Nơi treo cờ Đảng đầu tiên ở Cà Mau

Được xây dựng để thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh cùng các bậc tiền hiền, Đình Tân Hưng (ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) lại có dấu ấn lịch sử đặc biệt khi là nơi treo cờ Đảng đầu tiên ở Cà Mau.

Đình Tân Hưng tọa lạc ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.

Đình Tân Hưng tọa lạc ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.

Theo ông Nguyễn Di Linh, Trưởng Phòng Bảo tồn di tích thuộc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, Đình Tân Hưng được xây dựng từ năm 1907 để thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, các bậc tiền hiền… Đình từng được vua Tự Đức sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng vào năm Tự Đức đệ ngũ niên với 8 chữ “Chánh trực - Hựu hiền - Đôn ngưng - Chi thần”. Trải qua những năm chiến tranh, đình bị hư hỏng nặng, sắc thần cũng bị thất lạc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, người dân Tân Hưng xây dựng lại đình với 4 cột, nền lót gạch, 4 mái lợp ngói máng và ở 4 góc có gắn 4 hình cá chép cách điệu, trên nóc đúc 2 rồng chầu, giữa sân có bệ thờ Thần Nông, bên phải thờ Thổ Công, bên trái thờ Hà Bá. Bên trong đình, chính giữa thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía sau thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, phía bên phải thờ Hữu Ban, bên trái thờ Tả Ban, hai bên thờ tiền hiền…

Đình Tân Hưng không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân mà còn là điểm đầu tiên lá cờ đỏ búa liềm xuất hiện phất phới tại Cà Mau. Sự kiện này đã thổi luồng sinh khí mới vào niềm tin tưởng của người Cà Mau đối với sự nghiệp đấu tranh do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chống thực dân, phong kiến giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nền kinh tế nước Pháp kiệt quệ, để cứu vãn tình hình, bọn thực dân ra sức vơ vét của cải ở Đông Dương với các hình thức sưu cao thuế nặng, trưng khẩn và chiếm hữu ruộng đất. Các biến cố dồn dập đẩy số phận người nông dân đi vào bần cùng, bế tắc. Người dân Cà Mau rất phóng khoáng hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, biết bao đời đã đổ mồ hôi xương máu khai hoang, vun xới cho đất đai phì nhiêu, tạo dựng cơ nghiệp, nay bị tước đoạt, lòng căm thù giặc vì thế càng dâng cao.

Biến căm thù thành hành động, các cuộc đấu tranh, biểu tình với ý thức chống ngoại xâm giành độc lập của các tổ chức quần chúng Cà Mau ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động. Từ năm 1925-1928, nhiều cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra đã tập hợp đông đảo quần chúng tham gia. Năm 1929, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ra đời tại Cà Mau đã tập hợp thanh niên, giáo dục lòng yêu nước, tạo ý thức cách mạng, chuẩn bị cho sự ra đời tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cà Mau, tiêu biểu nhất là việc treo lá cờ Đảng tại đình Tân Hưng.

Rạng sáng ngày 1-5-1930, người dân Cà Mau vui mừng và bàn tán xôn xao khi thấy cờ Đảng tung bay trên ngọn cây dương trước đình Tân Hưng với dòng chữ “Ngọc - Đức - Thế” và câu khẩu hiệu “Diệt trừ ác tặc”. Sự kiện này đã làm bọn lính làng, hội tề hoảng hốt tháo xuống và điều tra, truy bắt nhóm thanh niên đã treo cờ, gồm: Lương Thế Trân, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Đức Cao (“Ngọc - Đức - Thế” là tên lót của 3 người), đày ra Côn Đảo.

Song, cờ Đảng xuất hiện tại Đình Tân Hưng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó là tín hiệu mở đầu cho phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cổ vũ tinh thần kháng chiến của quân dân Cà Mau, góp phần làm nên chiến thắng Cách mạng tháng Tám năm 1945, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, thiết lập chính thể cộng hòa dân chủ nhân dân.

Tuy nhiên, đầu năm 1946 thực dân Pháp quay trở lại đánh Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ, chúng chiếm Bạc Liêu và dùng tàu lớn theo kinh xáng Hộ Phòng - Gành Hào đánh chiếm Cà Mau. Trước tình hình đó, lực lượng Cộng Hòa vệ binh và du kích tàu Cà Mau triển khai lực lượng ngăn chặn, gây cho địch nhiều tổn thất. Sau đó, lực lượng Cộng Hòa vệ binh và du kích xã Tân Hưng đóng quân theo tuyến lộ Cà Mau, sông Rạch Rập, chọn Đình Tân Hưng xây trận địa, đào đắp công sự, dựng chướng ngại vật chống địch lấn chiếm, bảo vệ căn cứ. Mặt trận Tân Hưng bắt đầu hình thành, đồng chí Mai Đăng Khoa, Ủy viên quân sự trực tiếp chỉ huy.

Hơn 3 tháng đầu của năm 1946, Mặt trận Tân Hưng đã chiến đấu ngoan cường để ngăn chặn bước tiến của địch. Thực dân Pháp cay cú coi đây là một sự thách thức của Việt Minh đối với quân viễn chinh. Tuy huy động lực lượng hùng hậu, trang bị hiện đại nhưng bọn thực dân không thể phá vỡ Mặt trận Tân Hưng. Song, đầu tháng 5-1946, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Bộ Chỉ huy Quân khu 9 quyết định giải tán Mặt trận Tân Hưng, triển khai lực lượng về các địa phương phát triển chiến tranh du kích, tiếp tục cuộc trường kỳ kháng chiến trên địa bàn rộng lớn toàn dân.

Tuy tồn tại chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Mặt trận Tân Hưng đã hoàn thành xuất sắc vai trò xây dựng và củng cố lực lượng kháng chiến ở vùng nông thôn, gây cho địch những tổn thất to lớn. Thắng lợi của Mặt trận Tân Hưng chứng minh sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, là chiến thắng của sức mạnh đoàn kết toàn dân, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân.

Ghi nhận ý nghĩa lịch sử cách mạng và văn hóa tinh thần của người Tân Hưng nói riêng và quân dân Cà Mau nói chung, tháng 8-1992, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận đình Tân Hưng là Di tích cấp Quốc gia. Năm 2014, di tích được nâng cấp, phục dựng nhiều hạng mục, công trình, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa qua lễ Kỳ yên, giáo dục con cháu về lịch sử đấu tranh của cha ông. Đồng thời, thu hút du khách về cứ địa của Mặt trận Tân Hưng, cũng như lịch sử cách mạng của quân dân nơi cuối trời Tổ quốc.

Bài, ảnh: MAI ANH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/noi-treo-co-dang-dau-tien-o-ca-mau-a133913.html