Nỗi lo về động lực của nền kinh tế (bài 4)

Nguồn lực lao động qua đào tạo ví như động lực của nền kinh tế phát triển bền vững. Chính phủ đã đề ra hàng loạt chiến lược đào tạo nghề cho người dân ở miền núi, nông thôn và thành thị. Một số trường cao đẳng nghề đang nhập giáo trình, máy móc ở nước ngoài về để đào tạo lao động chất lượng cao. Tỉnh Khánh Hòa đang 'cháy' nguồn lực lao động, nếu như không giải được bài toán lao động, nhiều công trình xây dựng hàng nghìn tỉ đồng có nguy cơ không tuyển được lao động làm việc.

Bài 1: Gian nan đào tạo nghề nông thôn

Bài 2: Dân “sợ” Trường Trung cấp nghề

Bài 3: Dạy theo “đặt hàng” của Chính phủ

Bài 4: Đâu là bài toán cho các nhà đầu tư lớn?

Ba bài phóng sự trước chỉ mang tính chất “xới” vấn đề. Cốt lõi nhất là phải nhìn ra những hạn chế và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Nếu không, các nhà đầu tư lớn nhất ở lĩnh vực nông nghiệp là nông dân sẽ “có tiếng” nhưng không “có miếng”. Suốt năm cặm cụi, cần mẫn làm việc đến vụ thu hoạch lại bán rẻ sản phẩm, thậm chí phải đổ bỏ, nên cái nghèo cứ bám riết quanh năm.

Trong chương trình đào tạo nghề nông thôn không có đào tạo người nông dân biết cách quản lý cây trồng, vật nuôi, thị trường tiêu thụ và kiến thức kinh doanh. Ông Huỳnh Quang Thành, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa) đánh giá: “Công tác tuyên truyền, vận động cho nông dân về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của chương trình đào tạo nghề còn mang tính hình thức, chưa tạo được mối quan tâm phối hợp chỉ đạo của chính quyền địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, tuyển sinh”.

Nông dân trồng xoài ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa rất cần trang bị kiến thức về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Hải Luận

Còn nặng bệnh thành tích

Bệnh thành tích trong tuyển sinh và đào tạo nghề nông thôn vẫn còn hiện hữu ở các xã, phường và thị trấn. Muốn mở được lớp phải có 25 – 30 người đăng ký học. Nội dung học cũng loanh quanh vấn đề họ đã “biết rồi”: Cắt cây xanh, đan lát, nấu ăn, may, thợ hồ...

Không tìm đủ số lượng người tham gia học, một số xã cố tìm, cố nhét người vào cho đủ lớp. Đã xảy ra tình trạng, trong quá trình học nghề, học viên bỏ học lên đến 90%, ngày tổng kết cấp chứng chỉ tốt nghiệp sơ cấp nghề, có quan chức trên tỉnh, huyện và nhà báo xuống dự, quay phim “hoành tráng”. Chuẩn bị đến giờ rồi mà chẳng có học viên nào đến, thế là cán bộ phụ trách của xã, của huyện phải chạy nháo nhào ra đồng năn nỉ bà con về dự buổi tổng kết cho đông đủ.

Một số nội dung đào tạo theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện nay như: Sản xuất công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu... không có trong chương trình đào tạo. Phải khẳng định, nông dân ở bất cứ chỗ nào cũng cần nhất cách quản lý kinh tế, quản lý cây trồng, quy hoạch sản xuất mùa vụ gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân vừa sản xuất ra sản phẩm đầu tiên, vừa là một mắt xích quan trọng trong chuỗi kinh tế thị trường, họ thiếu kiến thức kinh tế, thị trường dễ bị đầu mối thu mua ép giá, dẫn đến “tắc đường” của sản phẩm. Ngành nông nghiệp của nước ta phụ thuộc khá lớn vào thị trường khổng lồ Trung Quốc, muốn hàng hóa bán đắt ở thị trường này, điều cốt yếu phải trồng và thu hoạch lệch vụ của Trung Quốc.

Tôi nêu những bất cập với ông Lê Quốc Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp (Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa):

- Nông dân là nhà đầu tư lớn nhất ở vùng nông thôn, vì sao 10 năm qua vẫn không mở được lớp nào về thị trường, kinh tế nông sản?

- Hội Nông dân tỉnh rất muốn mở những lớp như vậy, nhưng vướng vào tiêu chuẩn giáo viên phải có chứng chỉ sư phạm, tốt nghiệp đại học... Mời những người có am hiểu thị trường và giỏi mua bán hàng hóa nông sản, nhưng lại thiếu chứng chỉ. Nó “tréo” nhau lắm.

- Điều quan trọng, tỉnh thấy nó thiết thực và cấp bách đối với nông dân, đã tổ chức mở lớp làm thử chưa, hay chỉ ngồi “sợ” đủ thứ?

- Trung ương phải thay đổi chính sách, chúng tôi mới dám làm.

Cần lắm việc tận dụng các nguồn lực của xã hội và sự đóng góp của doanh nghiệp cho đào tạo nghề. Có như vậy, vùng nguyên liệu, khâu chế biến, thị trường tiêu thụ mới “gặp nhau” và mới hỗ trợ lẫn nhau phát triển bền vững.

Làm tốt công tác phân luồng học sinh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 4 trường đại học, 2 cơ sở đại học, 2 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp chuyên nghiệp, 6 cơ sở giáo dục có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, 3 trường cao đẳng nghề, 7 trường trung cấp nghề và 1 trung tâm dạy nghề. Qua số liệu này mới thấy nó giống như “ma trận” trường lớp đào tạo nghề của tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh trong khu vực.

Theo số liệu phân luồng học sinh ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, năm học 2014-2015, tổng số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và trung học cơ sở (THCS) vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là gần 3.500 em, trong đó có 1.300 học sinh tốt nghiệp THCS (đạt tỉ lệ 7,7%). Riêng học sinh tốt nghiệp THPT vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 17,9%.

Năm học 2018-2019, tổng số học sinh không vào được lớp 10 và không tốt nghiệp THPT là trên 6.300 em, chiếm tỉ lệ trên 20,42%. Đây là nguồn tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, số học sinh vào học các trường trung cấp nghề không đáng bao nhiêu, bởi vì các em đã “tự” phân luồng đi lao động phổ thông, học nghề ngắn hạn ở bên ngoài... Học sinh THCS vào học tại các trường trung cấp nghề được học kiến thức THPT và học nghề, khi ra trường được cấp 2 văn bằng. Thế nhưng, trên thực tế, công tác tuyển sinh vào các trường trung cấp nghề ở cấp huyện là một vấn đề vô cùng nan giải.

Bà Vũ Thị Kim Trinh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), thẳng thắn chỉ ra mâu thuẫn: “Việc đào tạo chưa thật sự gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên. Tỉ lệ thanh niên sau đào tạo nghề được giải quyết việc làm còn thấp, cơ hội, khả năng tìm được việc làm của họ chưa cao. Nhiều học viên sau khi đào tạo không tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu cũng như đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp tại địa phương.

Công tác nắm bắt thị trường lao động, dự báo nhu cầu lao động chưa được quan tâm đúng mức nên việc định hướng nghề nghiệp chưa làm được tốt, nhiều lao động học xong không có việc làm, thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ hay đào tạo nghề theo đơn đặt hàng; chưa hình thành hệ thống các trung tâm thông tin về cung - cầu lao động cũng như xây dựng được các tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo... cũng là những cái khó hiện nay ở Khánh Hòa”.

Các nông dân tham dự lớp học sơ cấp thú y tại UBND xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Vấn đề mấu chốt khác, thời gian qua các trường nghề chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ về đào tạo nghề, để xóa bỏ nếp nghĩ "làm bữa nào xào bữa ấy” mà thu hút học sinh, thanh niên đến trường học nghề có tương lai ổn định mai sau.

Giải pháp căn cơ là các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp nhau đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, về hiệu quả của hoạt động dạy nghề, về một nền kinh tế cần có phần đông lao động được qua đào tạo nghề, trong đó có thông tin về dạy nghề cho doanh nghiệp.

Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, đưa ra giải pháp: “Sắp xếp lại mạng lưới các trường trung cấp, cao đẳng để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh. Khuyến khích công tác xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục dạy nghề”.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-lo-ve-dong-luc-cua-nen-kinh-te-bai-4/