Nokia quyết tâm đầu tư cho cuộc đua 5G, dừng trả cổ tức

Với động thái không trả cổ tức để tập trung nguồn tiền bù đắp vào chi phí vào mạng 5G đã khiến cổ phiếu của Nokia Corp sụt giảm hơn 20%.

CEO của Nokia ông Rajeev Suri.

CEO của Nokia ông Rajeev Suri.

Chi phí 5G còn cao

Theo Nokia, biên lợi nhuận của họ bị thu hẹp do hoạt động yếu kém tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt gặp sự cạnh tranh về giá từ Huawei và Ericsson AB.

Để đối phó, Nokia cho biết họ sẽ không trả cổ tức trong quý thứ ba và thứ tư để có thể củng cố lượng tiền mặt của mình và đầu tư nhiều hơn vào dòng sản phẩm 5G. Công ty cho biết họ dự kiến sẽ tiếp tục thanh toán cổ tức sau khi ổn định được nguồn tiền mặt của mình.

"Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể giảm dần các vấn đề này trong suốt năm tới", CEO của Nokia ông Rajeev Suri nói.

Ngay khi đón nhận thông tin không trả cổ tức 2 quý liên tiếp cuối năm nay, cổ phiếu Nokia đã sụt giảm 20% trong phiên gần đây.

Tuy vậy, Nokia vẫn còn những điểm sáng khi kết quả kinh doanh quý 3 báo lãi. Theo đó, Nokia lãi được 82 triệu euro trong quý 3/2019, trái ngược hoàn toàn với việc thua lỗ 79 triệu euro cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý 3/2019 tăng 4,2% đạt 5,69 tỷ euro, trong khi trước đó, giới chuyên gia chỉ dự báo về mức lợi nhuận 5,62 tỷ euro. Nhưng đáng chú ý, lợi nhuận cho thiết bị mạng của hãng giảm xuống 29,1% từ 34,1%, Nokia cho biết.

Nokia là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai thế giới theo thị phần, chỉ sau Huawei. Mạng 5G đang trở thành cuộc đua của ngành công nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp đang chạy đua để cung cấp các thiết bị 5G cho các nhà mạng và nhà cung cấp internet trên toàn cầu.

Tuy nhiên, việc triển khai các thiết bị còn gặp nhiều trở ngại ngoài dự đoán. Đối với Nokia đó chính là chi phí đầu tư, hiện chi phí cho các thiết bị được hãng phát triển và sản xuất đang cao hơn giá dự kiến. Điều này là bất lợi với Nokia, khi mà đối thủ của họ Huawei và các nhà sản xuất Trung Quốc khác đang có giá cạnh tranh hơn rất nhiều. Gần đây, Ericsson cũng đã giảm giá để xây dựng thị phần.

Các nhà phân tích đã đưa ra kỳ vọng rằng hai gã khổng lồ châu Âu có thể được hưởng lợi từ sự thúc đẩy của Mỹ để ngăn cản các chính phủ đồng minh và các nhà mạng của họ mua thiết bị Huawei.

Lo ngại của Mỹ với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng ở việc Huawei có thể bị Bắc Kinh ép buộc sử dụng các thành phần và nhân viên của mình để do thám hoặc phá vỡ các mạng lưới nước ngoài.

Đáp lại những cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc, Huawei luôn khẳng định họ sẽ không bao giờ làm điều đó.

Tuy nhiên, trái với dự đoán, mặc dù đã được mở cửa rất nhiều đối với các nước Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường lớn nhất thế giới, do áp lực cạnh tranh của Huawei cả hai hãng Nokia và Ericsson lại đang cạnh tranh lẫn nhau. Cả hai đang cạnh tranh đặc biệt khốc liệt tại Hoa Kỳ, nơi Huawei hoàn toàn bị cấm.

Nokia gồng mình cạnh tranh

Việc chiếm thị phần Mỹ đang ngày một khó khăn hơn với Nokia, khi mà thị trường đón nhận các thương vụ sáp nhập lớn. Mới đây vào tháng 7, thương vụ M&A trị giá 32 tỷ USD giữa hai nhà mạng lớn của Mỹ là Sprint Corp và T-Mobile US Inc tạo ra một thách thức rất lớn để một doanh nghiệp nước ngoài như Nokia nhảy vào chiếm thị phần, bởi hai nhà mạng trên đã có thương hiệu từ lâu.

Trong khi đó, người bạn láng giềng châu Âu là Ericsson lại đang hạ giá các sản phẩm trên toàn thế giới bằng cách bù đắp chi phí, nhằm mục đích chiếm thị phần. Ericsson đã và đang định giá mạnh các sản phẩm của mình trên toàn thế giới, bằng chi phí của chính mình, để tăng thị phần và kết quả kinh doanh cho thấy bức tranh tích cực.

Doanh nghiệp đến từ Thụy Điển đã có lợi nhuận quý III/2019 đạt 6,5 tỷ Crown tăng mạnh 11,4% so với cùng kỳ và vượt qua mức dự báo 5,2 tỷ Crown trước đó. CEO của Ericsson ông Borje Ekholm cho biết: “Chúng tôi thấy tốc độ giới thiệu 5G nhanh hơn nhiều so với dự kiến”.

Trung Quốc cũng là một sự thất vọng đối với Nokia. Thị trường này đang chiếm 8% doanh thu ròng của Nokia trong quý III, nhưng doanh thu từ khu vực đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó bất chấp các lệnh trừng phạt, ba quý đầu năm nay, Huawei đã đạt doanh thu 610,8 tỷ CNY (tương đương khoảng 85,675 tỷ USD), tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận ròng của công ty trong giai đoạn này là 8,7%.

Đến nay, Huawei đã ký hơn 60 hợp đồng thương mại 5G với các nhà mạng hàng đầu toàn cầu và vận chuyển hơn 400.000 bộ ăng ten MIMO cỡ lớn (Massive MIMO active antenna units - AAUs) đến các thị trường trên toàn cầu.

Mặc dù liên tục cạnh tranh với các đối thủ lớn, Nokia vẫn luôn tỏ ra lạc quan và coi tập trung phát triển mạng 5G là hướng đi bền vững trong thời gian tới. CEO Nokia - Rajeev Suri từng tuyên bố: “Ngay lúc này và ngay tại đây – vào thời điểm bắt đầu một trong các cuộc chuyển giao công nghệ ngoạn mục nhất lịch sử khi 4G nhường chỗ cho 5G, chính là lúc Nokia tỏa sáng”.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nokia-quyet-tam-dau-tu-cho-cuoc-dua-5g-dung-tra-co-tuc-160126.html