Nơi những ngôi nhà không ngủ

Bạn có để ý rằng những ngôi nhà cổ ở Hội An đều có đôi mắt không? Không những thế, nếu như người ta có mắt bồ câu ngây thơ, mắt lá răm, mày lá liễu đa tình thì các nhà nghiên cứu đã thống kê được mắt cửa ở Hội An cũng có đến trên 20 kiểu khác nhau. Phần lớn có dạng hình tròn, hình lục giác, hình bát giác.

Một số ít có dạng hình vuông, hình nửa khối cầu dẹt. Tâm mắt cửa thường được trang trí hình lưỡng nghi sơn hai màu đen trắng, hoặc hình nhụy hoa, hình chữ triện, chữ phúc, chữ thọ… Phần vành bên ngoài thường tạo dáng hoa cúc 6 hoặc 8 cánh, cánh lại tỉ mỉ chạm xoáy hình lá đề, hình bát quái, hình hồi văn, hình giao long, hình bốn hoặc năm con dơi bao quanh chữ phúc. Cũng có chủ nhà đơn giản chỉ dùng mắt cửa hình chữ thọ, có gờ chỉ nổi bao bên ngoài.

Ở một số đền miếu, hội quán, mắt cửa có trang trí khác. Mắt cửa ở miếu Quan Công có dạng hình tròn, phần tán được chạm nổi mặt lân, miệng đang há to, mắt trắng, mi xanh, mũi đỏ, râu bạc. Mắt cửa ở hậu cung Hội quán Phúc Kiến sơn son thếp vàng, phía trên chạm đôi rồng chầu mặt trời, phía dưới là đôi giao long chầu mặt trăng, chính giữa là vòng tròn âm dương. Mắt cửa ở chùa Cầu trên tán có chạm nổi hình bốn hoa cúc dây bao bọc xung quanh, xoáy lưỡng nghi nằm ở giữa.

Việc trang trí mắt cửa thể hiện quan niệm của người Hội An (và nhiều vùng quê khác), cho rằng con người và con vật đều có mắt để quan sát vạn vật, thì ngôi nhà gắn với con người cũng phải có mắt để quan sát, canh chừng cho gia chủ. Sâu xa hơn, vì tượng trưng cho “cửa sổ tâm hồn”, mắt nhà còn là một cách để gia chủ “mở lòng” ra với mọi người, với xã hội.

Có người nói, việc trang trí mắt cửa ở khu phố cổ Hội An có bắt nguồn từ tục thờ “Môn thần” trong tín ngưỡng dân gian của cộng đồng người Hoa; thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tránh được hoạn nạn, rủi ro, tránh không cho tà ma xâm phạm vào nhà, gây nên bệnh tật, gia đình xào xáo, việc làm ăn bị thất bại.

Cũng có thể là vậy. Nhưng cần nói thêm rằng, quan niệm coi trọng đôi mắt không chỉ thể hiện qua mắt cửa và cũng không phải là điều riêng có ở Hội An. Nhiều vùng sông nước ở Việt Nam, ngư dân thường vẽ đôi mắt ở hai bên mũi thuyền, ghe. Trên thạp đồng Đào Thịnh niên đại thế kỷ thứ I trước Công nguyên có trang trí hình thuyền, mũi thuyền cũng có vẽ con mắt chim to tròn.

Là vậy đấy, giàu hai con mắt…

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/noi-nhung-ngoi-nha-khong-ngu.aspx