Nỗi tuyệt vọng của cụ ông

Chuyện ông cụ 95 tuổi ở Q.Tân Bình (TP.HCM) phải xin từ con vì liên tiếp bị giang hồ khủng bố buộc trả nợ thay con (Thanh Niên đã đăng tải ngày 16.9) chỉ là một phản ứng trong tuyệt vọng trước tình cảnh đã nhiều lần kêu cứu với chính quyền nhưng không được giúp đỡ hiệu quả.

Chí ít là đã 3 năm rồi kể từ ngày ông cụ này đến chính quyền kêu cứu. Báo chí cũng đã phản ánh việc này từ năm 2016. Mà có phải một trường hợp như thế đâu. Trong năm 2016, nhiều trường hợp cụ già rơi vào tình cảnh tương tự đã lên tiếng cầu cứu.

[VIDEO] Trả nợ hơn 30 tỉ cho con, cụ ông 95 tuổi vẫn bị khủng bố

Tức là vấn đề không thể hiểu đơn giản là một trường hợp cá biệt, mà là một vấn đề chung về an ninh xã hội. Chưa kể, phía sau vấn đề này là những khía cạnh rất thiếu nhân văn, rất đau lòng về tình người, về quan hệ gia đình, tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành một mô típ tội phạm xã hội “khủng bố cha mẹ trả nợ thay con”.

Nhưng có điều lạ là dù có khi thông tin về những kẻ côn đồ được cung cấp đầy đủ hay được thu thập rõ ràng qua camera an ninh, nhưng dường như chúng vẫn cứ nhởn nhơ tiếp tục lộng hành.

Vậy nên người dân, vì không còn cách nào để thoát khỏi tình cảnh khổ sở bị khủng bố tinh thần, đành phải chọn con đường đứt ruột mà tuyên bố từ con, ngay cả sau khi đã vì con mình mà bán luôn tài sản, nhà cửa để trả nợ cho con. Những chuyện như thế, rõ ràng là đã gọi tên nỗi tuyệt vọng của người dân.

Phản ứng của chính quyền địa phương, nhất là của công an, sau khi người dân trình báo sẽ là gì? Đương nhiên sẽ là những khâu nghiệp vụ cần thiết, bao gồm cả việc mời đi mời lại người dân lên trụ sở để lấy lời khai, để tường trình. Đương nhiên là những biện pháp hỗ trợ và giám sát như tăng cường tuần tra, lắp đặt camera an ninh...

Nói chính quyền địa phương không có phản ứng để hỗ trợ người dân trong trường hợp này thì không đúng. Nhưng cũng phải thẳng thắn, rằng để một chuyện như thế kéo dài cả 3 năm trời mà không thay đổi được kết quả thực tế thì làm sao tránh khỏi câu hỏi chất vấn về trách nhiệm và năng lực của chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Trách nhiệm là trách nhiệm đến tận cùng với dân, kiên quyết tìm phương án đấu tranh với kẻ xấu để thật sự bảo vệ được cuộc sống của người dân. Chứ không thể chỉ là triển khai vài việc ban đầu cho có rồi bỏ mặc dân tự xoay xở.

Năng lực là năng lực đấu tranh thực tế với tội phạm. Sao mà chỉ với những băng nhóm giang hồ “vặt”, quen sử dụng trò khủng bố tinh thần những người già cả để đòi nợ mà cũng không thể ngăn chặn được, không thể trấn áp được. Để đến mức người dân phải lâm cảnh tuyên bố từ con để tự cứu mình.

Phía sau những nỗi tuyệt vọng tuyên bố từ con ấy, sẽ là gì, nếu không phải là sự tổn thất về lòng tin của người dân với năng lực và trách nhiệm của chính quyền địa phương? Hay còn điều gì khác nữa?

Huỳnh Văn Thông

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/noi-tuyet-vong-cua-cu-ong-1003751.html