'Nói ngân hàng siết tín dụng khiến bất động sản bị thắt chặt là không chính xác'

Ngân hàng Nhà nước đang có nhiều động thái quyết tâm siết lại tín dụng đổ vào bất động sản. Và theo đại diện của tổ chức này, hành động trên mang lại rất nhiều lợi ích mà không hề gây một chút bất lợi nào cho thị trường bất động sản.

Vẫn nhiều quan điểm trái chiều về sự phát triển của thị trường bất động sản trong ngắn hạn

Theo các số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm 2018, tín dụng ngân hàng TP. HCM tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm 2017. Con số này của cả nước là khoảng 7,8%, tăng trưởng phù hợp với định hướng của ngân hàng trung ương, phù hợp với giải pháp tiền tệ tín dụng trong năm 2018.

Về cơ cấu tín dụng, tín dụng trung dài hạn chiến khoảng 53% trong khi đó tín dụng ngắn hạn là 47%, cơ cấu này đã duy trì suốt trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngắn hạn có cao hơn tín dụng trung dài hạn trong 6 tháng đầu năm, chất lượng tín dụng được kiểm soát, đảm bảo nợ xấu khoảng 3%.

Trong đó tín dụng bất động sản, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng tại TP. HCM, trên cả nước là 7,8%. Theo các chuyên gia bất động sản, tỷ trọng dư nợ bất động sản tầm khoảng 8% đến 10% là nằm trong mức an toàn.

“Theo Ngân hàng Nhà nước sẽ không có khủng hoảng bất động sản diễn ra trong năm 2018 và 2019. Chắc chắn những sai lầm về hoạt động tín dụng như trong cuộc khủng hoảng bất động sản gần nhất sẽ không diễn ra”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng tổng hợp NHNN chi nhánh TP.HCM nhận xét trong Hội thảo Chu kỳ khủng hoảng và Cơ hội đầu tư ngày 18/7 vừa qua.

Sở dĩ, hoạt động tín dụng và tín dụng bất động sản trong 6 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực là nhờ môi trường kinh tế vĩ mô tốt, chính sách tiền tệ tín dụng của ngân hàng Trung ương hợp lý, các chương hành động kịp thời của UBND TP. HCM và Chính phủ về tài chính.

“Chúng ta vẫn nghe thấy nói ngân hàng trung ương đang siết chặt tín dụng với các doanh nghiệp bất động sản, khiến thị trường bị thắt chặt là chưa hoàn toàn chính xác”, ông Lệnh nói.

Chính sách tiền tệ tín dụng trong 5 năm qua gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã cố gắng tạo điều kiện rất tốt để nền kinh tế vĩ mô có thể thuận lợi phát triển, thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển, ổn định thị trường, phục hồi uy tín của giới ngân hàng qua đó cũng tác động tích cực lên thị trường bất động sản.

Tất cả những điều chỉnh của NHNN ví dụ như khuyến nghị các ngân hàng thành viên kiểm soát tốt dòng tiền đổ vào đầu tư tài chính trong đó có bất động sản, mục tiêu cuối cùng vẫn là để thị trường phát triển tốt hơn.

Quy định sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn hoặc là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu…tất cả nhằm mục tiêu giúp các ngân hàng phát triển ổn định, bền vững, nhằm nâng cao khả năng cung ứng vốn tốt nhất cho thị trường nói chung bất động sản nói riêng.

Tín dụng ngân hàng và thị trường bất động sản có mối quan hệ trực tiếp, nếu bất động sản tăng trưởng phát triển tốt, tín dụng ngân hàng tốt. Bất động sản tốt sẽ hỗ trợ trực tiếp cho quá trình xử lý các tài sản đảm bảo vay nợ là bất động sản, ngân hàng dễ thu hồi nợ xấu. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, khi mà thị trường bất động sản sôi động, quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng dễ dàng hơn rất nhiều.

"Những cơ chế chính sách của Nhà nước đang rất tốt cho tất cả các ngành kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng, chứ không phải là thắt chặt”, ông Lệnh khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Tổng hợp NHNN chi nhánh TP.HCM.

Theo ông Lệnh, để ngành bất động sản không phải trải qua các đợt khủng hoảng cần đảm bảo hai điều sau:

Phát triển bền vững, tăng trưởng ổn định: Sự tăng trưởng nóng của thời gian trước đây đã cho thấy sự tăng trưởng bền vững quan trọng như thế nào. Thị trường bất động sản cũng giống hệ thống ngân hàng, nhất định phải phát triển bền vững. Để phát triển bền vững, trong thời gian gần đây, ngành ngân hàng đang phải tích cực xử lý nợ xấu tốt, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng…

Nếu thị trường bất động sản phát triển bền vững sẽ không phải chịu nhiều tác động xấu ngay cả khi thị trường đi vào chu kỳ khủng hoảng. Hơn ai hết, các doanh nghiệp bất động sản hiểu rõ vấn đề này nhất, do đó, các doanh nghiệp cần phải có những định hướng chiến lược hợp lý trong thời gian tới.

Tuân thủ quy luật thị trường: Thứ nhất, tôn trọng các quy định của pháp luật trong các hoạt động kinh doanh của thị trường bất động sản và ngân hàng. Bài học rủi ro tín dụng trong các đợt khủng hoảng trước có thể rút kinh nghiệm: ngoài rủi ro do thị trường đóng băng còn rất nhiều doanh nghiệp vướng rủi ro về pháp lý. Nhiều khoản nợ hiện nay rất khó xử lý vì vướng pháp lý không rõ ràng, các doanh nghiệp bất động sản nên tôn trọng triệt để pháp luật.

Thứ hai, các doanh nghiệp bất động sản cần sử dụng vốn vay hiệu quả, tôn trọng các nguyên tắc điều kiện vay tín dụng, an toàn tín dụng. Quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp bản thân nó là mối quan hệ tín dụng thương mại, hợp tác dựa trên các điều kiện và nguyên tắc. Nếu chúng ta tôn trọng chúng việc sử dụng tín dụng sẽ hiệu quả, an toàn và hạn chế được nợ xấu phát sinh.

“NHNN và các ngân hàng thành viên đang rất tích cực trong việc cải cách hành chính. Thế nên, trong quá trình vay tín dụng, nếu doanh nghiệp nào vướng mắc vấn đề gì về thủ tục hành chính hãy trực tiếp liên hệ với các ngân hàng thương mại hoặc phản ánh với Hiệp hội bất động sản TP. HCM”, ông Lệnh cho biết.

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/noi-ngan-hang-siet-tin-dung-khien-bat-dong-san-bi-that-chat-la-khong-chinh-xac-1531915102228.htm