Nỗi lo về động lực của nền kinh tế (bài 3)

Nguồn lực lao động qua đào tạo ví như động lực của nền kinh tế phát triển bền vững. Chính phủ đã đề ra hàng loạt chiến lược đào tạo nghề cho người dân ở miền núi, nông thôn và thành thị. Một số trường cao đẳng nghề đang nhập giáo trình, máy móc ở nước ngoài về để đào tạo lao động chất lượng cao. Tỉnh Khánh Hòa đang 'cháy' nguồn lực lao động, nếu như không giải được bài toán lao động, nhiều công trình xây dựng hàng nghìn tỉ đồng có nguy cơ không tuyển được lao động làm việc.

Bài 1: Gian nan đào tạo nghề nông thôn

Bài 2: Dân “sợ” Trường Trung cấp nghề

Bài 3: Dạy theo “đặt hàng” của Chính phủ

Chính phủ đã triển khai chương trình đào tạo nghề chất lượng cao ở bậc cao đẳng. Cả nước có hơn 50 trường cao đẳng nghề đào tạo theo chương trình mục tiêu quốc gia. Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang được phép nhập 100% giáo án, dụng cụ, máy móc để thực hành giảng dạy từ nước ngoài về.

Tôi cũng giống như người đi học nghề, cần nhìn thấy thực tế, nên mới nhờ Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa dẫn xuống xem máy tiện tự động hóa của Đức sản xuất.

Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang học thực hành cách pha chế nước uống tại trường. Ảnh: Hải Luận

- Nếu các em vận hành mấy cái máy này thuần thục, tốt nghiệp ra trường đến các doanh nghiệp lớn làm việc, lương thỏa thuận cỡ 10 - 15 triệu đồng/tháng - Giảng viên Nguyễn Hữu Thân mở đầu câu chuyện đầy tự tin.

- Lương Giám đốc Sở chưa được chừng đó. Mấy “ông” sinh viên tò te mới ra trường, làm gì mà họ trả tiền cao như vậy?

- Đây là loại máy tiện hoàn toàn tự động hóa, tất cả đều lập trình trên máy tính. Những doanh nghiệp nhỏ không sắm nổi loại máy này, chỉ các doanh nghiệp lớn họ mới chịu đầu tư. Năng suất một người làm ở máy tiện tự động có độ chính xác cao và nhanh gấp 10 lần so với máy thủ công.

Thầy đến hãng học về dạy trò ở trường

Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang nằm trong danh sách trường đào tạo nghề chất lượng cao của Chính phủ và được mua sắm máy móc, thiết bị học tập theo mục tiêu đào tạo nghề quốc gia. Mấy năm trước, trường cử 3 giảng viên sang Đức, vào chính hãng sản xuất máy phay, máy tiện tự động học cách vận hành máy. Sau đó, Tổng cục Dạy nghề mua mấy cái máy của Đức về cho sinh viên học, trị giá trên 10 tỉ đồng.

- Loại máy công nghệ cao này, sinh viên muốn giỏi phải thực hành rất nhiều, cần có lượng sắt lớn để “phá”. Các thầy xử lý mối quan hệ này như thế nào? - Tôi xoáy sâu vào tâm can thầy Thân.

- Nếu trích kinh phí đào tạo ra mua sắt về cho các em thực hành nhiều thì cả thầy và tài vụ của trường đều “nóng mặt”. Trường có liên kết với một số doanh nghiệp cơ khí, họ mang sắt đến đây đặt hàng với trường. Trường nhận cho sinh viên làm, chỉ lấy chút tiền công thôi. Cái chính là sinh viên có “đất” cày xới. Nhiều bạn mới ra trường một thời gian ngắn đã lên vị trí quản đốc, giám đốc cơ khí rồi.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang tập trung đào tạo thêm ngành ô tô, rất nhiều mô hình, thiết bị điện tử học tập đều nhập từ Đức. Đức đã cử các chuyên gia đến trường lắp đặt các thiết bị và hướng dẫn sử dụng. Thầy Trương Đình Chương, Trưởng bộ môn Công nghệ ô tô, “khoe”: “Phải khẳng định rằng, môi trường đào tạo nghề ô tô của trường sát với thực tiễn ngoài doanh nghiệp. Trường sắm những loại máy cân bánh xe cho chuẩn xác, máy đo phun nhiên liệu điện tử... chỉ ở các hãng xe lớn mới có, còn các doanh nghiệp sửa chữa thì chưa có những loại máy này. Cả chiếc xe ô tô Camry mới tinh cũng được đưa vào làm mô hình học thực hành cho sinh viên. Nhà trường chuẩn bị làm một ga-ra sửa chữa xe lớn để thu hút xe bên ngoài đưa đến sửa chữa, giống như bệnh viện của các trường đại học y khoa. Nhiều thầy giảng dạy ở đây, bên ngoài là chủ các ga-ra sửa chữa ô tô, các thầy khác đến các hãng xe “làm thuê” lấy kinh nghiệm. Chúng tôi thừa sức dạy cho các em các ngón nghề, khi bước ra cổng trường sẽ có người mời về làm việc ngay”.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang có lớp học “con cưng” về công nghệ thông tin. 100% giáo trình nhập từ Australia và giảng dạy bằng tiếng Anh, ra trường được cấp 2 văn bằng (cả Việt Nam và Australia). Khâu tuyển sinh đầu vào môn tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, học sinh bị rớt khá nhiều, phải tuyển hai lần mới đủ 34 em, sau đó kiểm tra lại kiến thức loại tiếp, chỉ còn 22 em theo học. Các giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiếng Anh chuẩn quốc tế mới cử sang Australia học.

- Cách giảng dạy nghề của Australia khác Việt Nam như thế nào? - Tôi đi thẳng vào vấn đề với Thạc sĩ Bùi Quang Khải, Tổ trưởng Tổ Quản trị mạng, giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang.

- Lần tôi sang Australia học, cả nước Việt Nam có 25 nghề và 25 trường cử giảng viên đi học. Nếu dạy lý thuyết thì Việt Nam giỏi hơn Australia. Giảng viên công nghệ của Australia đa phần làm việc tại các tập đoàn, công ty nên những phương pháp giảng dạy thực hành của họ rất giỏi, rõ ràng, đi thẳng vào thực hành ứng dụng, rất ít nói lý thuyết vòng vo. Ví dụ, họ lập nhóm để học và giao việc cụ thể, sau đó họ bám sát lớp học để giúp đỡ sinh viên. Quan điểm của họ học xong là làm việc ngay, không phải chờ ra trường. Vì vậy, sinh viên đang học ở trường đồng thời cũng đang làm việc ở các hãng. Suốt quá trình học, vấn đề an toàn lao động được đặt lên hàng đầu.

- Tại Trường Cao đẳng, anh áp dụng phương pháp giảng dạy theo kiểu Australia như thế nào?

- Gần giống như ở Australia. Chỉ có khâu học nhóm các em còn thụ động. Chẳng hạn nhóm có 4 em, thường chỉ có 2 em hay làm việc thực sự, số còn lại làm hời hợt, đây là khâu yếu. Dạy tiếng Anh 100%, chỉ khi có từ nào khó hiểu mới “tia” qua tiếng Việt.

Cuộc cách mạng tiếng Anh

Hiện nay, dọc ven biển tỉnh Khánh Hòa xây dựng hàng trăm khách sạn 3-5 sao, cần một lượng lớn lao động phổ thông và lao động qua đào tạo. Nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh đã đi vào hoạt động, các đường bay thẳng từ các thành phố của Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc... đến Khánh Hòa tăng rất nhanh. Nguồn lao động qua đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu, điều đó dẫn đến thiệt hại kép cho nền kinh tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nói lên thực trạng công tác đào tạo:

- Sinh viên chưa tốt nghiệp đã có doanh nghiệp lớn đến trường đặt vấn đề “hốt” trọn một khóa luôn. Chúng tôi phải phân bổ theo cung - cầu cho nhiều đơn vị, không dồn vào một chỗ nào.

- Một số doanh nghiệp đang phàn nàn, chuyện sinh viên ra trường làm việc ở khách sạn thường phải đào tạo lại tốn nhiều thời gian?

- Trước đây có thể đúng như vậy. Bây giờ, Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang nằm trong danh sách những trường chất lượng cao, có kiểm định chất lượng của Bộ. Các mô hình ở trường như: Bếp, nhà hàng, phòng khách sạn,... tương đối giống như khách sạn 3-5 sao. Thời gian sinh viên học thực hành tại trường và ở doanh nghiệp chiếm từ 75-80% chương trình học.

Sinh viên mới nhập trường phải qua lớp kiểm tra tiếng Anh, để bố trí theo lớp học. Trong quá trình học, môn tiếng Anh liên tục kiểm tra theo tiêu chuẩn quốc tế. “Đây là cuộc cách mạng về học tiếng Anh. Ngành du lịch phải nói tiếng Anh lưu loát mới được. Tiêu chuẩn tuyển lao động ở các doanh nghiệp, đầu tiên là tiếng Anh. Kỹ năng làm việc có thể họ đào tạo sau cho phù hợp với “chuẩn” của từng khách sạn” - Bà Nguyễn Thị Thúy Hường khẳng định chắc chắn.

Bài 4: Đâu là bài toán cho các nhà đầu tư lớn?

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-lo-ve-dong-luc-cua-nen-kinh-te-bai-3/