Nỗi lòng phạm nhân trước ngày đặc xá

Họ vui mừng vì được đưa vào diện đặc xá dịp 2/9 này và mong đợi từng giờ từng phút để được trở về với gia đình, người thân.

Những ngày trung tuần tháng 8, 39 phạm nhân được đề nghị đặc xá dịp 2/9 ở Trại giam Thanh Lâm (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) được học tái hòa nhập cộng đồng, học kiến thức pháp luật và kiến thức xã hội. Họ được đưa từ các phân trại khác nhau về phân trại số 5 cạnh khu trung tâm chỉ huy của trại để tiện cho việc học tập.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và đoàn công tác động viên, căn dặn các phạm nhân tại Trại giam Thanh Lâm

Sự ân hận của bác sĩ bệnh viện tâm thần

Một trong 39 phạm nhân được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá lần này ở Trại giam Thanh Lâm là bác sĩ Thân Thái Phong (sinh năm 1977, trú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” với mức án 8 năm tù giam. Phong nguyên là Phó trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Bộ Y tế. Vì ham tiền, anh ta đã làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần nhằm giúp đối tượng côn đồ thoát tội.

Theo bản án của TAND TP Hà Nội, ngày 28/10/2017, Lê Thanh Tùng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng đồng bọn chém anh Đỗ Hoàng Hiệp khiến anh Hiệp bị thương rất nặng. Tùng muốn có bệnh án tâm thần để trốn tội nên đã tìm gặp một phụ nữ nhờ người này môi giới làm giúp bệnh án tâm thần giả. Người này gặp Nguyễn Tuấn Sơn (sinh năm 1984), nguyên kỹ thuật viên trưởng, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I nhờ làm giúp. Sơn nhận lời rồi dẫn Tùng vào gặp Phong. Phong đồng ý “giúp đỡ” với chi phí khoảng 85 triệu đồng.

Để làm giả hồ sơ, Phong yêu cầu một bệnh nhân khác trong viện đi chụp, chiếu sau đó Phong dùng kết quả đó ghi tên Lê Thanh Tùng. Phong còn tự lấy máu của mình cho vào ống bệnh phẩm ghi tên Lê Thanh Tùng để lập phiếu xét nghiệm sinh hóa máu và phiếu xét nghiệm tế bào ngoại vi rồi gửi đi xét nghiệm lấy kết quả đưa vào hồ sơ bệnh án của Tùng, rồi kết luận Tùng mắc bệnh “Tâm thần phân liệt thể Paranoid”. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Phong đưa bệnh án giả của Tùng cho nhân viên hành chính nhập số hiệu, vào sổ y lệnh, sổ theo dõi thuốc, sổ theo dõi ra vào viện.

Ngày 18 và 19/12/2017, bệnh viện có thông báo kiểm tra định kỳ nên Phong yêu cầu Sơn gọi Tùng đến bệnh viện nhằm đảm bảo quân số. Tùng cũng vào viện sinh hoạt như bệnh nhân, khi đoàn kiểm tra xong mới về nhà. Ngày 19/1/2018, Lê Thanh Tùng bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt. Tại cơ quan công an, Tùng không khai nhận hành vi phạm tội và nói đang mắc bệnh tâm thần nên không hợp tác trong quá trình điều tra. Mẹ Tùng đến Công an quận Hoàn Kiếm giao nộp bộ hồ sơ bệnh án điều trị nội trú bệnh tâm thần (bản sao) của Tùng do Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cấp. Tuy nhiên, cơ quan điều tra phát hiện bệnh án “có vấn đề” nên đã xác minh, điều tra, làm rõ Thân Thái Phong là người đã làm giả bệnh án tâm thần cho Lê Thanh Tùng...

Lúc mới bị bắt, Phong suy sụp, chán nản vô vì bản thân là người học hành tử tế, có nghề nghiệp ổn định, chỉ vì hám lợi trước mắt nên đã đánh mất tất cả. Bị kết án 8 năm, thi hành án ở Trại giam Thanh Lâm, Phong càng buồn rầu, chán nản hơn. Thấy Phong như vậy, các cán bộ đã phân tích, động viên anh ta rằng nếu không nỗ lực cải tạo thì không thể hưởng khoan hồng, thời gian trở về sẽ xa hơn. Chính sự quan tâm, động viên của các cán bộ công an đã khiến Phong bình tâm lại.

Sau khi nhận thức được sai lầm, Phong nỗ lực cải tạo. Với chuyên môn bác sĩ, Phong đã giúp cán bộ khá nhiều trong công tác phòng bệnh dịch, bảo vệ môi trường, khám chữa bệnh thông thường cho các phạm nhân khác. “Do tôi mắc tội nhận hối lộ, không liên quan đến chuyên môn nên không bị tòa cấm hành nghề. Chính vì vậy, tôi đã sử dụng chuyên môn, khả năng của mình để làm việc, nỗ lực vượt qua lỗi lầm để sớm được trở về”, Phong nói. Nhờ cố gắng cải tạo, Phong được giảm án 2 lần.

Phạm nhân Thân Thái Phong cảm ơn chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước

“Chúng tôi đều háo hức mong đợi ngày được trở về. Cái giá phải trả cho lỗi lầm đã quá đắt, nên chúng tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa”, Phong nói. Người đàn ông này có 2 con, đứa lớn năm nay vào lớp 10, đứa bé mới 10 tuổi. Khi bố bị bắt, chúng đã sốc rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến việc học hành. Vì thế, Phong mong muốn khi được trở về nhà sẽ cố gắng bù đắp thiệt thòi cho các con.

Phạm nhân U80

Một trong những phạm nhân cao tuổi nhất trong các phạm nhân được đề nghị đặc xá ở Trại giam Thanh Lâm là Trần Xuân Đô, sinh năm 1949, trú ở huyện Phú Giáo, Bình Dương. Đô có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân bị chất độc da cam, có hai con đều bị ảnh hưởng.

Năm 1988, Đô đèo vợ đi trên đường quê ở Nam Định, không may va chạm giao thông với một người khác, sau đó hai bên cãi nhau, nạn nhân đánh Đô trước. Không kiềm chế được bản thân, Đô đã đánh lại khiến nạn nhân ngã ra đường rồi tử vong. Đô bị Công an tỉnh Nam Định tạm giữ hình sự 6 ngày để điều tra. Tuy nhiên, sau thời gian trên, công an chưa chứng minh được hành vi phạm tội của Đô nên cho ông ta về. Về nhà, Đô đưa vợ và hai con rời quê vào Phú Giáo, Bình Dương và không biết rằng sau đó tòa đã kết án mình 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Trong thời gian ở Bình Dương, gia đình Đô xảy ra nhiều chuyện đau lòng: hai con gái lần lượt qua đời do ảnh hưởng chất độc da cam. Đô không biết mình bị kết án, bị truy nã. Thời điểm đó, thông tin liên lạc khó khăn, cơ quan công an cũng chưa biết Đô ở đâu để bắt giữ.

Hơn 30 năm sau, vào năm 2019, bằng nhiều biện pháp xác minh, Công an tỉnh Nam Định phát hiện Đô đang ở Bình Dương nên tổ chức bắt giữ. Đô được đưa đi thi hành án tại Trại giam Thanh Lâm. Do điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ đã qua đời, vợ già yếu, bệnh tật, lại ở xa nên suốt thời gian Đô thi hành án ở đây, không ai đến thăm nuôi. Biết hoàn cảnh Đô như vậy, ban giám thị và các cán bộ thường xuyên động viên, quan tâm, tặng quà, giúp đỡ Đô để ông ta yên tâm cải tạo. Đến thời điểm hiện tại, Trần Xuân Đô mới thi hành được hơn 1/3 mức án. Nhờ được chính sách khoan hồng dành cho người trên 70 tuổi cải tạo tốt, Đô đã có tên trong danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá.

Suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, ông liên tục gạt nước mắt, cảm ơn vì có thể được sớm trở về, sống nốt quãng đời còn lại với người vợ già. “Hai vợ chồng tôi già cả, bệnh tật, sống nương tựa vào nhau bằng tiền trợ cấp chất độc da cam của Nhà nước. Ở đây, tôi được các cán bộ thương lắm, thường động viên, giúp đỡ, tặng quà, tận tình khám chữa bệnh, mua cho những vật dụng cần thiết nên tôi rất biết ơn. Cũng may, tôi được hưởng đặc xá - chính sách đặc biệt nhân đạo của Nhà nước - mới có điều kiện trở về sớm. Nếu cứ thi hành hết bản án, có thể, tôi không được gặp vợ tôi nữa. Bà ấy đau khổ, tiều tụy lắm rồi...”, ông Trần Xuân Đô nói.

(Nguồn: antgct.cand.com.vn)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/noi-long-pham-nhan-truoc-ngay-dac-xa-ar696767.html