Nỗi lòng 'người cha' Thích Phước Ngọc

'À ơi… ai đem con bỏ chùa này / A Di Đà Phật, con Thầy, Thầy nuôi…'. Câu hát lẩn khuất đằng sau nhiều thăng trầm bi ai như muốn nói lên số phận của những đứa trẻ mồ côi ấy và cả cho những người vốn bước vào đường tu cầu cho mình an lạc, nhưng lại lập đại nguyện lớn hơn đó là 'vì chúng sinh thoát khổ đau'. Mà trong thời đại ngày nay, rất nhiều những tu sĩ đã trở thành những 'người cha', 'người mẹ' cưu mang bao trẻ thơ có hoàn cảnh bất hạnh.

Đại đức Thích Phước Ngọc, trụ trì chùa Phước Quang, Giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương.

Đại đức Thích Phước Ngọc, trụ trì chùa Phước Quang, Giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương.

NDĐT - “À ơi… ai đem con bỏ chùa này / A Di Đà Phật, con Thầy, Thầy nuôi…”. Câu hát lẩn khuất đằng sau nhiều thăng trầm bi ai như muốn nói lên số phận của những đứa trẻ mồ côi ấy và cả cho những người vốn bước vào đường tu cầu cho mình an lạc, nhưng lại lập đại nguyện lớn hơn đó là “vì chúng sinh thoát khổ đau”. Mà trong thời đại ngày nay, rất nhiều những tu sĩ đã trở thành những “người cha”, “người mẹ” cưu mang bao trẻ thơ có hoàn cảnh bất hạnh.

Đơn cử như câu chuyện của Đại đức Thích Phước Ngọc, đương nhiệm trụ trì Chùa Phước Quang, vốn là Trường trung tiểu học giáo dục Tăng Ni của Lục Tỉnh Nam Kỳ xưa, có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ, đã qua lớp lớp bậc Cao Tăng trị vì. Với giá trị lịch sử và tâm linh đó, đại đức Thích Phước Ngọc khi nhiệm chức trụ trì là hàng hậu bối đã luôn tâm niệm kế thừa và phát huy quang đại Tam Bảo để xiển dương Đạo Pháp. Việc nói và làm, yêu thương và hành động, mang lý tưởng dấn thân nhập thế trong thời cuộc hiện đại hội nhập đã mang đến cho con đường gần 25 năm tu đạo của thầy Thích Phước Ngọc nhiều thành tựu mà nhiều người cho là “tài không đợi tuổi”. Nhưng đằng sau đó cũng lắm nỗi gian nan, bi oan mà có khi cả người ngoài đời cũng khó lòng trụ vững nổi trước sóng gió cuộc đời.

Dày công kiến tạo lại ngôi già lam Phước Quang tự trở thành một cơ sở tôn giáo trang nghiêm, uy nghi giữa trung tâm huyện lỵ, vị đại đức kế thế trụ trì ở tuổi đời 26 Thích Phước Ngọc khi đó đã mang nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp “tốt đạo đẹp đời”. Tâm nguyện phụng sự đó đã được hun đúc từ tâm từ bi, trí tuệ tinh nhạy và sự dõng mãnh dấn thân, không ngại khó, không ngại khổ, không ngại những chướng duyên bắt đầu ngăn đường cản lối vị tu sĩ trẻ hành Bồ Tát đạo.

Lắng nghe và nhìn nhận lại những trải lòng của thầy Thích Phước Ngọc, càng thấy đằng sau những thành tựu mà ai cũng nhìn thấy bằng mắt, nghe bằng tai, những lời ngợi khen thán phục, thì còn có cả chuỗi dài những tháng ngày của thầy đầy những bi oan không khác gì câu chuyện Quan Âm Thị Kính thời hiện đại.

Đa phần các cháu bé do Đại đức Thích Phước Ngọc dưỡng nuôi, đều là trẻ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Việc tiếp nhận các trường hợp này đều rất đúng và đủ trình tự pháp luật, có sự chứng kiến và xác nhận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền phối - kết hợp.

Cũng có những con người mà thầy Thích Phước Ngọc gọi giản dị nhưng đầy trân trọng là “ân nhân”, đã hiểu, đã thương để chung vai đồng hành cùng thầy trong từng giai đoạn khó khăn, tưởng chừng như đã bế tắc. Nhưng cũng không ít người đến với sự nghịch duyên rồi gây thêm bao khốn khó và đầy hệ lụy. Bằng trách nhiệm và tình thương, thầy Thích Phước Ngọc vẫn luôn gánh vác trách nhiệm nuôi dạy, giáo dục một cách nghiêm túc nhất để các “con” của mình sớm trở thành người có ích cho xã hội. Bởi với chủ trương từ bi là đối thoại không đối đầu, là yêu thương không thù hận, thì sẽ hóa giải được bao bạo quyền và giữ thể diện cho nhau kể cả khi đối phương sai lầm. Điều đó cho thấy một hệ tư tưởng hết sức nhân văn của vị tu sĩ trong việc dấn thân cứu độ nhân sinh, phụng sự Đạo Pháp của thầy.

Diện mạo chùa Phước Quang và Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương với tâm sức của Đại đức Thích Phước Ngọc.

Qua những câu chuyện đầy thực tế và đầy trải lòng của thầy Thích Phước Ngọc, về hơn 35 năm tuổi đời, gần 25 năm tuổi đạo của chính mình, chúng tôi mới thật sự cảm phục cái tâm và tấm lòng từ bi, bao la của thầy. Với những người đã dành cả cuộc đời của mình cho hạnh nguyện phụng sự cho Đạo, cứu khổ cho Đời thì họ đã không mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình mà là cho toàn xã hội. “Nhiệm vụ của bạn không phải là phán xét hay trừng phạt. Nghiệp sẽ đảm trách việc đó. Nhiệm vụ của bạn là yêu thương”, thầy Thích Phước Ngọc bộc bạch đầy tâm huyết.

QUỐC DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/nhan-ai/item/38832302-noi-long-%E2%80%9Cnguoi-cha%E2%80%9D-thich-phuoc-ngoc.html