Nơi mùa xuân đến sớm

Biên giới phía Bắc, bao giờ mùa Xuân cũng đến sớm. Mặc cho cái rét căm căm thì hoa đào vẫn bung nở làm ấm cả núi rừng. Cũng là tình cờ, chúng tôi có dịp được đón mùa Xuân đến sớm ở Đồng Văn (Hà Giang)- nơi có Cột cờ Lũng Cú thiêng liêng; và bản Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) - nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt.

Hoa đào ở Yên Minh.

Hoa đào ở Yên Minh.

Một ngày lạnh giá, theo con đường Hạnh Phúc, từ thành phố Hà Giang chúng tôi lên Đồng Văn. Dọc đường đi, có những đoạn men theo dòng sông Nho Quế, hoa đào đã nở. Hoa đào ở đây cánh mong manh, phơn phớt hồng, xa xa trong màn sương gợi lên một miền cổ tích trôi chìm trong dĩ vãng.

Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu vào ngày 3/10/2010. Mới đó đã gần 10 năm. Trong làn gió mang hơi lạnh của đá núi pha chút nắng ngọt của mùa Xuân đến sớm. Những vạt rừng đã lấm tấm sắc trắng của mận, của lê, sắc hồng của hoa đào vừa hé. Và đây, những bản làng bình yên nép mình bên đại ngàn xanh thẳm.

Chúng tôi đến xã Sà Phìn và xã Sủng Là, cách trung tâm thị trấn huyện không xa, nhưng đường đi không hề dễ dàng. Từ con đường quanh co uốn lượn trên triền núi, nhìn xuống phía dưới là những mái nhà lô xô. Ấn tượng không bao giờ quên đối với mỗi chúng tôi là những ngôi nhà ấy được vây quanh bởi một bức tường đá, những khối đá nhỏ xếp lên nhau, ken lại, vừa có cảm giác chắc khỏe lại vừa có cảm giác hoang sơ. Chúng tôi đã đi qua những “cánh đồng đá” nhưng khi đối diện với những bức tường nhà dân hoàn toàn bằng đá được xếp xen kẽ rất khớp nhau, những hòn đá không bằng nhau về kích cỡ nhưng ghép lại với nhau lại cho ra một tác phẩm kiến trúc và mỹ thuật đến khó ngờ. Những bức tường đá đẹp lại vững chãi, được dựng lên bởi sự cần cù, khéo léo và kỳ công của người dân.

Ở Sủng Là cũng như Sà Phìn, trước và sau nhà, bên trong bức tường đá bao giờ bà con cũng trồng đào, trồng mận. Hoa đào phớt hồng, còn hoa mận trắng tinh. Bên cái sắc rất trầm của đá thì những bông hoa nhỏ bé dễ thương kia là tín hiệu báo Xuân về.

Nếu như những bức tường đá là do con người tạo nên, hoa đào hoa mận là của tự nhiên thì chúng đã được con người đưa về gần bên nhau, trong một mái nhà. Thiên nhiên và con người hòa quyện. Thiên nhiên cũng như tự nhiên được con người làm cho đẹp hơn…

Cũng trong dịp đó, chúng tôi đã đến bản Y Tý ở Lào Cai, “quê hương của những ngôi nhà nấm”. Nay kiến trúc trong bản cũng ít nhiều đổi khác để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại do khách du lịch đến ngày một nhiều; nhưng từ trên cao nhìn xuống trong một buổi sáng Đông chưa qua và Xuân đang đến, bản làng vẫn mang vẻ đẹp như thực như mơ.

Những năm gần đây, Y Tý được biết đến với tư cách một địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn của Lào Cai. Bản nằm trong một thung lũng vây quanh là rừng núi. Từ thành phố Lào Cai, để đến với Y Tý là xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh thâm u. Những thân cây cổ thụ cao ngất, những vòm lá xanh đen. Trong những cánh rừng ấy, người ta trồng thảo quả- loại cây mà theo bà con là “cây xóa đói giảm nghèo”.

Cũng như những nơi khác ở biên giới phía Bắc, mùa Xuân đến với Y Tý khá sớm và cũng kéo dài hơn bởi những lễ hội, bởi cảnh sắc đất trời. Người Y Tý tự hào được sống trong khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ lại rất nên thơ. Và nhất là bà con tự hào về những ngôi nhà trình tường hết sức độc đáo. Tới nay, vẫn còn đó những ngôi nhà trình tường mái xanh rêu theo thời gian. Những mái nhà có màu xanh của lá giống như những cây nấm khổng lồ tuyệt đẹp trong thung lũng mờ sương và nhiều gió này.

Nơi đây buổi sáng và buổi chiều mây mù phủ kín. Nhưng vào tiết Xuân đất trời thay áo mới. Những ngôi nhà đất quanh năm và thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Ấy vậy mà khi Xuân gõ cửa, những ngôi nhà đất bừng sáng. Không giống những ngôi nhà sàn thường thấy của đồng bào vùng cao, những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì nằm ngay trên nền đất, tường được làm từ đất dày và chắc chắn. Mùa hè thì mát, mùa đông lại ấm áp. Thật khó tìm thấy ở đâu những bức tường đất dày tới gần 50cm và cao tới hơn 4m. Để có một ngôi nhà đất chỉ rộng chừng 40m2 thôi, bà con phải đắp ròng rã tới ba tháng trời. Sau khi chọn được khu đất ưng ý, người ta bắt đầu đặt móng bằng các loại đá núi. Tiếp đến là công đoạn trình tường nhà. Đất được đưa vào ván khuôn nẹp chắc, dùng chày gỗ giã để nén chặt với nhau, hết lớp nọ đến lớp kia, rồi lắp ghép các xà và đòn tay gỗ để lợp mái bằng nhiều lớp cỏ gianh.

Năm nay cũng như mọi năm, đón Xuân về, bà con lại gia cố lại tường, dặm lại mái nhà. Khi sương tan, nắng lên, thung lũng như được dát vàng. Trên cao, những đám mây trắng đuổi nhau rồi quẩn lại trong thung lũng, khi hợp khi tan. Đi trong bản mà có cảm giác như đi trong mây, một cơn gió bất ngờ tạt qua cũng làm biển mây mênh mông khẽ rùng mình chuyển động.

Hôm ấy, ngồi bên bếp lửa trong ngôi nhà trình tường, được thưởng thức món gà nướng của bà chủ nhà người Hà Nhì, nhìn ra bên ngoài Xuân đã về với những búp lá xanh đầu cành. Và xa xa, phía cuối con đường đất bạc màu, một cụm hoa đào nở sớm khoe sắc dịu dàng trong màn sương như một bó đuốc cháy trong nước…

Hoàng Hạnh Đào

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/noi-mua-xuan-den-som-tintuc457166