Nỗi lòng quan họ làng Diềm (Bài 2)

Xung quanh chuyện lời hát, nhả câu, nhả chữ đến nhạc đệm, 'danh gọi' liền anh, liền chị có rất nhiều 'bức xúc' từ anh hai, chị hai ở tuổi 'thất thập'. Nghe rồi nghĩ, rồi xem xét những yếu tố tác động, lòng chạnh buồn nhưng muốn nói với liền anh, liền chị, chỉ mong quan họ đừng buồn…

Kỳ 1: Chuyện cần nói lại

Kỳ 2: Trăn trở người quan họ

Lòng này “biết ngỏ cùng ai”

Mặc dù những việc xung quanh nguồn gốc, xuất xứ, cách hát, lối hát của người quan họ còn chuyện phải bàn và liền anh, liền chị đã “dốc bầu tâm sự”. Dẫu đã nói “ra lời” song trong lòng ai dường như vẫn còn có nỗi niềm muốn tỏ. Khi tôi đang trò chuyện cùng bác Nguyễn Văn Thư về các làn điệu của người quan họ, chị hai Nguyễn Thị Lơn, năm nay 70 tuổi, đi vào lễ, thấy thế vội đi đến thổ lộ tâm tư: Hội Lim là hội Lim chứ ai bảo hội Lim là Hội hát quan họ. Hát quan họ đâu có nhạc sập sình như thế. Hát quan họ là hát bộ. Chỉ có giọng hát thôi chứ làm gì có nhạc í éo, đưa rước cùng câu hát. Hát bộ như thế mới biết giọng ai thế nào, mới biết có “vang, rền, nền, nảy” không chứ? Còn khi hát có nhạc thế thì là hát mới chứ ai bảo là hát quan họ gốc.

Anh Hai làng Hoài Thị tham gia hát canh thờ ở đền bà "Nhữ Nương công chúa".

Rồi dường như thấy đã “trút được chút tâm sự” của lòng mình, chị hai Nguyễn Thị Lơn kéo chiếc khăn trùm đầu ra sau gáy, đặt chiếc nón lên bàn: Tôi theo học hát quan họ từ khi lên 3. Ba bốn đời gia đình hát quan họ mà có bao giờ thấy hát quan họ có nhạc đâu. Đã thế, lại còn hát ngọng. Người quan họ hát là phải tròn vành rõ tiếng, giăng là giăng, trăng là trăng. Rồi cái gì cũng luyến láy, hơi tý là luyến láy. Thấy liền chị bức xúc, tôi hỏi ra mới hay, bác Nguyễn Thị Lơn cũng là liền chị có tiếng của làng Diềm. Biết nói sao bây giờ. Chuyện đó là của các nhà nghiên cứu và các nhà văn hóa. Tôi cũng đồ rằng, có lẽ những búc xúc này các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa biết cả nhưng chắc chưa tìm được lời giải mà thôi.

Như nhân thể và có “cơ hội” để giãi bày lòng mình, bác Nguyễn Văn Thư cho hay: 3 quả cầu ngày xưa vua cha đưa cho để cầu hôn, công chúa Nhữ Nương mang theo vẫn còn lại đây. Trước là quả cầu cầu hôn, còn bây giờ là quả cầu để cầu đảo mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Để minh chứng cho câu chuyện, bác Nguyễn Văn Tấn, năm nay 61 tuổi, nói góp: Có năm, vào ngày mồng 5, mồng 6 không có mưa, làng lại phải mang 3 quả cầu ra cầu đảo. Có năm cầu đảo đến 9 ngày mới mưa được.

Thấy việc cầu đảo cho mưa thuận gió hòa, lại là vật duy nhất công chúa Nhữ Nương mang theo, tôi hỏi bác Thư về việc quả cầu đó hiện nay ở đâu, hình dáng hiện tại như thế nào? Bác Thư cho hay, 3 quả cầu đó được sơn màu đỏ, bằng gỗ, tròn như quả bóng. Năm nào không có mưa, người làng Diềm lại lấy 3 quả cầu đó ra sân bãi. Ở hai đầu bãi, mỗi đầu đào 1 cái hố hình tròn, rộng chừng 30 phân. Ở giữa sân có một điểm để cầu. Thanh niên trai tráng của làng chia làm 2 phe. Khi có hiệu lệnh của người “trọng tài”, thanh niên 2 bên tranh cầu xem bên nào đưa được cầu vào hố của bên kia nhiều hơn thì giành phần thắng. 3 quả cầu thay đổi nhau trong trò chơi, bao giờ trời có mưa thì thôi. Sau khi kể lại một vài nét cơ bản của trò chơi cướp cầu trong lễ cầu đảo cho mưa thuận gió hòa để làm ăn, bác Thư cho tôi biết thêm: Ngày trước, trò chơi cướp cầu này được tổ chức hoành tráng lắm. Sau này do đời sống khó khăn, lại có người cho rằng nó là trò chơi cầu đảo, mê tín, duy tâm nên không tổ chức trò chơi nữa. Mấy năm trước, ông Bùi Quang Thắng, Vụ phó Vụ Bảo tồn phi vật thể về làng Diềm có tổ chức khôi phục lại trò chơi này. Hiện tại do sân bãi hẹp, đất dành cho sản xuất nên trò chơi này cũng không được tổ chức thường xuyên trong lễ hội của làng. Chỉ có năm nào, trời làm hạn hán quá lâu, người làng mới tổ chức cầu đảo. Nói đoạn các bác thở dài, như tiếc nuối trò chơi dân gian đang bị bỏ quên trong lễ hội của làng.

Mời trầu khách đến thăm hội.

“Người về xin nhắn đôi câu”

Khi trò chuyện, trao đổi và được nghe anh hai, chị hai “dốc cả nỗi niềm”, lúc đó tôi nghe rồi cũng chỉ biết động viên và chia sẻ. Thực ra, nếu có về dự hội Lim rồi “đến hẹn lại về” với làng Diềm mới hay, nỗi niềm của anh hai, chị hai làng Diềm có mấy ai được tỏ. Trong cơ chế thị trường, trong dòng chảy của sự phát triển xã hội, việc “biến tấu” các lễ hội có lẽ là chuyện thường tình. Việc có nhạc trong hát quan họ cũng là sự phát triển chung và cần có. Tất nhiên là việc hát bộ, đúng gốc quan họ xưa, đương nhiên vẫn phải duy trì. Đêm mồng 5, trên sân bãi của làng Diềm, Đoàn Nghệ thuật Quan họ Bắc Ninh biểu diễn các tiết mục có hát, có múa và có... cả hài. Những chiếc loa công suất lớn như được dịp phóng hết cỡ. Chỉ có điều, ngay cuối sân, trong khi các “cụ” anh hai, chị hai của 2 làng Hoài Thị và Diềm hát canh thờ thì dường như bị chìm trong tiếng loa ngoài bãi. Nếu như việc biểu diễn của đoàn nghệ thuật “di chuyển” hay chọn một điểm nào đó cách xa nơi đền thờ Bà, dành khoảng không gian cho hát đối, giao duyên theo đúng lối hát xưa thì hay biết mấy. Không phải chỉ tôi mà hầu như tất cả những ai, muốn được nghe câu hát cổ, lối hát cổ của các liền anh, liền chị ở cái tuổi “thất thập” đều lắc đầu. Tiếng loa ngoài bãi át hết, không nghe được câu hát nào cho rõ.

Việc tổ chức hội Lim, tất nhiên cứ tổ chức nhưng có lẽ, cũng nên có sự đầu tư để giữ lấy cái gốc. Bởi, UNESCO công nhận quan họ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là công nhận cái gốc chứ đâu có công nhận lối hát mới hiện tại. Trong lễ hội hát quan họ làng Diềm, khi khôi phục cũng nên phục dựng, tổ chức đầy đủ những trò chơi xưa. Bởi, trong lễ hội có phần lễ và phần hội. Nếu cắt bỏ hoặc thiếu đi các trò chơi dân gian của phần hội thì khách thập phương có muốn tìm hiểu ngọn nguồn của lễ hội đó sẽ có những cái nhìn “thiếu chân thực”. Tất nhiên, khi phục dựng các trò chơi, các nhà tổ chức cũng cần thiết “chọn lọc” và loại bỏ những “nội dung” có yếu tố “không phù hợp” để có kế thừa song có chọn lọc và có phát huy mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Nhất là, phải phân biệt rõ truyền thuyết với câu chuyện của các nhà văn, nhà soạn kịch khi viết về vùng đất, về văn hóa, vì tấm lòng yêu mến đã tạo nên những nhân vật trong tác phẩm của mình rồi cũng từ tấm lòng yêu mến của nhân dân mà thành người của “miền xa xưa ấy”.

Câu chuyện của các liền anh, liền chị làng Diềm về nguồn gốc, xuất xứ câu hát, về cách hát, lối hát, cũng như cách hiểu về quan họ đối với người “trong làng quan họ” với khách thập phương, nên chăng, cũng nói lại và tìm hiểu lại cho kỹ để trả về “đúng chân giá trị” của sự vật. Khách thập phương sẽ có cái nhìn “nguyên gốc” mà vẫn giữ và tiếp nhận được cái phát triển, kế thừa. Và tôi tin rằng, khi đó, các bức xúc của liền anh, liền chị quan họ làng Diềm, nơi “khởi nguồn” quan họ sẽ yên lòng. Hiện tại, trong làng cũng có tổ chức Câu lạc bộ Quan họ do bác Nguyễn Thị Sung năm nay 54 tuổi phụ trách. Trong Câu lạc bộ có hơn 50 cụ làm nòng cốt còn có tới 3-4 thế hệ lớp dưới tham gia. Hỏi thêm được biết, hôm nào đi hát do thôn triệu tập thì thôn lo kinh phí, còn lại là tự nguyện. Mọi kinh phí từ sắm nón quai thao đến áo the khăn xếp đều tự cá nhân bỏ ra. Tất cả mọi người khi tham gia câu lạc bộ chỉ mong sao giữ được câu hát ngày xưa để lại. Nói như mấy cụ của làng Diềm, câu hát quan họ là tài sản của làng mà Bà Thủy tổ Nhữ Nương công chúa đã để lại cho con cháu hôm nay.

"Liền chị"của ngày mai.

Tôi đem câu chuyện và tâm sự của mình trao đổi với một số người cũng “mê quan họ” chả kém gì tôi. Khi nghe trao đổi những trăn trở suy nghĩ, tôi đều nhận được sự chia sẻ và cũng có cả cách nghĩ mới. Có người cho rằng, nên tách bạch ra quan họ mới và quan họ cổ. Lại có người cho rằng, nên chăng gộp cả hội Lim vào hội quan họ gốc làng Diềm. Nhiều và rất nhiều ý kiến khác nhau. Với tâm ý chỉ làm sao giữ cho được quan họ mãi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại mà UNESCO đã công nhận, tôi cứ thấy lòng mình “xôn xao” lạ. Cái “xôn xao lạ” không gọi thành tên, chỉ biết rằng còn lắm “lăn tăn”. Mặc dù nghe tôi chia sẻ tâm sự “biết ngỏ cùng ai”, bác Nguyễn Văn Thư, bác Nguyễn Văn Tấn và ngay cả liền chị Nguyễn Thị Lơn, nghệ nhân quan họ Ngô Thị Nghi chỉ biết thở dài bởi lòng vẫn còn bao bộn bề trăn trở.

Quan họ “đến hẹn lại lên”, còn tôi, lại mong, quan họ đến hẹn lại về: Về cội nguồn, về nguyên gốc và về với tấm lòng thơm thảo của “Bà Thủy tổ Nhữ Nương công chúa” ngày xưa. Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai, tôi lại vịn vào câu “giã bạn” của người quan họ: “Người về em nhắn đôi câu” để thành, chuyện này xin nhắn đôi lời, chỉ mong sao, những nỗi niềm anh hai, chị hai của làng quan họ được giải tỏa.n

Phạm Thanh Khương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-long-quan-ho-lang-diem-bai-2/