Nỗi niềm 'công bộc' vùng cao

Là những người trực tiếp đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, đội ngũ cán bộ thôn, bản có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Trong bối cảnh các thế lực thù địch tăng cường lợi dụng các yếu tố dân tộc, tôn giáo, dân chủ và nhân quyền nhằm thực hiện chiến lược 'diễn biến hòa bình', chống phá cách mạng nước ta, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở nói chung, cán bộ thôn, bản nói riêng cần được xác định là một nhiệm vụ quan trọng cần làm ngay.

Bài 2: Những việc cần làm ngay

Vai trò quan trọng, nhưng...

Thực tế xây dựng cộng đồng dân cư trên địa bàn thôn, bản trong những năm qua cho thấy, ở đâu đội ngũ cán bộ thôn, bản có trình độ năng lực, trách nhiệm trong công tác, thì ở đó ý thức, trách nhiệm của nhân dân và hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội của cộng đồng được nâng cao và ngược lại. Điều này cũng dễ hiểu vì do đặc thù cơ cấu làng, xã ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc hiện nay, người trực tiếp gần dân nhất vẫn là trưởng thôn, trưởng bản. Do vậy, có thể nói, đội ngũ trưởng thôn, trưởng bản chính là một trong những nhân tố quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở cơ sở.

Ông Dương Chi Sang, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Cây Điều (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) luôn tận tụy với công việc, chăm lo cho cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, với vai trò quan trọng như vậy, nhưng hiện nay có một thực tế "hiển hiện" là hoạt động của đội ngũ cán bộ thôn, bản nổi lên nhiều "cái nhất", trong đó, đáng chú ý là nhóm cán bộ cơ sở có nhiều loại công việc nhất. Nào là vận động nhân dân đóng góp xây dựng phong trào, xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như trực tiếp đi thu các khoản nghĩa vụ của người dân như góp tiền của, công sức để làm đường bê tông giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; tham gia các phong trào, các hoạt động văn hóa do địa phương tổ chức, vận động nhân dân tham gia xây dựng thôn, bản văn hóa, gia đình, tộc họ văn hóa...

Ngoài ra, họ còn phải tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất; phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, khi có dịch bệnh xảy ra phải tham gia dập dịch. Việc rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng thuộc về trách nhiệm của cán bộ thôn, bản. Mà trong vấn đề này, thực hiện sao cho khách quan, công bằng, không để xảy ra kiện tụng... cũng là việc không đơn giản. Chưa hết, cán bộ thôn còn phải trực tiếp chỉ đạo tổ dân phòng, các tổ an ninh nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm và nhiều việc không tên khác…

Thế nhưng, có một điều bất cập là cán bộ thôn, bản lại được hưởng chế độ phụ cấp thấp nhất. Theo quy định hiện hành, các cán bộ ở cơ sở được phân chia thành 2 nhóm đối tượng gồm: Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã và nhóm cán bộ không chuyên trách, trong đó có cán bộ thôn, bản. Với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, có 5 chức danh được hưởng mức phụ cấp hằng tháng, gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng, trưởng ban công tác mặt trận, công an viên.

Trong đó, mức phụ cấp hằng tháng trưởng thôn, bản được hưởng theo hệ số 0,75 mức lương cơ sở, còn chi hội trưởng hội phụ nữ, chi hội trưởng hội nông dân, chi hội trưởng hội cựu chiến binh, bí thư đoàn thanh niên chỉ được hưởng mức hệ số 0,3 - Những con số phần nhiều mang tính tượng trưng.

Cần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ thôn, bản

Vẫn biết, việc phân chia cán bộ ở cơ sở thành 2 nhóm đối tượng gồm: Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã và nhóm cán bộ không chuyên trách là căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, vị trí công tác, đặc thù chuyên môn, lĩnh vực phụ trách của từng cán bộ cơ sở. Song, xuất phát từ sự đặc thù của đội ngũ cán bộ thôn, bản nên rất khó tìm được những người cùng lúc đảm bảo các tiêu chuẩn: Có kinh nghiệm sống, có uy tín, trình độ, khả năng vận động quần chúng và đạo đức tốt, nhiệt tình gắn bó lâu dài với công việc "vác tù và hàng tổng".

Đặc biệt, đối với những vùng có đông đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số thì việc tìm "công bộc" không đòi hỏi lương bổng, tự nguyện phục vụ nhân dân càng khó hơn. Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch xã miền núi Sam Kha (thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) Cà Văn Thảo, hiện, công tác triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân ở Sam Kha chủ yếu dựa vào đội ngũ trưởng bản, vốn rất nhiệt tình trong công tác và có uy tín cao trong dân.

Nhưng trên thực tế, nhiều trưởng bản, do nhiệm kỳ đảm nhiệm chức vụ không theo quy trình nên rất hạn chế trong triển khai nhiệm vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Nhờ đội ngũ cán bộ cơ sở tích cực, tâm huyết, bản Giang Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã trở thành một "điểm đến" nổi tiếng về du lịch văn hóa cộng đồng. Ảnh: Thu Thủy

Theo Phó Chủ tịch Cà Văn Thảo, đã đến lúc các địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số cần nghiên cứu, xây dựng đề án về quy trình xác định rõ tiêu chí tuyển chọn trưởng bản, trưởng thôn cùng các chức danh cán bộ, thôn, bản khác để có thể lựa chọn những người thực sự có trình độ, gương mẫu nhiệt tình để chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân được tốt hơn.

Muốn vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện tốt cho họ an tâm làm nhiệm vụ bằng việc quy định rõ hơn chức danh và chế độ tiền lương, công tác phí... cho họ, không nên phân biệt cán bộ chuyên trách hay không chuyên trách ở cấp xã về chế độ lương, phụ cấp, bởi ai cũng là cán bộ phục vụ nhân dân. Đối với cán bộ thôn, bản, cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng theo hướng tự quản, khoán kinh phí hoạt động và hỗ trợ chi phí cho họ trong việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Chúng ta biết rằng, tiến tới Đại hội Đảng bộ các cấp, các địa phương thuộc vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở là người dân tộc thiểu số. Xưa nay, chúng ta thường nói, gia đình là tế bào của xã hội mà gia đình đều thuộc các thôn, bản - thiết chế xã hội quan trọng nhất ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

Rõ ràng, thực tế đang đòi hỏi cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách đủ làm động lực phát huy hết năng lực của đội ngũ cán bộ thôn, bản nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số vốn đang được xác định là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay…

Phan Mạnh Hưng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-niem-cong-boc-vung-cao-5j8/