Nơi người dân có quyền chọn nhà cung cấp điện

Nhờ sự tham gia của các đơn vị bán lẻ, người tiêu dùng điện tại Australia và châu Âu có thể tự chọn nhà cung cấp cho mình. Các công ty điện cũng phải tiết giảm chi phí để hạ giá.

Vừa bước vào thời điểm nắng nóng với nhu cầu sử dụng điện cao kèm giá điện ở Việt Nam bất ngờ tăng 8,36% khiến hóa đơn tiền điện của các hộ dân tăng gấp 2-3 lần.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia trong nước cho rằng vấn đề đáng chú ý ở đây không phải đi tìm lý do của việc tăng giá điện bất thường mà phải cần phải xem xét lại cách phân bố và minh bạch hóa chi phí trong cơ cấu giá điện, cùng với đó là cách thức phân phối điện từ nơi sản xuất đến hộ gia đình.

Nhìn sang một số thị trường điện phát triển như Australia, Đức… có thể thấy có sự khác biệt trong cách thức phân phối điện từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, đặc biệt là có sự tham gia của các đơn vị phân phối bán lẻ.

Tại Australia, thị trường điện quốc gia (NEM) là một nơi mà điện được mua bởi các đơn vị bán lẻ và sau đó bán lại cho người tiêu dùng. Thị trường này được chia nhỏ theo các bang như New South Wales (NSW), Queensland (QLD), Victoria (VIC), South Australia (SA), Tasmania (TAS) và Western Australia (WA).

Một trạm biến áp tại Sydney, Úc. Ảnh: Reuters

NEM là thị trường giao ngay, đồng nghĩa với việc điện sẽ được giao dịch và phân phối ngay tức thì. Để tính được giá điện, các nhà máy sản xuất chào giá cho NEM với nhiều mức khác nhau. Cơ quan điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) sẽ ưu tiên chọn bên sản xuất có giá rẻ nhất.

Do giá điện tại mỗi bang có thể thay đổi liên tục chỉ trong 5 phút và chênh lệch giá đáng kể trong ngày. Để quản lý sự biến thiên về giá, các đơn vị bán lẻ ở Australia thường ký hợp đồng với công ty sản xuất điện để có thể cố định giá mua.

Các công ty cung cấp bán năng lượng lớn ở Australia có thể kể đến như AGL Energy, Alinta Energy, BlueNRG và Click Energy. Những công ty này sau sẽ kết hợp với các dịch vụ truyền tải và phân phối điện rồi bán sản phẩm cuối cùng cho khách hàng của mình. Người tiêu dùng được phép lựa chọn đơn vị cung cấp đưa ra giá điện cạnh tranh để sử dụng.

AGL Energy là nhà bán lẻ năng lượng lớn nhất ở Australia và cũng đồng thời là một đơn vị sản xuất điện. Điều này có nghĩa trên NEM, họ vừa sản xuất và bán buôn điện nhưng đồng thời cũng mua điện và bán lại cho người tiêu dùng như một đơn vị bán lẻ. Nhờ đó, AGL được hưởng lợi từ sự chênh lệch của giá bán ngay trên NEM.

Thị trường điện tại Australia khá tương đồng với Đức và châu Âu nói chung, khi các quốc gia này đã thiết lập một thị trường bán điện cạnh tranh đến từng hộ gia đình.

Tính đến năm 2017, Đức là quốc gia có số lượng đơn vị cung cấp điện lên đến 1.250 công ty với 64 doanh nghiệp cung cấp điện trên phạm vi trên toàn quốc. Riêng ở Tây Ban Nha, số lượng công ty cung cấp điện trên phạm vi toàn quốc là 213.

EnBW là một trong những nhà phân phối điện lớn nhất của Đức. Ảnh: Reuters

Người tiêu dùng ở đây có thể thay đổi các nhà cung cấp điện một cách dễ dàng thông qua việc thay đổi hợp đồng. Đặc biệt hệ thống thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở Đức còn cho phép mỗi hộ gia đình có thể mua lẻ điện từ bất cứ nhà cung cấp nào ở châu Âu, không giới hạn biên giới quốc gia.

Hệ thống phân phối điện này sẽ giúp các nhà đầu tư sản xuất điện có lợi nhuận, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đồng thời, nó cũng kích thích sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp điện, buộc họ phải cắt giảm các chi phí để có thể tồn tại. Từ đó người sử dụng có được một giá điện hợp lý, minh bạch.

Ngoài ra, cơ chế định giá điện linh hoạt (có sự thay đổi theo giờ, theo mùa và mục đích sử dụng) vẫn giúp thúc đẩy ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường của người tiêu dùng.

Những nguyên nhân làm tăng tiền điện trong hóa đơn Ngành điện đã có những giải thích cụ thể về việc người dân gặp khó khăn và lo lắng khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4.

Hà Bùi tổng hợp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/noi-nguoi-dan-co-quyen-chon-nha-cung-cap-dien-post941345.html