiền mặt, cũng như hưởng chế độ thai sản, bảo hiểm y tế và trợ cấp nhà ở hào phóng hơn.

Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học nói rằng các biện pháp này là không đủ. Họ viện dẫn chi phí giáo dục cao, lương thấp và thời gian làm việc kéo dài, cùng với nhận định không mấy khả quan về nền kinh tế nước này hiện tại.

Stuart Gietel Basten, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết một yếu tố chính là triển vọng việc làm cho những người trẻ tuổi.

"Tại sao lại sinh thêm con khi nhiều người thậm chí không thể kiếm được việc làm?", ông nói.

Trong khi đó, Hu Xingdou, một nhà kinh tế chính trị độc lập ở Bắc Kinh, cho biết giới trẻ Trung Quốc không muốn có một gia đình với nhiều người hơn, South China Morning Post đưa tin.

“Đối với thế hệ ‘nằm thẳng’ mới của Trung Quốc, chính sách ba con có thể không có chút hấp dẫn. Tuy nhiên, đối với những người khác, chính sách này có thể có sức hút nhất định”, ông Hu nói.

"Chính phủ nên cố gắng giảm bớt gánh nặng về giáo dục, nhà ở và nhiều mặt khác để cải thiện mong muốn sinh thêm con của người dân”, ông nói thêm.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-lo-o-trung-quoc-khi-the-gioi-can-moc-8-ty-dan-post1375037.html