Nỗi nhớ giữa rừng hoang…

Răng tôi đánh lập cập vào nhau trên con đường đi đến đỉnh núi Ba Vì, nhiệt độ đo được trên điện thoại là 10 độ C, cái lạnh xuyên qua mọi thớ vải tôi mang trên người. Mùa hoa dã quỳ đã tàn, con đường xám ngoét không màu nắng. Rõ ràng, hôm nay, dự báo thời tiết đã cho hay trời sẽ ấm lên, nhưng không một tia sáng nào lọt được qua tầng mây nặng trĩu đang bao phủ.

Khói từ hơi thở của tôi phả ra ngoài không gian vắng lặng, không một bóng du khách nào lai vãng tại đây vào ngày thường. Vắng hoe, thi thoảng lắm, tôi mới nghe được tiếng xe máy ở đâu đó. Tôi ngồi bệt trên đường, ôm đầu gối đang chảy máu. Ngã xe, bao lần tôi vẫn không nhớ lời bố dặn. “Hãy về số khi con xuống dốc”. Kết quả, tôi nhanh chóng ngã sõng soài sau khi chụp được vài tấm ảnh từ tàn tích nhà thờ đá.

Đường chẳng có ai, tôi thầm thở phào khi không sợ sẽ nhục nhã trước ánh mắt của những người qua đường. Việc được họ đỡ lên, phủi đất hỏi “Có sao không?” đối với tôi còn đáng sợ hơn cả việc ngã giập mặt. Nhưng, cảm giác chỉ có một mình trong cái rét căm căm giữa tiết trời mùa đông trên núi, với đầu gối đang rỉ máu và bánh xe quay tít thò lò bên dưới, thì chẳng ai vui vẻ được.

Tôi cảm thấy dở khóc, dở cười, vì tự dưng, muốn ăn vạ một ai đó, có thể là mấy mỏm đá cao chót vót kia, cũng có thể là đám cây xanh đang “nhe nhởn” cười mỉa tôi, hoặc vòm trời xám xấu xí hôm nay. Chẳng hiểu sao, tôi thấy nhớ mẹ mình, nhớ hồi bé, tôi hay bị ngã, mẹ sẽ vỗ lên mặt đất nói. “Cái sàn gạch này hư, đánh này!”. Giờ đây chỉ có một đứa trẻ to xác…

Tôi ngã thường xuyên do đi xe ẩu, do luôn thử nghiệm với cung đường mới, nhiều lần trầy cả mảng thịt to đùng, tôi chẳng bao giờ kêu ca. Nhưng, hôm nay, khi xe của tôi suýt chút nữa đã bay ra khỏi rào chắn và rơi xuống núi từ độ cao cả nghìn mét, tôi bỗng thấy nhớ mẹ.

Lúc ấy, tôi dùng mọi phanh tay, phanh chân, phanh đầu gối, bởi tôi muốn về nhà, mẹ chẳng biết tôi đi đâu hôm nay. Rất nhiều hôm bà không biết, có lúc tôi được nghỉ học, có lúc tôi trốn việc đi chơi, mẹ luôn nghĩ dù thế nào, chiều tối tôi cũng sẽ về ăn cơm. Tôi không muốn sáng nay là lần cuối cùng mẹ còn được nhìn thấy tôi. Cho nên, sống chết tôi đã phanh cái xe lại, đến mức cả người trầy xước, đau nhừ như bị ai đánh. Có lẽ đau hơn cả những ngày tôi đi tập ép dẻo, xoạc ngang, xoạc dọc.

Hiện tại, tôi nằm ăn vạ trên đường, mệt nhoài sau hơn một trăm cây số, ba tiếng đồng hồ liên tục phóng từ Hà Nội lên núi và cú ngã nhớ đời. Hốt nhiên, tôi thèm ly sữa nóng mà mẹ đã pha sẵn sáng nay. Cứ mùa đông, mẹ sẽ pha cho tôi ly sữa nóng với cacao hoặc matcha. Tôi thường càu nhàu, chỉ uống vài ngụm rồi vội vàng đi ra ngoài.

Giờ đây, môi tôi khô khốc, bên cạnh là chai nước khoáng lạnh băng. Ly sữa mẹ pha chắc giờ này đã nguội rồi. Nếu mẹ ở đây, bà sẽ biết phải làm gì với vết thương của tôi. Tôi bị ngã nhiều, lần nào cũng để lại những vết sẹo li ti không thể lành hoàn toàn. Mẹ thường nói do tôi chẳng bao giờ chịu sơ cứu, lúc nào cũng để như vậy và tiếp tục hoạt động như bình thường. Tôi ngẩng mặt nhìn bầu trời đang chuyển sắc về chiều, sẽ tối nhanh thôi. “Chẳng ai nhớ đến mi mà lên cứu đâu”. Tôi tự nhủ.

Ngồi dậy, tôi thì thầm. “Nào, không có gì đáng sợ đâu, đi thôi”. Nhưng, xe không nổ máy và tôi đang cách mặt đất khoảng 20km, không thể đi bộ. Tôi ngồi lên xe cứ thế lao xuống dốc, với bàn chân đặt chặt lên phanh. Tôi đã nghiễm nhiên bỏ qua lời dặn của những đàn anh trước đây từng nói. “Đừng phanh xe khi tắt máy, sẽ làm cháy toàn bộ hệ thống phanh bên trong”.

Bụng tôi đói meo, tầm mắt mờ đi vì bóng tối bắt đầu bao trùm. Tôi nhớ nồi cơm nghi ngút khói mẹ đặt vội mỗi khi chiều về, món đậu phụ nhồi nóng sốt, những bát canh tôi thường húp sì sụp. Tôi lại nhớ đến những ngôi nhà mình đã đi qua trong cả ngày hôm nay, chắc giờ đây mọi nơi đều đã sáng đèn, ai cũng đang ủ ấm trong bữa cơm tối của gia đình rồi.

Bố tôi chắc đang ngồi xem TV, bên cạnh là mấy con mèo đang rúc đầu vào ngồi cùng ông. Mẹ chắc đang ngồi uống nước và đọc báo, không biết hôm nay ai sẽ nấu cơm chiều? Không thể là tôi được, vì tôi không kịp về nhà đâu. Lại một khúc cua nữa, tôi giật nảy mình đạp phanh lại, tí chút nữa tôi đâm vào cái cây. Cả xe và người rề rà từng chút một đi xuống núi. Người tôi bớt run, có lẽ do quen với cái rét và vết thương cũng đỡ đau.

Đêm dần lật mình, phủ tấm rèm nhung, mọi thứ xung quanh đen kịt. Xe của tôi chạm đến chân núi, một vài đội sinh viên đang cắm trại tại đó, tôi thở ra một hơi nhẹ nhõm. Mấy người vẫy tay, huýt sáo nói to với tôi. “Giỏi lắm bạn ơi, đi xe không đèn giữa bóng tối!”. Bình thường tôi sẽ ra bắt tay khoe khoang với họ, nhưng hôm nay, tôi chỉ muốn về nhà thật nhanh, chui vào tấm chăn ấm áp nằm bên bố mẹ.

Tôi bỗng tưởng tượng ra khuôn mặt mẹ khi thấy tôi về, mẹ sẽ mở cổng vào tối muộn, nhìn đứa con bụi bẩn lấm đầy mặt mũi nhe răng cười dưới ánh đèn pha: “Chào mẹ, con đã về”. Bà sẽ xách tai tôi lên mà quát, thậm chí bảo bố khóa cửa nhốt tôi bên ngoài. Nhưng, giữa đêm trường cô độc này, được nghe tiếng mẹ mắng có phải tốt hơn không? Và như một lời cầu nguyện điều kỳ diệu, chiếc xe đang hỏng của tôi đã nổ máy sau một tiếng gầm gừ…

Ngọc Hương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/noi-nho-giua-rung-hoang-post462080.html