Nỗi niềm bảo tàng

* BÀI 1: BẢO TÀNG 'ĂN NHỜ Ở ĐẬU'

* BÀI 1: BẢO TÀNG "ĂN NHỜ Ở ĐẬU"

Thống kê sơ bộ của ngành văn hóa TT-Huế cho thấy, hiện có hơn 57.000 hiện vật đang được lưu giữ tại các bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn tỉnh. Song, đa số các bảo tàng (BT) vẫn đang thiếu không gian trưng bày nên không đáp ứng được yêu cầu của người dân địa phương và du khách.

Do không gian quá chật hẹp nên hiện vật được trưng bày tại BTLS&CM chỉ rất ítso với số hiện vật, tư liệu mà bảo tàng này đang sở hữu.

Cái khó bó cái khôn

BT lịch sử và cách mạng (BTLS&CM) TT-Huế được xem là BT có nhiều hiện vật, tư liệu nhiều nhất so với các BT ở khu vực Bắc miền Trung. Hiện, BT này đang lưu giữ hơn 30.000 hiện vật và tư liệu; trong đó có những hiện vật đặc biệt quý hiếm, có giá trị lịch sử khoa học và kinh tế mà nhiều tỉnh, thành phố khác không có. Thế nhưng, tuy thành lập từ sau ngày giải phóng, đến nay BT vẫn "ăn nhờ ở đậu" tại khu di tích Trường Quốc Tử Giám (số 1 đường 23-8, thuộc Quần thể Di tích cố đô Huế và được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế quản lý). Mới đây, chị Việt Hương, một hướng dẫn viên đưa đoàn du khách người Pháp từ Hội An ra Huế, địa điểm đầu tiên đoàn ghé đến là BTLS&CM TT-Huế. Sau khi mua vé vào BT, khách trong đoàn tỏ ra khá thất vọng khi các hiện vật được trưng bày chỉ lác đác, trong khi đó, một nhà nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam từng cho biết, ở BTLS&CM TT-Huế có một khối lượng tư liệu, hiện vật đồ sộ và có những hiện vật những nơi khác không có...

Khi được hỏi vì sao, với số lượng tư liệu, hiện vật đang sở hữu rất lớn nhưng BT chỉ trưng bày một số lượng ít, ông Cao Huy Hùng- Giám đốc BTLS & CM TT-Huế ngậm ngùi: "Ai cũng muốn trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu để thu hút càng nhiều khách nhưng không gian không có, mình đang "ăn nhờ ở đậu" nhà người ta nên có nhiều cái khó bó cái khôn". Cũng theo ông Hùng, hiện, hầu hết các tư liệu, hiện vật đều được chất chồng và cất giữ ở kho. Cũng theo ông Cao Huy Hùng, tại khu Di Luân Đường (trong khuôn viên di tích Trường Quốc Tử Giám) là nơi trưng bày chính của BT hiện nay đã bị thấm dột nghiêm trọng; các dãy nhà ngang đều xuống cấp, hư hỏng nặng nhiều năm nay; đặc biệt là khu nhà kho để cất giữ hiện vật. "Mỗi khi mưa là cán bộ của BT phải thay nhau mang thau chậu hứng nước dột ướt lên hiện vật và nền nhà. Do không gian chật hẹp, xuống cấp và thấm dột nên mỗi mùa mưa, nhân viên của bảo tàng phải sử dụng hệ thống bao nilon cỡ lớn để trùm lên các hiện vật tránh nước mưa"- ông Hùng nói.

Có mặt tại BT, chúng tôi chứng kiến nhiều hiện vật khác không có nơi bảo quản, đành phải để dọc lối đi của khu nhà hành chính. Trước thực trạng việc bảo quản hiện vật gặp quá nhiều khó khăn do cơ sở vật chất xuống cấp, BTLS & CM nhiều lần xin cơ quan chức năng cho phép sửa chữa, khắc phục nhưng không được đồng ý bởi đây là di tích, lại do đơn vị khác quản lý... Bên cạnh đó, do đang ở nhờ nên BT vẫn chưa được trang bị các phương tiện bảo quản, bảo vệ, camera chống trộm cũng như hệ thống cảnh báo chống cháy...

Cùng nỗi niềm với BTLS & CM TT-Huế, BT Văn hóa (BTVH) Huế tuy được thành lập từ năm 1989 nhưng suốt hơn 20 năm qua, có khi ở nhờ tại Phòng VHTT TP Huế, có khi ở tạm tại Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị. Thỉnh thoảng nhân dịp các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, các sự kiện quan trọng của tỉnh hay thành phố thì BT này mới tổ chức trưng bày các bộ sưu tập hiện vật ở số 4-Hoàng Hoa Thám (là trụ sở của Phòng VHTT TP Huế). Từ năm 2012, BTVH Huế có trụ sở mới là tòa nhà vốn là trụ sở UBND TP Huế nằm trên đường Lê Lợi. Với vị thế nằm ngay trung tâm thành phố, bên dòng sông Hương thơ mộng, BTVH Huế là địa chỉ tham quan được nhiều du khách chọn lựa. Thế nhưng, những ngày cuối tháng 6, nhiều du khách đến tham quan BTVH Huế đều tỏ ra thất vọng khi nơi đây chỉ trưng bày khoảng trăm hiện vật trong số hàng ngàn hiện vật mà BT đang sở hữu. Theo lý giải của một cán bộ phòng nghiệp vụ BT, hiện BT đang trưng bày những hiện vật của một số nhà cổ vật hiến tặng trong dịp Festival vừa qua với mục đích tri ân. Nói về việc trưng bày hiện vật, tư liệu thường xuyên thì cán bộ này cho biết, BT vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, khi thành lập, nhiệm vụ của BT là nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và tổ chức trưng bày những mẫu vật thiên nhiên, di vật, di tích lịch sử văn hóa có liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế... Nói về việc vì sao không trưng bày hiện vật thường xuyên để đáp ứng yêu cầu du khách thì cán bộ này cho rằng: Một tòa nhà được xây từ ban đầu với chức năng trưng bày BT thì ý tưởng và chức năng mà mình thiết kế sẽ phù hợp còn ở đây do tận dụng trụ sở cơ quan làm việc thì như "bắt cóc bỏ đĩa", tùy thuộc vào không gian để lựa chọn mà trưng bày.

Di tích Di Luân Đường, nơi trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử và cách mạng TT- Huếđã xuống cấp nghiêm trọng.

Chủ trương vẫn mãi nằm trên giấy

Theo ông Cao Huy Hùng, lâu nay UBND tỉnh TT-Huế đã có chủ trương di dời BTLS & CM TT-Huế đến khu vực chân núi Ngự Bình, gần tượng đài Quang Trung (thuộc P. An Tây, TP Huế) để trả lại không gian di tích- văn hóa cho ngôi trường Quốc Tử Giám. Nhưng chủ trương đó đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy do khó khăn về kinh phí và quỹ đất. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tỉnh cũng nên tính đến phương án di dời BT này đến một địa điểm khác; bởi không gian của một di sản văn hóa được UNESCO công nhận như Quốc Tử Giám không thể để trưng bày hệ thống máy bay, xe tăng, khí tài... mãi được.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh TT-Huế khóa VI, trả lời ý kiến của đại biểu về hệ thống BT Huế, ông Phan Tiến Dũng-Giám đốc Sở VH-TT tỉnh TT-Huế nói, BTLS&CM tỉnh hiện vẫn đang sử dụng địa điểm di tích Quốc Tử Giám làm nơi trưng bày. Mặc dù đã qua nhiều đợt sửa chữa, chỉnh lý trưng bày nhưng do là di tích nên phải đảm bảo nguyên trạng, không cải tạo, xây dựng mới. Vì vậy, vẫn chưa đảm bảo tính chất, yêu cầu của một BT có khối lượng hiện vật lớn. Việc xây dựng BTLS & CM về lựa chọn địa điểm và nguồn kinh phí đầu tư, ban đầu quy hoạch ở Bắc Ngự Bình (TP Huế), tuy nhiên vị trí này xa với trung tâm thành phố, khách tham quan khó tiếp cận, việc phục vụ các chương trình giáo dục sẽ không thuận lợi, hiện đang nghiên cứu để có địa điểm phù hợp và UBND tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư giai đoạn tới...

Hải Lan
(còn nữa)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_151024_no-i-nie-m-ba-o-ta-ng.aspx