Nỗi sợ hãi chỉ sinh ra khi bạn ngồi chờ, hành động là cách duy nhất để vượt qua nó

Khánh Ly (sinh năm 2003) đang là sinh viên năm 3 ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Là cô gái dân tộc Thổ (Thanh Hóa), khi đến thủ đô Hà Nội, Ly bị ngợp bởi sự mới lạ, lo sợ vì xuất phát thấp vì mọi người xung quanh đều tài giỏi. Tuy nhiên với tính chất năng động của ngành học, cùng yếu tố cá nhân là người hoạt bát, ham học hỏi cái mới đã giúp nữ sinh dần tìm ra thế mạnh của mình và tỏa sáng theo cách riêng sau một thời gian ngắn.

Khánh Ly (sinh năm 2003) đang là sinh viên năm 3 ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Hành trình theo đuổi đam mê và nỗi sợ bị bỏ lại

Đến từ vùng cao, bố mẹ gia đình làm thuần nông nên ngay từ khi theo học cấp 3 Ly đã được gia đình định hướng theo học sư phạm, trở thành giáo viên để có thể đỡ đần chi phí học tập trong 4 năm đại học và sớm có được công việc ổn định sau này.

Tuy nhiên với cá tính và sự năng động có sẵn trong mình, Ly không thích sự “ổn định”, “an nhàn” như gia đình định hướng mà mong muốn được lăn xả, trải nghiệm để lĩnh hội được nhiều kiến thức xã hội hơn. Bởi vậy, cô dùng một khoảng thời gian dài cố gắng thuyết phục gia đình cho mình theo học chuyên ngành yêu thích, mặc dù bản thân cũng rất lo sợ vì điểm chuẩn mấy năm đó rất cao.

Sau nhiều cố gắng khích lệ động viên tinh thần gia đình, và tự trau dồi kiến thức của bản thân, năm 2020, Ly đỗ chuyên ngành mơ ước với số điểm ngoài mong đợi. Vui mừng chưa được bao lâu, Ly gặp khó khăn ngay từ khi bắt đầu bước chân vào môi trường đại học: “Ảnh hưởng của dịch COVID - 19 khiến cả nước phải cách ly xã hội, với tâm thế của một tân sinh viên đang háo hức đến trường nhưng lại phải nhìn mọi thứ qua màn hình máy tính, các mối quan hệ bạn bè không có, đăng ký tham gia các câu lạc bộ của trường đều bị đánh trượt, tự cảm thấy mình thấp kém do chênh lệch về trình độ khiến mình từng bị rơi vào trạng thái lạc lõng và nghi ngờ về lựa chọn của bản thân”.

Chia sẻ với phóng viên chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Ly cho biết: “Thời điểm đó mình chợt trở nên rụt rè, không hòa nhập được với bạn bè, việc học tập cũng gặp nhiều khó khăn do thay đổi môi trường học, nhiều lần mình làm sai khiến các bạn bị ảnh hưởng, mình thấy tự ti và dần tự tách mình khỏi mọi người”.

Bước ra khỏi vùng an toàn, tự do trải nghiệm theo cách mà mình muốn

Khoảng thời gian khủng hoảng đó kéo dài gần nửa năm, cho đến khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ, sau khoảng thời gian dài tự bó buộc bản thân bởi sự tự ti, Ly cảm thấy không thể nào cứ tiếp tục sống vô mục đích như vậy được mãi. “Khi đặt chân đến thủ đô, mình nỗ lực tìm ra thế mạnh của mình và dùng nó để phá vỡ sự nghi ngờ về năng lực của bản thân.”, cô nhớ lại.

Một phần do muốn san sẻ gánh nặng kinh tế với gia đình, và vì yêu sự năng động, không thích ngồi một chỗ nên Ly đã tìm việc làm thêm ngay sau khi ổn định được nơi ở. Ly chia sẻ: “Mình cảm thấy rất may mắn khi vừa “chân ướt chân ráo” tập tành đi làm, mọi người đã giúp đỡ mình rất nhiều, công việc này cũng khiến bản thân mình tự tin nói trước đám đông hơn, sửa được phát âm địa phương, học được nhiều kĩ năng khác và đỡ đần được một phần kinh tế cho bố mẹ”.

Ly (đứng thứ 2 từ bên trái) tích cực tham gia vào các sự kiện của trường, như hiến máu nhân đạo, những sự kiện đồng hành, sự kiện chào tân sinh viên,…

Không dừng lại ở đó, Ly còn tích cực tham gia vào các sự kiện của trường, như hiến máu nhân đạo, những sự kiện đồng hành, sự kiện chào tân sinh viên,… Những trải nghiệm này mang đến cho cô kiến thức thực tế chưa bao giờ được dạy trong sách vở, tạo mối quan hệ và học hỏi từ những người giỏi hơn mình, gặp được những người trước giờ chỉ được thấy trên TV hay phim ảnh.

Những trải nghiệm này mang đến cho Ly kiến thức thực tế.

Cho đến thời điểm hiện tại, Ly đã trải qua 5-7 công việc khác nhau và chưa hề muốn dừng lại. “Đối với mình, công việc không chỉ đem lại thu nhập mà còn khiến bản thân mình được nâng cấp mỗi ngày, mình không chấp nhận việc cuộc sống cứ lặp đi lặp lại. Việc thường xuyên thay đổi công việc khiến mình thích nghi với môi trường mới nhanh hơn, tiếp xúc được với nhiều thứ mới mẻ hơn và tập phản xạ với những hoàn cảnh khác nhau” - Ly cho biết.

Việc học tập cũng dần trở nên có khởi sắc hơn khi Ly tạo được nhiều mối quan hệ và bắt nhịp được với mọi người. “Mọi người đã giúp đỡ mình rất nhiều trong học tập và cả cuộc sống, mình dần dần bước vào được thế giới chung, tụi mình có những câu chuyện chung, áp lực chung khiến tớ dần cởi mở và tự tin hơn rất nhiều”, Ly chia sẻ.

Tuy hiện tại bản thân chưa thực sự xuất sắc nhưng so với cô bé dân tộc đến từ vùng cao trước kia, Ly cảm thấy bản thân đã trở thành một phiên bản hoàn toàn khác, "tự tin - vững vàng - năng động" hơn rất nhiều. Trong tương lai, Ly có dự định sẽ trau dồi thêm về ngoại ngữ, chinh phục thêm các chứng chỉ kỹ năng như thiết kế, tin học, giọng nói,… chia sẻ thêm về hành trình của bản thân, Ly chưa từng thấy mình giỏi giang hay xuất sắc, nhưng mình luôn làm mọi thứ hết sức, cho dù có không thành công, đó cũng là tất cả những gì mình có thể làm.

Tú Chân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/noi-so-hai-chi-sinh-ra-khi-ban-ngoi-cho-hanh-dong-la-cach-duy-nhat-de-vuot-qua-no-post1591912.tpo