Nơi lưu giữ quyển sách tiếng việt đầu tiên

Học chương trình phổ thông, hẳn ai cũng biết chữ Quốc ngữ dùng hiện nay ban đầu được tạo ra từ các giáo sĩ châu Âu khi vào nước ta truyền đạo. Qua quá trình sử dụng, vì tính tiện ích nên ngày càng được hoàn thiện và trở thành chữ của dân tộc mà ta gọi là tiếng Việt. Tuy vậy, ít ai biết rằng, quyển sách tiếng Việt đầu tiên ấy hiện đang được lưu giữ tại Nhà thờ Mằng Lăng, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Các đồng nghiệp báo Phú Yên đưa chúng tôi đến Nhà thờ Mằng Lăng để tận mắt ngắm nhìn quyển sách. Phía trước sân bên phải nhà thờ, chúng tôi được hướng dẫn vào một hang đá quanh co, thiết kế khá kỳ công, huyền bí, nằm trong lòng một quả đồi nhân tạo. Ðây là nơi trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời Linh mục Anrê Phú Yên, một người có quá trình truyền đạo gắn bó với vùng đất Phú Yên.

Sau từng bước chân hồi hộp, trong không gian mờ ảo, trước mặt chúng tôi hiện ra chiếc bàn, bên trên là một lồng kính. Hướng mắt vào trong ấy, anh bạn bảo: “Quyển sách tiếng Việt đầu tiên đây!”. Hết sức ngạc nhiên, tò mò và thích thú, mọi người dùng điện thoại chụp lấy chụp để hình ảnh hiện vật.

Bản photo quyển sách tiếng Việt đầu tiên được trưng bày tại căn hầm trong quả đồi nhân tạo ở Nhà thờ Mằng Lăng.

Quyển sách được mở ra ở trang thứ 4 và thứ 5. Bên trang thứ 4 là phần hiệu đính, trang thứ 5 có hai cột, bên trái ghi bằng ký tự Latinh, bên phải là phần ghi tiếng Việt. Phía trên có tựa “Phép giảng tám ngày”. Dòng dưới ghi “Ngày thứ nhit” (tức “nhứt”). Phần dưới nữa là nội dung, trong đó có nhiều chữ đúng tiếng Việt ngày nay, nhiều chữ không đọc được và một số chữ có thể đoán được như “blời” (tức trời), fức (tức sức)...

Anh bạn đồng nghiệp báo bạn bảo, đây là quyển sách ghi nội dung các bài giảng để các giáo sĩ, cha cố truyền đạo. Tác giả cuốn sách là Alexandre de Rhodes, người Pháp (mà các giáo dân gọi là Cha Ðắc Lộ). Anh cũng cho biết, đây là bản photo, bản chính được Cha xứ giữ kỹ trong nhà thờ. Bản chính có chữ in chìm trên phần lề của các trang sách. Khi giơ lên ngược ánh sáng mặt trời, phần chữ sẽ hiện lên, giống như phần chìm trên tờ giấy bạc. Quyển sách được in tận bên Ý, từ năm 1651, có nghĩa là cách đây 372 năm.

Gần 4 thế kỷ nhưng quyển sách vẫn còn giữ được và công nghệ in ấn lại hiện đại như thế, có cả dùng dấu của tiếng Việt thì quả là một kỳ công. Và với nước ta, đây lại là quyển sách chữ Quốc ngữ đầu tiên thì thật là một báu vật!

Tìm hiểu thêm được biết, Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra tiếng Việt, trước ông đã có một số giáo sĩ châu Âu qua Việt Nam truyền đạo. Những giáo sĩ này thuộc các nước sử dụng chữ Latinh, nên khi đến nước ta, gặp khó khăn trong việc truyền đạo, vì bấy giờ ta sử dụng chữ tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm). Chữ tượng hình với họ rất khó học và cũng khó in ấn, phổ biến, vì vậy, muốn truyền đạo được hiệu quả, không còn cách nào khác là họ phải dùng ký tự Latinh ghi lại âm tiếng Việt.

Alexandre de Rhodes là người đến sau, trên cái nền mã hóa tiếng Việt từ các giáo sĩ trước đó, ông học và viết tiếng Việt rất nhanh. Không dừng lại ở đó, để việc học tiếng Việt được lan rộng, không chỉ cho các giáo sĩ mà còn trong giáo dân, giúp họ đọc và nắm giáo lý, trên nền Latinh hóa tiếng Việt sẵn có, Alexandre de Rhodes đã soạn ra hai quyển sách là tự điển Việt - Bồ - La và quyển Phép giảng tám ngày nêu trên.

Còn việc tại sao quyển sách được lưu giữ tại Nhà thờ Mằng Lăng thì anh bạn không rõ. Theo suy đoán của chúng tôi, Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng từ năm 1892, là nhà thờ lâu đời nhất của Phú Yên; Linh mục Anrê Phú Yên là người hoạt động trên vùng đất này và quá trình truyền giáo gắn bó với Alexandre de Rhodes nên có lẽ đây là quyển sách được ông dùng để giảng đạo và được lưu giữ tại nhà thờ này.

Nhà thờ Mằng Lăng (tỉnh Phú Yên), được xây dựng năm 1892, nơi lưu giữ quyển sách tiếng Việt đầu tiên.

Cũng xin nói thêm, mặc dù ra đời từ thế kỷ 17, nhưng do chính sách cấm đạo nhà Nguyễn và coi đó là chữ ngoại lai, nên suốt mấy trăm năm hình thành, tiếng Việt không được phổ biến rộng rãi. Ðến nửa cuối thế kỷ 19, ông Trương Vĩnh Ký chính là người có công lớn trong việc truyền bá tiếng Việt ra cộng đồng. Ông là thầy giáo người Việt đầu tiên dạy tiếng Việt và là Hiệu trưởng Trường Thông ngôn do Pháp lập ra (năm 1862).

Ðể phục vụ tốt cho việc phổ biến tiếng Việt, ông đã soạn ra cuốn sách giáo khoa đầu tiên là Ngữ pháp tiếng Annam, sau đó là hàng loạt sách giáo khoa, sách lịch sử, văn học... Riêng sách giáo khoa có khoảng 25 cuốn. Tiếp sau đó là phong trào học tiếng Việt, sáng tác văn thơ, viết báo bằng tiếng Việt phát triển mạnh; đồng thời tiếng Việt được dùng trong các văn bản hành chính và chính thức trở thành Quốc ngữ của nước ta.

Như vậy, mặc dù là người ngoại quốc sáng tạo ra tiếng Việt, để phục vụ cho mục đích riêng, nhưng tiếng Việt với sức sống nội tại và được nhiều thế hệ người Việt bổ sung, điều chỉnh, phổ biến, cải tiến nên ngày càng hoàn thiện và trở thành tiếng “giàu và đẹp” của dân tộc Việt Nam ngày nay./.

Trang Thăm

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/noi-luu-giu-quyen-sach-tieng-viet-dau-tien-a29306.html