Nỗi lo tăng trưởng phủ mờ tiến bộ thương mại?

Thị trường chứng khoán Mỹ đã điều chỉnh trở lại vào hôm qua, với chỉ số Nasdaq đứt chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp khi dữ liệu kinh tế mới công bố của châu Âu và Nhật Bản củng cố dấu hiệu kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, những nỗi lo sợ về sự giảm tốc toàn cầu phần nào được bù đắp bởi những báo cáo cho thấy các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu phác thảo 1 thỏa thuận để kết thúc những xung đột thương mại kéo dài suốt thời gian qua.

Tin thương mại không đủ sức kéo thị trường lên thêm

Chỉ số công nghiệp Dow Jones rớt 103,81 điểm, tương đương 0,4%, xuống 25.850,63 điểm và chỉ số S&P 500 mất 9,82 điểm, tương đương 0,4%, đóng cửa tại 2.774,88 điểm, dẫn đầu đà đi xuống là nhóm cổ phiếu y tế và năng lượng. Chỉ số Nasdaq cũng bốc hơi 29,36 điểm, tương đương 0,4% và kết thúc tại 7.459,71 điểm.

Cổ phiếu thuộc chỉ số Dow là Nike đã giảm 1,1%. Công ty may mặc và sản xuất thiết bị thể thao này đã trở thành tâm điểm vào hôm qua sau khi cẩu thủ bóng rổ của Đại học Duke, là Zion Williamson bị chấn thương đầu gối trong một trận đấu với đối thủ Bắc Carolina, khi chân anh trượt trên sàn và giày Nike mà anh đang mang bị rách toạc.

Các nhà đàm phán của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra các chi tiết cụ thể về một thỏa thuận thương mại tiềm năng, theo Reuters đưa tin, trích dẫn các nguồn tin mà họ gọi là quen thuộc với các cuộc đàm phán. Báo cáo cho biết các thỏa thuận về nguyên tắc đang được soạn thảo trong sáu lĩnh vực chính: chuyển giao công nghệ bắt buộc và đánh cắp trên mạng, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp và các rào cản phi thuế quan đối với thương mại.

Các nhà đàm phán đã tiếp tục các cuộc thảo luận tại Washington trong tuần này, sau khi kết thúc vòng thảo luận vào tuần trước tại Bắc Kinh. Tổng thống Donald Trump trước đó tuyên bố rằng hạn chót là ngày 1 tháng 3 không phải là một ngày “ma thuật”, mà các nhà đầu tư đã coi đó là dấu hiệu cho thấy thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc không thể tự động tăng vào tháng tới, nếu những tiến bộ tiếp tục đạt được hướng đến thỏa thuận.

Wayne Wicker, giám đốc đầu tư của Vantagepoint Investment Advisors cho biết: “Thị trường chứng khoán duy trì được đà tăng gần đây bởi vì mọi người đang nghĩ rằng ‘Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đạt được một điều gì đó về quan hệ thương mại” trong những tuần và tháng tới. Nhưng sự lạc quan như vậy chỉ có thể đưa được thị trường tăng đến mức hiện nay. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang bị tác động trước thực tế là các báo cáo kinh tế đang gây nhiều lo ngại, khi cung cấp thêm nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại trong năm nay”.

 Tiến bộ thương mại là yếu tố chính dẫn dắt đà tăng của chứng khoán suốt thời gian qua

Tiến bộ thương mại là yếu tố chính dẫn dắt đà tăng của chứng khoán suốt thời gian qua

Lo ngại về tăng trưởng

Những lo ngại về việc tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng trở thành tâm điểm khi các cuộc khảo sát từ châu Âu và Nhật Bản công bố cho thấy hoạt động sản xuất sụt giảm trong tháng hai, với các nhà sản xuất Đức có thị trường chính ở nước ngoài báo cáo hoạt động giảm mạnh nhất trong hơn 6 năm qua.

Trong khi đó, dữ liệu kinh tế của Hoa Kỳ công bố vào hôm qua cũng cho tín hiệu trái chiều, với số lượng đơn đặt hàng lâu bền tăng 1,2% trong tháng 12, dưới mức 1,4% mà các nhà kinh tế dự kiến. Ngoài đơn đặt hàng cho máy bay và ô tô chỉ tăng 0,1%. Ngoài ra, một chỉ tiêu chính để đánh giá hoạt động đầu tư của giới doanh nghiệp là số lượng đơn đặt hàng cốt lõi cũng giảm 0,7% trong tháng 12.

Các báo cáo cũng cho thấy hoạt động sản xuất đã giảm ở Pennsylvania, Delware và New Jersey trong tháng 2, đánh dấu sự giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2016, theo chỉ số sản xuất do ngân hàng dự trữ bang Philadephia công bố. Cụ thể chỉ số điều chỉnh theo mùa rớt xuống mức âm 4,1 từ mức 17 điểm trong tháng 1.

Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã điều chỉnh theo mùa giảm 216.000 đơn trong tuần kết thúc ngày 16/2, thấp hơn mức dự báo là 229.000 đơn.

Theo khảo sát tổng hợp từ Markit, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) ở cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cho thấy tăng trưởng sản lượng khu vực tư nhân của Hoa Kỳ đã tăng trong tháng hai với tốc độ nhanh hơn so với tháng 1. Chỉ số điều chỉnh theo mùa này tăng lên mức 55,8 điểm từ mức 54,4 điểm trong tháng 1.

Doanh số nhà bán hiện hữu đã điều chỉnh theo mùa giảm 1,2% trong tháng 1, còn 4,94 triệu căn, theo số liệu từ Hiệp hội các nhà môi giới quốc gia, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp giảm.

Andrew Hunter, chuyên gia kinh tế cấp cao của tại Capital Ecoomics chia sẻ: “Dữ liệu hàng hóa lâu bền trong tháng 12 cho thấy tăng trưởng đầu tư thiết bị đã chậm lại trong quý IV, và chúng tôi cho rằng chỉ tiêu này sẽ vẫn yếu trong hầu hết năm nay. Thật không may, dường như có rất ít triển vọng cho thấy tăng trưởng đầu tư có thể sớm phục hồi trở lại”.

Chứng khoán châu Á đóng cửa trái chiều vào hôm qua, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng nhẹ 0,2%, trong khi chỉ số Shanghai sàn Thượng Hải giảm 0,3% và Hang Seng sàn Hồng Công tăng 0,4%. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 cũng giảm nhẹ.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/noi-lo-tang-truong-phu-mo-tien-bo-thuong-mai-158318.html