Nỗi sợ của Ukraine và phương Tây

Bốn thượng nghị sĩ Mỹ kể lại một câu chuyện mà họ nghe từ các quan chức Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich: Một người lính trong chiến hào lầy bùn khi pháo binh Nga nổ gần đó vẫn lướt điện thoại để tìm thông tin Hạ viện Mỹ phê duyệt gói viện trợ quân sự.

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky trong cuộc gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Munich, ngày 17/2. (Ảnh: AP)

Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse, lãnh đạo một trong các phái đoàn Quốc hội Mỹ, nói rằng thật “đau lòng” khi nghe câu chuyện đó. “Với những người lính Ukraine trẻ tuổi ở tiền tuyến, đây là chủ đề mà họ bàn luận dai dẳng”, ông nói.

Câu chuyện phản ánh sự u ám trong Hội nghị An ninh Munich tại Bavaria cuối tuần qua, với chủ đề nổi bật là tình hình tồi tệ của Ukraine trên chiến trường và cam kết của Mỹ với Kiev.

Nhiều chính trị gia và quan chức tận dụng thời điểm này để nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ thua trong cuộc xung đột với Nga nếu Hạ viện Mỹ không thông qua gói viện trợ 60 tỷ USD. Tuy nhiên, họ có vẻ cũng không chắc chắn rằng Ukraine có cơ hội chiến thắng như thế nào nếu nhận được gói viện trợ đó.

Nhiều người né tránh câu hỏi liệu chiến thắng của Ukraine sẽ như thế nào hoặc khi nào nó có thể đến.

Thượng nghị sĩ Mark Warner - Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cho rằng gói viện trợ sẽ trở thành “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với Ukraine. Nhưng ông từ chối khẳng định sự hỗ trợ đó sẽ đảm bảo chiến thắng cho Ukraine, chỉ nói sự hỗ trợ của Mỹ là hy vọng cuối cùng và tốt nhất cho Kiev.

“Trong ngắn hạn, tôi không biết có cách nào khác để người Ukraine có được vũ khí, đạn dược và công cụ họ cần, ngoài từ Mỹ”, ông Warner nói.

Ukraine đang thiếu đạn dược và bộ binh. Thành trì Avdiivka duy trì hàng thập kỷ đã thất thủ vào cuối tuần qua, mang lại cho Điện Kremlin chiến thắng lớn nhất kể từ tháng 5 năm ngoái.

Trước khi Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky thay đổi lãnh đạo quân đội, các tướng lĩnh cho biết nước này cần huy động thêm 500.000 quân để theo kịp lực lượng Nga.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: “Khi một người châu Âu đọc tin Ukraine đã rút khỏi Avdiivka, anh ta nên hiểu một sự thật: Nga đã tiến gần hơn đến quê hương của anh ta. Mỗi tiến bộ mà Nga đạt được ở Ukraine đều đưa vũ khí Nga đến gần châu Âu hơn”.

Các quan chức Mỹ khẳng định cam kết của Washington đối với Ukraine không hề suy giảm. Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth, người mới đến Munich sau khi xem quân đội Mỹ huấn luyện một tiểu đoàn Ukraine tại căn cứ của Mỹ ở Đức, khẳng định: “Đối với những đối thủ đang theo dõi tình hình ở Ukraine và ý chí của Mỹ, tôi không muốn họ kết luận rằng chúng tôi sẽ để Nga làm bất cứ điều gì họ muốn”.

Ở Munich, các nhà lập pháp cả hai đảng của Mỹ đảm bảo với đồng minh rằng Hạ viện cuối cùng sẽ bật đèn xanh cho gói viện trợ, dự kiến sau tháng 3 tới. Nhưng họ lo sợ một nhân tố bí ẩn: Cựu Tổng thống Donald Trump.

Lo lắng về viễn cảnh đó, ông Zelensky dùng mọi cơ hội để vận động. “Đối với chúng tôi, gói này rất quan trọng. Chúng tôi không xem xét lựa chọn thay thế vì chúng tôi trông cậy vào Mỹ với tư cách đối tác chiến lược của mình”, ông nói trong cuộc họp báo với Phó Tổng thống Kamala Harris cuối tuần qua.

Bà Harris xác nhận rằng sẽ không có kế hoạch B nếu các nhà lập pháp không bật đèn xanh cho gói này. “Chỉ có kế hoạch A”, Phó Tổng thống Mỹ nói.

Niềm tin vào những gì Ukraine có thể đạt được đang ở mức thấp nhất trong 2 năm qua.

Các quan chức Ukraine không nói về các lựa chọn thay thế, chỉ nhấn mạnh họ cần vũ khí và đạn dược, đặc biệt là Taurus và hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa, để chống lại Nga.

Từ lạc quan đến bi quan

Tại Hội nghị An ninh Munich năm ngoái, không khí không quá căng thẳng khi Mỹ và các đồng minh đồng lòng ủng hộ Ukraine thực hiện chiến dịch phản công.

Nhưng cuộc phản công đã thất bại và chiến dịch trên bộ bị đình trệ, khiến cả lực lượng Ukraine và Nga phải chơi trò chơi "bóng bàn pháo binh" trên mặt trận dài hàng ngàn kilomet. Kiev đạt được một số thành công đáng kể ở Biển Đen, nhưng điều đó không giúp ích gì nhiều trong việc cải thiện góc nhìn về một cuộc xung đột đang kéo dài. Không ai, kể cả Kiev và Mátxcơva, có thể khẳng định chắc chắn kết cục của cuộc xung đột.

Đô đốc Rob Bauer - Chủ tịch Ủy ban Quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phát biểu: “Chúng ta sẽ gặp vấn đề với Nga cho dù cuộc xung đột kết thúc như thế nào”. Ông cảnh báo rằng phương Tây “có thể đã quá lạc quan vào năm 2023” về cuộc xung đột, “nhưng chúng ta phải đề phòng việc bi quan quá mức trong năm 2024”.

Sự không chắc chắn khiến tiếng nói của những người hoài nghi về Ukraine mạnh hơn. Họ nhấn mạnh rằng Mỹ nên dừng lại để tập trung vào các vấn đề trong nước.

Thượng nghị sĩ J.D. Vance đến Munich để đưa ra quan điểm phản đối.

“Châu Âu phải tự chủ hơn một chút trong việc tự bảo vệ mình”, ông nhấn mạnh trong cuộc họp báo riêng bên ngoài địa điểm tổ chức hội nghị. “Các bạn phải cố lên. Sẽ có một sự chuyển hướng trong chính sách của Mỹ để tập trung vào Đông Á. Với thực tế đó, người châu Âu phải đóng vai trò tích cực hơn”, Thượng nghị sĩ J.D. Vance nói.

Tuy nhiên, hầu hết các nghị sĩ đều không muốn rời Munich mà không tạo ra hy vọng. Hết lần này đến lần khác, họ bác bỏ ý kiến cho rằng Ukraine đang ở trong tình thế khó đảo ngược.

“Tôi không hiểu bằng cách nào Nga có thể thắng được cuộc chiến này. Định nghĩa chiến thắng của họ là giành được lãnh thổ và chiếm đóng nó. Họ sẽ không bao giờ chiếm đóng Ukraine”, Thượng nghị sĩ bang Idaho Jim Risch, thành viên đảng Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, phát biểu. “Xung đột kết thúc khi một hoặc cả hai bên kiệt sức rồi ngồi xuống đối thoại. Chưa bên nào đã đến mức đó”, ông nói.

Thượng nghị sĩ WhiteHouse cho rằng Ukraine sẽ không bao giờ ngừng chống lại Nga, dù họ không được hỗ trợ thêm.

Bình Giang

Theo Politico

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-so-cua-ukraine-va-phuong-tay-post1613718.tpo