Nơi ươm mầm yêu thương

Trải qua bao khó khăn để đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường, Hợp tác xã (HTX) Sơn khảm Ngọ Hạ xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), nơi có nghề khảm trai truyền thống nổi tiếng còn tồn tại sau gần nửa thế kỷ trở thành điểm sáng trong hàng nghìn làng nghề ở đây.

Bà Nguyễn Thị Vui hướng dẫn nghề cho các học viên trong giờ học.

Kể về sự đa dạng, mẫu mã các sản phẩm sập gụ tủ chè, bình phong, đồ lưu niệm của thương hiệu Sơn khảm Ngọ Hạ đã đành, chuyện tìm cho được chỗ đứng trên thị trường, ngày càng có nhiều khách trong nước, ngoài nước tìm đến Ngọ Hạ đặt hàng cũng là kinh nghiệm quý.

Song, điều đáng trân trọng là HTX đã có cả một chiến lược dài hơi để phát triển nguồn nhân lực gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo và trợ giúp nhân đạo trong địa phương là nhận người tàn tật vào làm việc. Ngay từ năm 1996, HTX đã đề xuất với chính quyền xã cho mở lớp dạy nghề dành cho con em các gia đình khó khăn, trẻ tật nguyền. Hưởng ứng đề xuất của HTX, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội đã hết lòng giúp đỡ tạo điều kiện cho HTX mở lớp dạy nghề, truyền nghề cho trẻ mồ côi cơ nhỡ, con gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người khuyết tật. Bà Nguyễn Thị Vui, Chủ nhiệm HTX cho biết: Nếu như năm 1994, HTX mới chỉ có 50 em vào học nghề và làm việc tại HTX, thì nay con số đó đã lên hơn 2.000 em.

Sáu tháng học nghề thật sự là khó khăn, vất vả. Thời gian học ngắn, một số em còn không biết mặt chữ, một số trí tuệ kém phát triển, thậm chí bị bệnh trầm cảm. Đội ngũ giáo viên của HTX phải hết sức kiên trì, tận tình chỉ bảo, truyền đạt kỹ lưỡng. Không chỉ dừng lại ở truyền đạt kiến thức, để đánh giá việc học tập của các em và phương pháp giảng dạy của giáo viên, cứ ba tháng, HTX tổ chức cho các em thi một lần. Nếu số lượng học viên đạt kết quả thấp, HTX cùng các giáo viên nghiên cứu, tìm tòi cách giảng dạy cho phù hợp nhất, để các em tiếp thu nghề dễ dàng hơn và đạt kết quả. Đến nay, các lao động là người khuyết tật ở HTX đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định đạt 70 đến 75%, với mức lương tối thiểu từ 500 nghìn đồng/tháng.

Không chỉ dạy nghề, tạo việc làm, HTX còn quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho các học viên. Các em được phục vụ ngày ba bữa ăn, với một số loại rau, quả do tự các em trồng. HTX cũng có một tủ thuốc thông dụng để mỗi khi có em nào bị đau, yếu được chăm sóc ngay. 20 năm qua, nhiều học viên từ các thôn, xã khác nhau đến học tập. Có khóa số học viên lên đến 150 em, nhưng bằng tình thương yêu, đùm bọc của các bà, các mẹ, thầy giáo, cô giáo, các em được học về tình nhân ái cho nên rất thương yêu, đùm bọc nhau như một gia đình lớn.

Điều làm bà Vui băn khoăn là thời gian học nghề của các em quá ngắn (theo tiêu chí của Tổng cục dạy nghề chỉ có sáu tháng), các em khó nắm vững các kỹ năng nghề. Bà mong muốn các cơ quan xây dựng chính sách, nhất là Tổng cục dạy nghề nên có quy định riêng các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, ít nhất phải từ chín tháng trở lên để các em sau khi học xong có tay nghề vững vàng, có thể tự đứng trong dây chuyền sản xuất của HTX hoặc tự tin đi tìm việc làm ở các cơ sở. Như thế, chắc chắn số lượng người khuyết tật có cơ hội tìm việc làm ổn định sẽ lớn hơn.

Bài và ảnh: TRỊNH SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/24492402-noi-uom-mam-yeu-thuong.html