Nơi nạn nhân xâm hại tình dục không cần giải thích 'Bạn đã mặc đồ gì?'

Triển lãm You can talk to me đưa ra cái nhìn đa chiều về việc đổ lỗi cho nạn nhân bị xâm hại tình dục, đồng thời giúp họ nói lên thông điệp bị kìm nén bằng ngôn ngữ nghệ thuật.

"Con bé đó lúc đấy có ăn mặc hở hang không?", "Con trai đàn ông gì mà phản kháng yếu đuối thế?", "Mày đã làm gì để khiêu khích nó?"... là những câu hỏi mà nạn nhân của các vụ quấy rối, xâm hại tình dục thường gặp phải. Thế nhưng, tại Không gian trải nghiệm "You can talk to me" - "Có mình ở đây", các nghệ sĩ lại đặt ra câu hỏi khác: Bạn đã đủ cảm thông với nạn nhân để ngưng đổ lỗi cho họ hay chưa?

Không gian trải nghiệm "You can talk to me" với 10 tác phẩm được sáng tác bởi 7 nghệ sĩ và nhóm S.O.S Share Our Stories thể hiện những góc nhìn đa diện của các tác giả về vấn đề đổ lỗi cho nạn nhân/người sống sót sau xâm hại tình dục. Trong ảnh, Hoàng Giang Sơn - Điều phối Chương trình Công Lý Giới của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Trần An Bình - Cán bộ truyền thông của Viện iSEE và Đinh Thảo Linh - Đạo diễn nghệ thuật của triển lãm, chia sẻ trong buổi khai mạc sự kiện tối 06/12.

Tất cả nghệ sĩ tham gia vào không gian trải nghiệm có mặt tại lễ khai mạc sự kiện hôm 6/12. Các tác phẩm tại triển lãm được thể hiện bằng nhiều hình thức đa dạng: từ điêu khắc đa phương tiện, tranh vẽ, sắp đặt tương tác, trình diễn tương tác, cho tới trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường. Thông qua tác phẩm, những nghệ sĩ cũng chia sẻ về sự thông cảm rất đỗi con người mà mỗi chúng ta có thể dành cho nhau, để an tâm, tin tưởng và đồng hành.

Lucy Alexandra Howson và Luis Bernardino, hai nghệ sĩ có tác phẩm trưng bày tại không gian trải nghiệm, đang trao đổi trước giờ khai mạc. Howson sinh ra và lớn lên tại Nottingham, Anh. Cô hoàn thành chương trình Truyền thông Thị giác năm 2010 tại Đại học Nghệ thuật Leeds (Leeds College of Art). Howson mang đến không gian trải nghiệm tác phẩm trình diễn, thơ & âm thanh, sắp đặt video có tên "Sau sự trống rỗng".

"Tác phẩm là lời phản kháng của tôi đối với thái độ đổ lỗi của người khác mà tôi phải hứng chịu khi còn nhỏ và những sang chấn hậu xâm hại tình dục", Howson chia sẻ và cho biết thêm cô từng bị xâm hại hai lần: lần thứ nhất khi còn nhỏ và lần thứ hai sau khi sinh con gái Lola một tháng, giai đoạn cực kỳ nhạy cảm với tâm lý phụ nữ. "Phải mất đến hơn 20 năm tôi mới có thể quen được với điều đó và giờ có thể thoải mái chia sẻ về quá khứ của mình. Chúng ta càng phớt lờ thương tổn của mình lâu bao nhiêu thì những vết nứt sẽ càng ăn sâu vào thế giới nội tâm của ta bấy nhiêu", Howson nói với Zing.vn.

Một trong những tác phẩm thu hút nhiều sự quan tâm chú ý tại triển lãm là "Tại sao tôi im lặng" của Ngô Kỳ Duyên. Tác phẩm xuất phát từ thực trạng hầu hết trường hợp xâm hại tình dục không được trình báo với cảnh sát và nạn nhân thường bị đổ lỗi vì không biết cách bảo vệ bản thân. Điều này dẫn đến sang chấn tâm lý nặng nề.

"Vì sao tôi im lặng" kết hợp trải nghiệm Thực tế ảo với video 360 độ dựa vào lời kể của những người ủng hộ nạn nhân bị xâm hại, trên tinh thần chia sẻ nhiều câu chuyện lay động và truyền thêm lòng dũng cảm cho khán giả để lên tiếng cho chính mình.

Trong khi đó, trải nghiệm Thực tế tăng cường với máy tính bảng khuyến khích khán giả tìm hiểu các thông điệp ẩn trong hình ảnh và câu chữ từ chính nạn nhân và cùng ghi ra những suy nghĩ của bản thân.

Ở một góc nhìn khác, tác giả Nguyễn Hoàng Vũ và Nguyễn Hoàng Xuân Thi sử dụng nghệ thuật sắp đặt để đi tìm "Đồng phạm thơ ngây" của hành vi đổ lỗi cho nạn nhân. Bằng cách soi chiếu diễn ngôn báo chí rồi giễu nhại nó, hai nghệ sĩ mong những người cầm bút dừng lại để thực sự lắng nghe và thấu hiểu nạn nhân tình dục trước khi quyết định lên tiếng. Vì mỗi chi tiết thừa là một bản án oan.

Thái độ đổ lỗi cho trang phục của nạn nhân trong các vụ xâm hại cũng bị lên án qua góc trưng bày tài liệu của triển lãm sắp đặt "What are you wearing?". Thay vì đặt câu hỏi "Bạn đã mặc gì vào thời điểm đó?", khán giả cần hiểu rằng vấn đề chưa bao giờ nằm ở trang phục. Xâm hại tình dục diễn ra ngay cả với một binh sĩ đang mặc quân phục và mang súng. "Giá mà việc chấm dứt bạo lực tình dục cũng dễ như thay quần áo", thông điệp của tác phẩm viết, và việc vứt bỏ những bộ quần áo này không bao giờ là đủ để mang lại sự bình yên và khuây khỏa cho nạn nhân.

Chủ đề "You can talk to me" - "Có mình ở đây" được thể hiện sống động nhất qua màn trình diễn tương tác của nghệ sĩ Lê Phương Nhi. Cô ngồi ở một bên chiếu, mắt bị che lại bằng vải đỏ. Người xem được mời ngồi bên cạnh nghệ sĩ biểu diễn và kể những bí mật của họ vào tai cô. Mỗi khi người xem nói ra bí mật của họ, có thể là về ký ức bị xâm hại, nghệ sĩ bắt đầu gọt táo bằng dao. Phương Nhi sẽ mang theo và giữ những bí mật đó đến hết đời.

Trong tác phẩm tương tác "Rừng máy bay" của nhóm S.O.S Share Our Stories, mỗi chiếc máy bay giấy là một câu chuyện về xâm hại tình dục. Trong khi chúng ta có xu hướng nghĩ việc xâm hại là đơn lẻ, "chắc nó chừa mình ra", những chiếc máy bay lại quá nhiều, quá dày đặc. Bạn đi quanh, ngước lên và nhìn ngắm chúng, rồi chọn cho mình một chiếc, như đi chợ. Nhưng thay vì thấy tò mò khi chọn được một món hàng hấp dẫn, bạn lại có cảm giác hoang mang khi vớ đâu cũng trúng nỗi đau và một mảnh ký ức vỡ vụn của người khác.

Không gian trải nghiệm "You can talk to me" nằm trong dự án "BRAVE - Vì bạn được tin" do tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, iSEE và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) khởi xướng dưới sự tài trợ của chính phủ Australia. Triển lãm mở cửa tự do cho khách tham quan đến hết ngày 14/12 tại địa chỉ 6B Nguyễn Cảnh Chân, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM.

Hương Ly
Ảnh: Viện iSEE

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/noi-nan-nhan-xam-hai-tinh-duc-khong-can-giai-thich-ban-da-mac-do-gi-post1023189.html