Nơi Tổ mẫu Âu Cơ

Vốn gốc xã Quân Khê, tôi quen gọi là làng, ai ngờ nay đích thị là làng thật, bởi 3 xã Hiền Lương, Ðộng Lâm, Quân Khê vừa hợp lại chung một tên xã: Hiền Lương.

Hiền Lương có Ðền Tổ mẫu Âu Cơ nên Tết đến bội phần thiêng liêng, tri ân tổ tông, công đức tổ mẫu trong cùng tuần tháng đầu năm mới. Sau 3 ngày Tết, bắt ngay sang Lễ trọng, với lời truyền tụng: “Mồng bảy trong tiết tháng giêng/ Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời”...

Hiền Lương nay ngàn vạn lần khác trước. Bản làng, thôn, xã thay đổi một trời một vực. Nhà xưa như lều như lán, lụp xụp; đường đất gập ghềnh ổ trâu, ổ gà. Ăn mày cũng có, cày thuê cuốc mướn khá dư... Nay thì chẳng còn ai trong diện đói, nghèo thì cũng lẻ loi. Chưa hẳn khang trang nhưng thanh sạch là cái chắc. Sáng cuối cùng của năm (ngày 30 Tết), ai ai cũng tận dụng thời khắc sót lại của năm để sắm Tết Nguyên đán, sắm Lễ trọng Tổ mẫu Âu Cơ, gây cảm giác xao xuyến, rộn ràng đến lạ lùng. Trưa 30 Tết, gian chính giữa của các gia đình, cỗ đã bày lên bàn thờ gia tiên để tiến hành lễ rước các bậc tổ tông về âm hưởng Tết cùng con cháu. Dâng đèn hương; anh em con cháu trong nhà tề tựu đông đủ. Trong vai trai trưởng của gia đình, áo quần nghiêm chỉnh, tư thế nghiêm trang, đối diện với bàn thờ, tôi thắp nén hương thơm cất lời bẩm bái: “... Tiết xuân đang về, ngày 30 tháng Chạp, năm... Chúng con kính cẩn dâng hương đèn, hoa quả, cỗ bàn, trầu cau cùng mọi phẩm vật... hiến lễ... Kính mời các cụ trong họ tộc, ông bà, bố mẹ, chú bác, cô dì... cùng về chứng giám và thụ hưởng... Chúng con cầu mong tổ tiên phù hộ gia đình từ già đến trẻ luôn hạnh phúc an khang, vạn sự hanh thông, người tăng vật vượng...”.

Tôi lùi ra, theo thứ bậc từng người trong nhà trình diện trước ban thờ bái lễ. Cháy hết tuần nhang, cỗ được hạ xuống, cả nhà quây quần quanh mâm cỗ, ấm cúng, vui vầy thành lệ lẽ nhà ở quê tôi. Các cụ cao niên của làng nói rằng: Kính lễ, tôn tộc tổ tông có từ thời Hùng Vương dựng nước; có từ thuở mẹ Âu Cơ lập trang trại ở Hiền Lương dạy dân khai mương, cấy lúa, trồng dâu... Cho nên, không ít gia đình vào những ngày Tết vẫn thắp hương nói lời tri ân công đức Tổ mẫu Âu Cơ, công đức các đời vua Hùng; vận lời dạy bất hủ của Cụ Hồ thành lời thề non nước: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”! Để rồi lửa truyền thống cách mạng luôn được hun đúc. Chống Pháp, Hiền Lương là chiến khu kháng chiến; là xứ sở hoạt động của các bậc tiền bối như Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Bình Phương (Nguyễn Đức Vũ); là nơi đón tù cách mạng vượt ngục Sơn La về, như: Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Tùng, Trần Quang Bình;... là nơi nuôi chí bền của người con sớm bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, ấy là Trần Quang Bình, biệt danh Nguyễn Văn Dĩ - người chiến sĩ trung kiên của Bác Hồ. Ông là Trưởng ban Giao thông liên lạc Trung ương, Tổng Cục trưởng - Bưu điện Việt Nam từ 1949 - 1976; liêm khiết, trong sáng, mẫu mực có một không hai, cùng biết bao tên tuổi những anh hùng, chiến sĩ, cấp bậc cao sáng chống Mỹ cứu nước gắn với chiến công mà gốc gác là dân bản xứ Hiền Lương....

Tết quê tôi như mọi làng quê Phú Thọ, cũng bánh chưng xanh, cũng dưa hành, câu đối đỏ. Nay câu đối nhạt phai, thay vào là báo Tết, báo Xuân, là lịch treo tường, bức tranh phong cảnh. Hơn thế, Hiền Lương quê tôi vui Tết cùng với lãnh đạo huyện Hạ Hòa lo tươm tất cho Lễ hội Tổ mẫu Âu Cơ (nhằm ngày 7 tháng giêng). Bởi, Đền Tổ mẫu Âu Cơ là Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Huyền thoại mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng trong một bọc trăm trứng đã thành hình tượng đặc sắc trong tâm tưởng nhiều ngàn đời nay của người Việt Nam ta. Nơi đây, Tổ mẫu Âu Cơ cùng 50 người con trai thấy trang Hiền Lương phong cảnh hữu tình, núi vây, đồng phẳng, sông sâu, nước hồ trong sạch nên mẹ Âu Cơ đã cho khai hoang lập ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải. Những tên gọi từ thuở hồng hoang: giếng Loan, giếng Phượng, gò Thị, gò Cây Vải, ngòi Vần, ngòi Lón, đồng Nang, Thanh Ba... vẫn vẹn nguyên trong ký ức mỗi người dân.

Lấy nê người Quân Khê, Hiền Lương tôi có cơ nhập cuộc nhiều đoàn xuất phát từ Hà Nội lên viếng Tổ mẫu Âu Cơ. Khung cảnh đền ngày nối ngày đẹp hơn lên, hệt như cây mỗi lớn lại nẩy cành xanh lá... Chị Tô Thị Hải Yến, Trưởng ban Quản lý đền nói với đoàn nhà văn, nhà báo mới đây, rằng: “Tương truyền ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, bà Âu Cơ cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa, ở đó nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói. Tri ân công đức Tổ mẫu Âu Cơ, cách đây hơn 500 năm, vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng Đền Tổ mẫu Âu Cơ. Năm 1991, đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Lễ chính của đền đúng vào ngày “Tiên giáng” mùng 7 tháng giêng, do huyện đứng danh tổ chức... Lễ phẩm dâng Mẫu Tổ gắn liền với đời sống nông nghiệp bằng tấm lòng thơm thảo. Nghi thức trang trọng, dân làng bơi thuyền ra giữa dòng Thao lấy nước trong để làm các thứ bánh kính lễ. Xóm thôn rộn ràng làm đủ 100 cầu bánh ngọt bằng bột nếp, cùng xôi nếp, chè lam, 100 phẩm oản; hoa thơm, quả ngọt dâng kính...

Sáng mùng 7 tháng giêng, cờ xí rợp trời, trống chiêng vang lừng, hương trầm lan tỏa nơi nơi, dải lụa hồng đào mềm mại thả trên ngọn đa, người người tụ về lễ hội. Vào giờ Thìn, đội rước kiệu là nam giới, người đi đầu rước lá cờ thần, sau kiệu là những vị chức sắc của tất cả các xã trong huyện, các bô lão mặc áo thụng xanh, áo dài khăn xếp rồi đến dân làng trẩy hội từ đình tiến vào sân Đền Mẫu... Tại sân chính đền là đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn cao tiến hành lễ tế. Các cô trong đội tế mặc áo dài, màu sắc sặc sỡ, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, chủ lễ vận đồ màu đỏ. Sau nghi lễ tế, là hội, diễn ra với các trò đu tiên, đánh cờ người, chọi gà, tổ tôm... dâng sớ, thắp hương, cầu khấn Tổ Mẫu..

Nói về Tết, lễ quê nhà, Bí thư Đảng ủy Lê Văn Tạo và Chủ tịch xã Lê Văn Hùng cùng một ý, một nhời chắt ra từ tâm can: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” mãi mãi đằm trong tâm khảm mỗi người dân Hiền Lương. Cũng bởi, miếng cơm chúng tôi ăn bắt nguồn từ cây lúa ngày xưa mẹ Âu Cơ dạy khơi mương, cày cấy; áo quần chúng tôi mặc cũng từ cây dâu, con tằm mẫu Âu Cơ dạy trồng dâu, ươm tơ, kéo sợi. Tri ân tổ tiên, nhớ về cội nguồn là lẽ sống, là đạo lý mà ông cha đời đời răn dạy để tổ tông muôn đời thịnh. Đây chính là nguồn năng lượng để dòng giống Lạc Hồng quyết bảo toàn giang sơn bờ cõi, xây dựng đất nước ngày thêm giàu đẹp, phồn vinh, phát triển! Bởi thế, mục tiêu tối thượng của Hiền Lương trong nhiệm kỳ 5 năm tới là phải “cán đích” nông thôn mới. Thế mạnh về nông lâm nghiệp và dịch vụ du lịch đã và đang được khai thác, phát triển. 3 điểm yếu là môi trường, nhà tạm, thu nhập đang dồn sức lực để vượt qua. Đó là ý chí đồng thuận của gần 10.400 dân thuộc 8 dân tộc anh em trong xã, nơi xứ núi sâu xa này, nhưng có điểm tựa gốc rễ là vùng quê cách mạng, là nơi có Đền Tổ mẫu Âu Cơ nguồn cội sức mạnh tinh thần vô biên!...

Tết Nguyên đán cùng dịp với Lễ hội Tổ mẫu Âu Cơ quê nhà tôi đã thành truyền thống, trang trọng, thiêng liêng đằm sâu trong tâm tưởng hết thảy cuộc đời của mỗi người dân Hiền Lương, của Hạ Hòa, Phú Thọ - đất muôn đời thờ phụng Tổ mẫu Âu Cơ, Lạc Long Quân; thờ phụng các đời vua Hùng đã có công dựng nước; để mãi truyền nhau nguyện theo lời Bác “...Phải cùng nhau giữ lấy nước”! Để mãi hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tông, nhân lên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Để truyền tụng mãi nét đẹp, nét hay, thành kính trong câu ca “Anh em Bách Việt ta ơi/ Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường/Dâng ngày hội tế Mẫu Vương/ Người sinh ra tổ Hùng Vương nước nhà”!...

Nhà văn Nguyễn Uyển

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/noi-to-mau-au-co-n185725.html