Nỗi lo sạt lở bờ biển ở Thừa Thiên Huế

Những ngày gần đây, tại bờ biển Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra hiện tượng bờ biển bị xâm thực nặng do triều cường, sóng lớn.

Một đoạn bờ biển sạt lở tại xã Phú Thuận.

Một đoạn bờ biển sạt lở tại xã Phú Thuận.

Hiện tượng này khiến người dân lo lắng khi nhiều km bờ biển bị sạt lở, rừng phòng hộ ven biển dần biến mất.

Khi những đợt gió mùa, kéo theo những cơn mưa lớn là lúc người dân vùng ven biển xã Phú Thuận lại thấp thỏm lo sợ trước những đợt xâm thực của biển. Năm nay, tình trạng sạt lở bờ biển ở đây diễn ra mạnh hơn.

Tại khu vực An Dương 1 nằm ở đầu múi kè chống sạt lở Phú Thuận, tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra mạnh nhất với việc biển lấn sâu vào đất liền từ hơn 5m, trên chiều dài 400m, ảnh hưởng trực tiếp 30 hộ dân. Sạt lở biển còn làm hàng chục cây dương nhiều năm tuổi bị bứng gốc, rơi xuống biển.

Ông Hồ Văn Hưng, Trưởng thôn An Dương 1 lo lắng: “Sạt lở ăn sâu vào đất liền, những hàng phi lao chắn sóng được trồng từ 30 năm trước bị sóng cuốn phăng, trơ gốc. Tình hình sạt lở bờ biển đang đe dọa tính mạng, cuộc sống của nhiều hộ gia đình nơi đây”.

Được biết, những năm qua, hàng chục hộ dân vùng sạt lở ven biển An Dương đã được di dời lên khu tái định cư Xuân An. Mỗi hộ dân được bố trí đất nền ở trung tâm 140m2 cộng số tiền hỗ trợ 25 triệu đồng. Người dân địa phương cũng cho rằng, với tốc độ sóng biển xâm thực dữ dội như nhiều ngày qua, khi triều cường liên tục xuất hiện, các cánh rừng dương liễu phòng hộ ven biển sẽ khó trụ nổi.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, khu vực bờ biển xã Phú Thuận bị xâm thực nghiêm trọng, từng khối đất khổng lồ lở dần theo từng cơn sóng dữ cuốn phăng ra biển. Đến nay, bờ biển ở đây đã bị xói lở ăn sâu vào đất liền, gần 600 hộ dân 6 thôn thuộc xã bị đe dọa an toàn tính mạng tài sản.

Ông Hồ Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: Cuối năm 2014, từ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đầu tư 100 tỷ đồng xây công trình kè chống xâm thực bờ biển khu vực thôn An Dương 1 với tổng chiều dài 830m.

Giai đoạn 1 dự án đã triển khai đoạn kè chống sạt lở trên hơn 400m với tổng mức đầu tư 44 tỷ. Giai đoạn 2 của dự án tiếp tục triển khai cuối tháng 7/2019 trên chiều dài 230m với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Khu vực chưa được đầu tư kè tiếp tục diễn ra tình trạng xâm thực biển khá mạnh.

Tình trạng xói lở bờ biển không chỉ xảy ra ở huyện Phú Vang mà còn xảy ra vùng ven biển các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) và xã Vinh Hải, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc)… Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các đợt thiên tai vừa qua đã làm sạt lở, xâm thực bờ biển 10 điểm, với chiều dài khoảng 30km đi qua các địa phương từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc.

“Để xử lý, khắc phục tình hình sạt lở như hiện nay, cần phải có nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, giải pháp của tỉnh sẽ ưu tiên xử lý những điểm xung yếu, nghiên cứu và lập dự án xin kinh phí Trung ương kết hợp với dự án của địa phương để ngăn chặn những điểm sạt lở”, ông Hùng nói.

Trong chuyến kiểm tra tình trạng sạt lở bờ biển tại huyện Phú Vang và Phú Lộc chiều 17/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương đề cao cảnh giác, bám sát, theo dõi diễn biến các khu vực nguy hiểm này để có biện pháp ứng phó, bảo vệ nhân dân.

Nhung - Nhân

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/moi-truong/noi-lo-sat-lo-bo-bien-o-thua-thien-hue-485626.html