Nối tiếp truyền thống gia đình cách mạng

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, thế hệ đi trước đã không tiếc tuổi xuân, sẵn sàng hy sinh xương máu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nối tiếp truyền thống hào hùng, các con, cháu của những gia đình ấy luôn phát huy tinh thần cách mạng, tiếp tục nối gót cha ông nỗ lực cống hiến, phục vụ quê hương.

Tự hào về truyền thống gia đình

Mỗi khi nhắc về gia đình mình, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Chánh Thanh tra huyện Bến Lức - Trần Văn Thanh luôn tự hào về người cha là liệt sĩ mà mình không thể nhớ mặt. Cha của ông là liệt sĩ Trần Văn Sơ, hy sinh năm 1966 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày ấy, ông Thanh chỉ vừa tròn 1 tuổi, hình ảnh, câu chuyện về người cha anh dũng của mình đối với ông là những ký ức đau thương qua lời kể từ ông nội, đồng đội của cha cùng người mẹ kính yêu.

Liệt sĩ Trần Văn Sơ là bộ đội làm nhiệm vụ trinh sát, trong một trận đánh đồn địch tại Gò Đen, quân ta bị địch bao vây, dù đã rút được nhưng do thiếu quân, ông trở vào hỗ trợ tiếp tục chiến đấu thì bị địch phát hiện và bắn trúng rồi hy sinh. Hiện mộ phần của ông được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cần Đước.

Đảm nhận 2 chức danh quan trọng là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đồng thời là Chánh Thanh tra huyện Bến Lức, ông Trần Văn Thanh (đứng) luôn khách quan, khiêm tốn và thẳng thắn, giải quyết các vụ việc, vấn đề hợp tình, hợp lý

“Ông nội tôi tham gia cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vì căm thù giặc giày xéo quê hương, nối gót theo ông, cha tôi cũng tham gia kháng chiến khi tuổi đời còn rất trẻ. Mẹ tôi ngày đó là giao liên, nuôi giấu cán bộ, cha hy sinh nên từ nhỏ tôi sống cùng ông bà ngoại. Cuộc sống kham khổ lắm nhưng tôi cố gắng học tập với ước mơ đỡ đần được cho gia đình” - ông Thanh hồi tưởng.

Nối tiếp truyền thống gia đình, ông Trần Văn Thanh luôn tận tụy với công việc, nỗ lực cống hiến, phục vụ nhân dân

Thiếu tình thương của cha từ ngày còn thơ, ông Thanh không cảm thấy mình bất hạnh mà lại rất đỗi tự hào về gia đình mình. Bà nội của ông là Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ ông cũng được nhận Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Một phần xương máu của cha ông đã dành cho độc lập dân tộc, ông Thanh thường kể và nhắc nhở các con phải nhớ ơn người đi trước, nỗ lực nối tiếp truyền thống gia đình. Hiện con gái lớn và con rể của ông Thanh đều là đảng viên, đang làm giáo viên, còn con gái nhỏ là sinh viên đại học năm 3.

Ông Thanh là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đồng thời là Chánh Thanh tra huyện. Đảm nhận 2 chức danh quan trọng này, theo ông, cần phải có đức tính trung thực, khách quan, khiêm tốn và thật thẳng thắn, giải quyết các vụ việc, vấn đề hợp tình, hợp lý. Làm tốt công tác thanh, kiểm tra cũng góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân. “Theo tôi, với công việc, bản thân mình phải đặt hết tâm sức, nỗ lực phục vụ nhân dân; còn đối với gia đình thì phải có trách nhiệm, mẫu mực, dạy dỗ các con nên người, học tập và làm việc cống hiến cho Tổ quốc. Đây cũng là cách mà tôi nối tiếp truyền thống cha ông, góp công xây dựng quê hương” - ông Thanh bộc bạch.

Phát huy sức trẻ, xây dựng quê hương

Tương tự như ông Thanh, Bí thư Huyện đoàn Thủ Thừa - Mai Hữu Phước cũng là một người con sinh trưởng trong gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội của anh tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; bà nội nuôi giấu cán bộ, còn bà ngoại là mẹ liệt sĩ. Riêng về cha của mình, anh Phước rất đỗi tự hào và thường nghe cha kể về những ngày tham gia kháng chiến. Cha của anh là ông Mai Văn Liêm (SN 1952) làm giao liên từ năm 1969 rồi bị địch bắt giam tại trại giam Tân An, sau đó đày đi khám Chí Hòa rồi ra tận Đà Lạt.

Trong thời gian tù đày, ông vượt ngục bị bắt lại, địch tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung, không khai báo và bị đánh chấn thương. Vết thương ngày ấy thỉnh thoảng vẫn đau nhức khi trái gió trở trời nhưng với ông, đây là những chiến tích, kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm cách mạng, là những dấu ấn của một thời máu lửa, dành cả tuổi xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông Liêm cũng vinh dự nhận được Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Sau này, trong quá trình công tác tại xã Tân Thành cũng như huyện Thủ Thừa, ông Liêm có nhiều đóng góp trong xây dựng địa phương từ những ngày mới giải phóng, được nhân dân tín nhiệm.

Anh Mai Hữu Phước thường nghe cha kể về những ngày tháng hào hùng khi tham gia kháng chiến

Nối gót truyền thống gia đình, các anh, chị, em của anh Phước cũng có công việc ổn định và đang từng ngày chung tay, góp sức xây dựng quê hương. Chị hai của anh là giáo viên, anh ba là sĩ quan quân đội, em gái út vừa tốt nghiệp cao đẳng, riêng anh Phước hiện là Bí thư Huyện đoàn Thủ Thừa. Nhớ ơn thế hệ trước, anh luôn hết mình với chức trách, nhiệm vụ được giao và đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; thực hiện nhiều hoạt động, phong trào đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội trên địa bàn huyện; giúp đoàn viên, thanh niên tham quan “địa chỉ đỏ”; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử địa phương,... nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nhớ ơn người đi trước vì độc lập quê hương.

Anh Phước chia sẻ: “Cha thường kể cho chúng tôi nghe về sự gian khổ khi tham gia kháng chiến, đồng đội mới hôm nay còn trò chuyện cùng mình, ngày mai đã anh dũng ngã xuống, người còn ở lại đã là vô cùng may mắn. Trước tình cảnh quê hương bị giặc tàn phá, người dân đói khổ, những người yêu nước thế hệ trước đều quyết tâm lên đường chiến đấu, chẳng ngại hy sinh máu xương. Do đó, cha luôn căn dặn anh, chị, em chúng tôi phải cố gắng hết mình, phát huy sức trẻ vì quê hương. Cuộc sống ngày nay đầy đủ, ấm no hơn, có điều kiện học tập, phấn đấu thì phải nỗ lực, không được ỷ lại, lúc nào cũng phải có tinh thần trách nhiệm trong công việc, phải vì nhiệm vụ chung rồi mới đến việc nhà, việc riêng”.

Bí thư Huyện đoàn Thủ Thừa - Mai Hữu Phước luôn hết mình với chức trách, nhiệm vụ được giao và đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội. Ảnh: Mộng Đào

Chiến tranh lùi xa nhưng những đau thương, mất mát của cha ông là không thể bù đắp. Thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, ngày nay, con cháu trong những gia đình cách mạng ấy vẫn luôn tự hào, khắc ghi và nguyện nối tiếp truyền thống anh hùng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

"Thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, ngày nay, con cháu trong những gia đình cách mạng ấy vẫn luôn tự hào, khắc ghi và nguyện nối tiếp truyền thống anh hùng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Thu Ngân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/noi-tiep-truyen-thong-gia-dinh-cach-mang-a134574.html