Nội luật hóa Công ước Istabul về tạm quản hàng hóa

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định hướng dẫn Công ước Istabul về tạm quản hàng hóa nhằm hiện đại hóa hải quan theo hướng áp dụng các chuẩn mực hải quan quốc tế, góp phần giảm thời gian, chi phí thủ tục nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: N.Linh

Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa được Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) tổng hợp, cơ cấu lại từ các công ước riêng rẽ tồn tại trước năm 1990 về tạm quản từng loại hàng hóa sử dụng chung cơ chế tạm quản ATA. Công ước Istanbul được ký kết ngày 26/6/1990, có hiệu lực ngày 27/11/1993.

Công ước quy định việc áp dụng mô hình chuẩn các chứng từ tạm quản như các chứng từ hải quan quốc tế kèm bảo lãnh nhằm góp phần tạo thuận lợi cho thủ tục tạm quản, đồng thời giúp các cơ quan quản lý chặt chẽ hàng tạm quản.

Ngày 2/1/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc đồng ý gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa và giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Công ước Istanbul; xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Công ước Istanbul trình Chính phủ.

Trong xu thế tăng cường xuất khẩu và giao lưu thương mại với các nước, và Chính phủ đang nỗ lực tiến hành cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan theo hướng áp dụng các chuẩn mực hải quan quốc tế, góp phần giảm thời gian, chi phí thủ tục nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, việc áp dụng cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul được coi một dịch vụ cao cấp trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và ngược lại.

Với mục tiêu xây dựng Nghị định đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai cơ chế tạm quản đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để trưng bày sử dụng tại triển lãm, hội chợ, hội nghị hay các sự kiện tương tự theo Công ước Istanbul.

Đơn giản hóa thủ tục, áp dụng biện pháp nghiệp vụ hải quan tiên tiến vừa đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh vừa tạo thuận lợi tối đa cho một số hoạt động thương mại nhất định, phù hợp với xu hướng phát triển giao lưu thương mại của Việt Nam khi gia nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định và nhận được văn bản tham gia ý kiến của các đơn vị thuộc bộ và các bộ, ngành và UBND các tỉnh thành phố; đồng thời phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trực tiếp một số cục hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiến hành ra soát hoàn chỉnh nội dung dự thảo trước khi báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành.

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quyền và nghĩa vụ của chủ hàng tạm quản, người vận tải hàng tạm quản và quyền, nghĩa vụ của người bảo lãnh.

Quy định về chế độ cấp, quản lý sử dụng và thu hồi sổ tạm quản ATA, theo đó quy định cụ thể về thủ tục, trình tự cấp sổ ATA, cơ quan thực hiện cấp sổ; quản lý sử dụng, hủy, thu hồi sổ.

Quy định về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan như: Địa điểm làm thủ tục hải quan; quyền và trách nhiệm của người khai hải quan nói chung cũng như quyền và trách nhiệm của người khai hải quan trong các bước quy trình thủ tục.

Đồng thời, tại dự thảo Nghị định cũng quy định về bảo đảm thuế hải quan; thủ tục miễn thuế, thủ tục giảm thuế, hoàn trả các khoản tiền đã nộp tương tự như đối với hàng hóa tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập có thời hạn theo quy định hiện hành của pháp luật về thuế…

N.Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/noi-luat-hoa-cong-uoc-istabul-ve-tam-quan-hang-hoa.aspx