Nơi xây dựng lòng tin

Hôm qua, 20-10, có tới 24 thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá 723 triệu USD đã được kí kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) tại Diễn đàn hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam – Quảng Đông (Trung Quốc), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chính quyền nhân dân và các cơ quan hữu quan của tỉnh Quảng Đông tổ chức tại Hà Nội. Một ngày trước đó, 19-10, các doanh nghiệp Việt Nam và Quảng Đông cũng đã kí kết 10 dự án, trị giá 427 triệu USD. Như vậy, trong hai ngày liền, hai bên đã ký 34 dự án với tổng trị giá 1,15 tỉ USD.

Tham dự diễn đàn, về phía Việt Nam có Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, đại diện các bộ, ngành, các tỉnh của Việt Nam có giao thương trực tiếp với tỉnh Quảng Đông cùng hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam. Ông Hoàng Hoa Hoa, Tỉnh trưởng Quảng Đông dẫn đầu đoàn đại biểu gồm lãnh đạo tỉnh, các cơ quan ban ngành với gần 250 doanh nghiệp lớn, có uy tín của tỉnh Quảng Đông kinh doanh trong các lĩnh vực: Du lịch, thương mại tổng hợp, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, vận tải, tư vấn thiết kế, thực phẩm, y tế, đồ gia dụng, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất, dệt, xây dựng và vật liệu xây dựng, hóa dầu, nước khoáng, giao thông vận tải, chế tạo đèn điện… Tại Diễn đàn, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Hoàng Hoa Hoa cho biết, từ năm 2005, GDP của Quảng Đông đã vượt ngưỡng 500 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 5.300USD; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 683 tỉ USD; đầu tư của nước ngoài trong 30 năm qua đã đạt trên 213 tỉ USD… Những con số thuyết phục trên đã khiến Quảng Đông trở thành một trong những khu vực có nền kinh tế năng động, có sức phát triển sản xuất mạnh mẽ, thực lực khoa học công nghệ hùng mạnh, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Đánh giá về tiềm năng quan hệ với Việt Nam, ông Hoàng Hoa Hoa nhấn mạnh, Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng về kinh tế, thương mại của Quảng Đông. Năm 2008, kim ngạch thương mại đạt 3,36 tỉ USD. Trong tương lai, với thị trường rộng lớn, cơ sở hạ tầng kĩ thuật tiên tiến cùng chiến lược phát triển kinh tế mạnh mẽ, Quảng Đông đang hi vọng thu hút nhiều hơn nữa các nguồn đầu tư từ nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Giữa Quảng Đông và các địa phương của Việt Nam có đặc tính tương hỗ rất cao, tuy nhiên hai bên cần tích cực thiết lập và hoàn thiện thêm cơ chế hiệp thương và đối thoại; mở rộng giao lưu thông tin, giúp doanh nghiệp tìm hiểu chính sách và thị trường của nhau. Quảng Đông cam kết tiếp tục mở rộng nhập khẩu các loại hàng hóa của Việt Nam như cao su, than, da… khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng nhà xưởng, chế biến, lắp ráp, xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác khai thác khoáng sản; xúc tiến hợp tác du lịch; thúc đẩy hợp tác nông nghiệp… Cũng tại Diễn đàn này, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, diễn đàn đã rất thành công khi doanh nghiệp hai nước thực sự tin tưởng nhau, doanh nghiệp hai nước hiểu rõ thế mạnh, khả năng kinh doanh của nhau. Quảng Đông là tỉnh có cơ sở hạ tầng khá phát triển, đi đầu ở Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa thế mạnh về vốn, cơ sở hạ tầng để kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mà ta đang còn thiếu. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tận dụng triệt để cơ hội này để trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp Quảng Đông nhằm khai thác, tìm hiểu thị trường rộng lớn tại Quảng Đông và thông qua Quảng Đông vào các thị trường khác của Trung Quốc. Ngoài ra, do vị trí chiến lược của Quảng Đông và Việt Nam, trong thời gian tới khi Trung Quốc thực thi chiến lược mở rộng thị trường sang các nước ASEAN khác, các doanh nghiệp nên nắm bắt thời cơ này. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam và Quảng Đông khi được hỏi đều cho rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo hai bên, nhất định sự hợp tác sẽ còn tiếp tục phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam coi hàng hóa của Quảng Đông có chất lượng khá tốt, điều quan trọng là các doanh nghiệp của ta phải biết cách kiểm tra chất lượng hàng hóa, cần phải đặt ra những tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, quyết không dùng hàng “nhái”, hàng giả danh hoặc hàng cùng loại nhưng tiêu chuẩn thấp. Về vấn đề này, một số doanh nghiệp của thành phố Quảng Châu (Quảng Đông) cho biết, vấn đề sở hữu trí tuệ cần phải được quản lí chặt chẽ, tránh tình trạng hàng “địa phương”, hàng “nhái” dán nhãn các công ty uy tín của Quảng Đông. Ngoài ra, các doanh nghiệp Quảng Đông cũng mong muốn Chính phủ cũng như các địa phương cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể nhanh chóng triển khai thuận lợi các dự án. Bài và ảnh: NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/26/26/92720/Default.aspx