'Nội soi' các thỏa thuận quốc phòng hơn 7 tỷ USD giữa Nga và Ấn Độ

Ấn Độ và Nga ngày 5/10 dự kiến ký thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá lên tới hơn 7 tỷ USD trong hội nghị thượng đỉnh song phương giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Vladimira Putin.

Hai nhà lãnh đạo Ấn-Nga gặp nhau bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg 2017. Ảnh: Sputnik

Theo báo Economic Times (ET), hai bên dự kiến tổ chức đối thoại về việc thiết lập một cơ chế thanh toán thoát khỏi sự phụ thuộc vào giao thương bằng đồng USD do Mỹ chi phối.

Các nguồn tin tiết lộ cho tờ ET biết thỏa thuận trị giá 5,2 tỷ USD mua 5 tổ hợp phòng không S-400 sẽ được ký kết trong hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Narendra Modi. Hệ thống phòng không, dự kiến hoàn tất chuyển giao trong năm 2020, sẽ tăng cường năng lực phòng thủ của Ấn Độ.

Phản ứng trước thông tin Ấn Độ mua S-400 của Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng cảnh báo Washington nhiều khả năng sẽ không đưa Ấn Độ vào danh sách miễn trừ trừng phạt nếu New Delhi theo đuổi hợp đồng này với Moskva. "Động thái nâng cấp hệ thống vũ khí, bao gồm việc mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không S-400, sẽ nằm trong diện chú ý đặc biệt của CAATSA", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, ám chỉ đến Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua Lệnh trừng phạt.

Một hợp đồng vũ khí quan trọng khác cũng sẽ được ký kết trong hôm nay bao gồm thỏa thuận trị giá 2,2 tỷ USD mua thêm 4 tàu chiến mới cho Hải quân Ấn Độ. Dự án dài hạn 11356 bao gồm chế tạo hai tàu khu trục nhỏ lớp Talwar tại xưởng đóng tàu Goa và mua hai tàu trực tiếp từ nhà máy đóng tàu Yantar, Nga. Chi phí nhập khẩu tàu trực tiếp từ Nga dự kiến khoảng 900 triệu USD.

Trong khi đó, tàu chiến “made in India” sẽ có giá cao hơn vì nó liên quan đến việc chuyển giao công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng tại xưởng đóng tàu.

Ngoài các thỏa thuận trên, Nga và Ấn Độ sẽ không ký thêm thỏa thuận nào mà hai nước thảo luận trước đó do các hạn chế trong ngân sách quốc phòng. Các thỏa thuận này bao gồm việc chuyển giao máy bay trực thăng trị giá 1,1 tỷ USD. Từ 2015, hai quốc gia đã tổ chức các cuộc đàm phán bổ sung thêm 48 chiếc trực thăng Mi-17.

Bên cạnh khủng hoảng ngân sách, việc thanh toán cho các thực thể quân sự Nga đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ là một thách thức đối với Ấn Độ. Các nguồn tin cho biết hai bên dự kiến có cuộc đàm phán chi tiết về một cơ chế thanh toán để né “lệnh trừng phạt” Mỹ. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập một ngân hàng chuyên dụng để mua quân sự giữa hai quốc gia và chuyển tiền bằng đồng ruble sang Nga.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/noi-soi-cac-thoa-thuan-quoc-phong-hon-7-ty-usd-giua-nga-va-an-do-20181005093702573.htm